Thế hệ thứ Hai (Bài 58): Luke Nguyễn và hành trình cùng ẩm thực đường phố Châu Á

Luke Nguyen in Saigon, Vietnam (Supplied by Luke Nguyen)

Luke Nguyen in Saigon, Vietnam (Supplied by Luke Nguyen)

Hãy cùng Luke Nguyễn khám phá những món ăn đường phố hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á từ Sài Gòn - Việt Nam đến Bangkok - Thái Lan, Kuala Lumpur - Malaysia và Jakarta - Indonesia.


Luke Nguyễn hẳn không phải là cái tên xa lạ với mọi người. Anh là đầu bếp nổi tiếng người Úc gốc Việt, thành công với hệ thống nhà hàng Việt Nam Red Lantern tại Surry Hills, Sydney.

Ngoài vai trò là một đầu bếp, điều hành nhà hàng, Luke Nguyễn còn là tác giả của những đầu sách bán chạy về ẩm thực như “Khúc hát Sapa”, “Đông Dương”, “Hành trình Mekong” và đặc biệt là cuốn “Bí quyết của Đèn Lồng Đỏ” do chị gái anh chấp bút… Anh cũng xuất hiện thường xuyên trên truyền hình Úc với vai trò người dẫn chương trình và khách mời các chương trình nấu ăn: Food Safari, Heat in the kitchen, MasterChef….

Đặc biệt, anh đồng thời là người dẫn chương trình truyền hình khám phá ẩm thực Việt Nam “Luke Nguyen’s Vietnam” được phát sóng trên đài SBS được khán giả khắp nơi đón nhận nồng nhiệt.

Luke Nguyễn cũng là giám khảo chính thức của loạt chương trình truyền hình ‘Vua đầu bếp: MasterChef Vietnam’.

Kim Anh: "Chào Luke Nguyễn, gần đây anh có về Việt Nam hay không?"

Luke Nguyễn: "Có chứ. Tôi mở trường dạy nấu ăn ở Sài Gòn tên là 'Grain'. Tôi về Việt Nam nhiều lần để dạy học, dạy trẻ em nấu ăn. Đó là niềm đam mê lớn cũng như mục đích chính của tôi khi mở trường dạy nấu ăn ở Việt Nam."

Kim Anh: "Luke Nguyễn có nói rằng trở về Việt Nam dạy nấu ăn, vậy điều này có liên quan gì đến tổ chức Little Lantern Foundation hay không?"

Luke Nguyễn: "Nhiều năm trước, tôi có thành lập tổ chức thiện nguyện Little Lantern Foundation ở Việt Nam. Nhưng sau một thời gian thì tổ chức này ngừng hoạt động, khoảng 2 năm trước, vì có nhiều khó khăn trong khi thành lập một tổ chức từ thiện ở Việt Nam. Quỹ đã hoạt động rất tốt được một thời gian, nhưng khi tôi muốn mở rộng hoạt động thì gặp một số khó khăn từ phía chính phủ cũng như một vài vấn đề khác.

Do vậy, mục tiêu kế tiếp của tôi là mở trường dạy nấu ăn. Và tôi đã mở trường 'Grain' dành cho tất cả mọi người. Ai cũng có thể đến đây tham gia nấu ăn, có nhiều công ty cũng đến đây để tổ chức các chương trình 'team building' (xây dựng đội nhóm), hay những người dân địa phương cùng gia đình của mình đến trường để học nấu ăn.
"Tôi gặp rất nhiều thách thức và tôi đã làm việc rất vất vả. Nhưng tôi cảm thấy mình rất may mắn vì tất cả mọi việc tôi làm đều là về ẩm thực."
Riêng đối với tôi thì tôi muốn thấy trẻ em đến học nấu ăn. Sau nhiều năm làm chương trình Masterchef, trong đó có Masterchef Việt Nam, tôi muốn làm chương trình Masterchef dành cho trẻ em ở Việt Nam. Tôi đã đến Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn để tìm kiếm những đứa trẻ có niềm đam mê nấu ăn và muốn học nấu ăn. Nhưng tôi cảm thấy rất khó để tìm được trẻ em hay những bạn trẻ có thể nấu ăn ở Việt Nam. Tôi rất ngạc nhiên và hơi thất vọng. Các em ăn uống không lành mạnh lắm và không quan tâm đến nấu nướng. Chế độ ăn uống không được tốt, các em ngày càng trở nên mập mạp hơn.

Tôi biết là có nhiều người nghĩ rằng trẻ em to lớn, béo tròn là khỏe mạnh, là điều tốt, nhưng tôi thì hoàn toàn không đồng ý với điều đó bởi vì nếu bạn muốn con em mình lớn lên khỏe mạnh thì bạn phải cung cấp những loại thức ăn phù hợp. Những đứa trẻ quả thật là rất to lớn nhưng lại không khỏe mạnh và có thể chết trẻ. Tôi rất quan tâm đến điều này và muốn dạy cho các em ăn uống lành mạnh và nấu nướng tốt."

Kim Anh: "Luke Nguyễn có biết Thanh Bùi hay không? Thanh Bùi về Việt Nam để mở trường dạy nhạc, và Luke Nguyễn thì mở trường dạy nấu ăn?"

Luke Nguyễn: "Tôi và Thanh Bùi rất giống nhau. Chúng tôi lớn lên ở Úc và có niềm đam mê to lớn đối với lĩnh vực của mình. Mỗi khi có dịp uống cà phê hay ăn trưa với Thanh Bùi, Thanh luôn truyền cảm hứng cho tôi: tầm nhìn cũng như động lực để Thanh thực hiện ước mơ của mình. Thanh Bùi trở về Việt Nam đã nhiều năm rồi. Tôi thì chỉ mới bắt đầu thôi, tôi hy vọng rằng trong tương lai mình cũng có thể làm được như Thanh Bùi."

Kim Anh: "Kim Anh có nghe nói về loạt chương trình mới 'Luke Nguyen's Street Food Asia' sắp phát sóng trên SBS. Chương trình này có gì khác biệt và nổi bật so với các chương trình trước đó?"

Luke Nguyễn: "Tất nhiên rồi, trong những chương trình trước tôi đến Pháp, Anh, Mê Kong, Việt Nam... nói về ẩm thực địa phương ở những nước đó. Tôi cũng hay đến Việt Nam và nấu khá nhiều món. Chương trình mới này rất khác biệt, chủ yếu ở các thành phố lớn như Việt Nam thì ở Sài Gòn, Thái Lan thì ở Bangkok, Malaysia thì ở Kuala Lumpur, và Indonesia thì ở Jakarta. Tôi muốn mang đến cho mọi người tất cả những món ăn đường phố tuyệt vời nhất ở những thành phố này. Và thật sự là có rất nhiều món ăn.
"Tôi muốn trình bày nhiều hơn về những người dân địa phương với những món ăn địa phương, những món ăn đường phố, tôi muốn mang đến nhiều hình ảnh của họ hơn là hình ảnh về tôi."
Tôi muốn trình bày nhiều hơn về những người dân địa phương với những món ăn địa phương, những món ăn đường phố, tôi muốn mang đến nhiều hình ảnh của họ hơn là hình ảnh về tôi. Ẩm thực đường phố là cách tốt nhất để giới thiệu về một nền văn hóa, về một đất nước và cách nấu nướng. Tôi muốn trình bày cho mọi người tất cả những gì tôi có thể thực hiện được. Chương trình mới này rất vui nhộn, sống động, chứa đựng nhiều năng lượng, là một chương trình truyền hình tuyệt vời về tất cả những món ăn đường phố tại những thành phố lớn kể trên."

Kim Anh: "Vậy Luke Nguyễn có thể kể lại một câu chuyện về người dân địa phương ở Việt Nam hay không?"

Luke Nguyễn: "Ở Việt Nam, tôi thức dậy rất sớm. Tất cả mọi người đều đi đến chợ Bến Thành. Nhưng tôi thì muốn cho mọi người thấy hình ảnh Sài Gòn thật sự, chứ không phải chỉ là một Sài Gòn du lịch. Tôi thức dậy rất sớm, khoảng 5 giờ rưỡi sáng, và đến đường Cô Giang, nơi này giống như là sáng nào cũng có lễ hội cả. Chợ búa, đường sá đầy thức ăn tươi sống. Mỗi quầy bán hàng là mỗi loại thức ăn tươi sống khác nhau. Con đường này lúc 6 giờ sáng rất đông đúc. Người dân địa phương đổ ra đường để mua đồ ăn sáng, ăn trưa hay để tối nấu ăn. Họ mua thức ăn, hoa, và có cả những dân địa phương đi làm. Họ dừng lại để ăn một tô cháo lòng, bún thịt nướng hay mì hoành thánh... Cả con đường thật nhộn nhịp và đáng kinh ngạc.

Và đó chính là những câu chuyện địa phương thật sự, cuộc sống hằng ngày của họ như vậy, còn ở Úc buổi sáng bạn thường làm gì? Họ đi chợ để mua thức ăn tươi rồi nhanh chóng đi làm. Tôi cũng nói chuyện với tất cả những người buôn bán rằng họ ở đây bao lâu rồi. Có một gia đình bán bún thịt nướng đã 40 năm, còn một tiệm khác tên là 'Bà Út' thì bán cháo lòng được 55 năm rồi. Tôi thật sự muốn chia sẻ những câu chuyện như vậy với mọi người.

Ẩm thực ở Việt Nam không phải chỉ là về những món ăn và còn về lịch sử tuyệt vời của nó, những câu chuyện và con người ở đây. Và đó là điều tôi muốn nói khi đề cập đến người dân địa phương thật sự. Đó không phải là những điều mà bạn chỉ cần tìm hiểu qua Google hay những cuốn sách về du lịch. Bạn phải đi cùng nhịp sống ở địa phương đó.

Đó là điểm khác biệt giữa chương trình mới này so với những chương trình trước đó, tôi tìm hiểu rất sâu về cuộc sống của những người dân địa phương tại các thành phố lớn này."
"Ẩm thực ở Việt Nam không phải chỉ là về những món ăn và còn về lịch sử tuyệt vời của nó, những câu chuyện và con người ở đây. Và đó là điều tôi muốn nói khi đề cập đến người dân địa phương thật sự. Đó không phải là những điều mà bạn chỉ cần tìm hiểu qua Google hay những cuốn sách về du lịch. Bạn phải đi cùng nhịp sống ở địa phương đó."
Kim Anh: "Lần đầu tiên Luke Nguyễn trở về Việt Nam là khi nào?"

Luke Nguyễn: "Lần đầu tiên tôi về Sài Gòn là khi tôi ở độ tuổi thanh thiếu niên. Khi tôi còn nhỏ, khoảng 10 tuổi, tôi biết rằng tôi luôn muốn mở nhà hàng của riêng mình. Đó là mục tiêu và ước mơ của tôi. Luôn luôn là như thế, tôi không muốn làm điều gì khác.

Sau khi học hành xong xuôi, mục tiêu chính của tôi là đến Việt Nam và học hỏi tất cả về cách nấu nướng ở đây vì bạn không thể học nấu các món Việt ở Cabramatta, Footscray hay Fairfield. Bạn học hỏi những vùng miền khác nhau ở Việt Nam. Khi tôi lớn lên, ba mẹ tôi là những đầu bếp cừ khôi, tôi nghĩ là mình biết nhiều về các món ăn Việt nhưng thật ra thì tôi chẳng biết chút gì vì tôi chưa đi hết Việt Nam.

Để hiểu về ẩm thực Việt ở Huế, Đà Nẵng, Sapa, hay Hà Nội, bạn phải đến đó, để phải thốt lên rằng: 'Wow, có quá nhiều thứ khác biệt ở đây!'. Chúng ta lớn lên ở Úc và nghĩ rằng mình đã biết tất cả về phở, nhưng bạn sẽ không biết tường tận về phở nếu bạn không đến Việt Nam, đến nơi bắt nguồn món phở - đó là Hà Nội. Một số người ăn phở về nói rằng sao nó nhạt nhẽo vậy. Nhưng đó mới thật sự là phở. Phở ở Úc đã có thêm nhiều gia vị. Và có nhiều loại phở khác nhau. Không có gì đúng hay sai ở đây cả. Mỗi vùng miền có cách nấu phở khác nhau. Tôi cũng gặp vấn đề như vậy khi một số người ăn phở tôi nấu và hỏi rằng 'đây là phở thật sự đó hả Luke?'.

Tôi có thể đưa ra một thí dụ tương tự như Bolognese. Mọi người ở Úc đều biết Bolognese. Các món spaghetti bogognese của Ý rất khác nhau, tùy thuộc vào người nấu. Mỗi người đều có khẩu vị riêng, nên không có đúng hay sai ở đây. Tôi đi càng nhiều thì tôi càng học hỏi được nhiều về cách nấu ăn.

Đó là lý do tại sao tôi trở về Việt Nam, là để tôi tự học hỏi. Nếu bạn muốn học hỏi thêm hay tìm hiểu thêm thông tin, bạn phải tìm cách để thực hiện nó, và tôi đã về Việt Nam, đi từ Bắc vào Nam. Tôi thử nhiều món ăn khác nhau và học hỏi được nhiều điều. Mỗi lần tôi về Việt Nam, thực đơn của tôi lại thay đổi. Và nấu ăn là như vậy đó, bạn không ngừng học hỏi."

Kim Anh: "Thế Luke Nguyễn có tìm thấy thành phần nấu ăn mới nào trong chuyến đi về Việt Nam gần đây không?"

Luke Nguyễn: "Hiện giờ ở Việt Nam, có rất nhiều đầu bếp tự làm nước mắm, đặc biệt là sau sự kiện gần đây về cá chết. Và nay mọi người tự mua cá và tự làm nước mắm ở nhà hay ở nhà hàng của họ. Điều này quả thật thú vị. Bạn mất 12-14 tháng để làm nước mắm. Mọi người có những bí quyết riêng để chế biến nước mắm, với đủ mùi vị khác nhau từ những loại cá khác nhau. Và tôi như lạc vào một thế giới 'nước mắm' hoàn toàn mới. Cá nhân tôi cũng đã thử làm một loại nước mắm tươi nguyên chất, điều đó thật thú vị. Tôi cũng học hỏi về các loại thảo mộc Việt Nam, không phải chỉ là rau răm hay rau tía tô, rau thơm. Có hàng ngàn thứ để tôi học về các loại thảo mộc.

Có một loại cây tôi yêu thích mà tôi không tìm thấy trên thế giới, đó là hoa thiên lý. Tôi không biết và không tìm thấy tên tiếng Anh của nó. Mỗi lần tôi trở về nhà hàng của mình, tôi đều đi đến chợ và mua nó. Ai có thể cho tôi biết tên tiếng Anh của nó là thế nào, không phải tên khoa học của nó. Nếu ai biết thì vui lòng cho SBS biết vì tôi thật sự rất muốn biết. Có thể một ngày nào đó, tôi sẽ trồng loại cây này ở sân vườn nhà tôi vì tôi thật sự yêu loại cây này."
second generation vietnamese, luke nguyen
Luke Nguyễn (giữa) cùng chị gái Pauline Nguyễn
Kim Anh: "Một tháng trước đây, Kim Anh có nói chuyện với Pauline Nguyễn và chúng tôi có nói chuyện về cuốn sách của cô ấy là 'The Secrets of the Red Lantern'. Trong cuốn sách của mình, Pauline Nguyễn có nói về tuổi thơ và những ký ức của mình. Và cô cảm thấy rất khó khăn vào thời điểm đó của cuộc đời. Luke Nguyễn nghĩ như thế nào về cuốn sách của chị gái mình, về những cảm xúc và chia sẻ của cô ấy cũng như gia đình mình lúc đó?"

Luke Nguyễn: "Vâng, chúng ta đều gặp khó khăn khi nuôi dưỡng con cái, chị gái tôi, tôi và em trai tôi. Chúng tôi đã có một tuổi thơ khó khăn với nhiều nỗi đau cũng như những chuyện cần làm để chữa lành vết thương. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau về điều đó. Chúng tôi không thể vượt qua điều đó nếu không hỗ trợ lẫn nhau. Chúng ta càng chia sẻ, càng thảo luận với nhau về điều này thì quá trình chữa lành vết thương càng trở nên nhanh chóng.

Khi Pauline viết về những gì mà chúng tôi cảm nhận khi đã trưởng thành, chia sẻ điều đó với cả thế giới, thì điều đó không chỉ tuyệt vời cho bản thân chúng tôi mà còn cho những người khác trong hoàn cảnh tương tự.

Khi cuốn sách ra mắt, nó phơi bày những chuyện riêng tư trong gia đình tôi, nhưng tôi phát hiện ra rằng mọi người đọc nó và nói rằng tôi cũng từng trải qua chuyện này hay có những mối quan hệ như thế với cha mẹ mình, nó giúp mọi người cởi mở cảm xúc của mình nhiều hơn và giúp mọi người vượt qua nỗi đau dễ dàng hơn, và tha thứ.

Tôi đã trải qua tình trạng tương tự, nhiều gia đình từ Việt Nam đến Úc, trải qua những khó khăn, đau thương của chiến tranh và di cư khiến nhiều cha mẹ người Việt trở nên nghiêm khắc và thậm chí là trở nên bạo lực. Tôi nhìn thấy điều đó suốt. Nhưng nếu bạn cứ giữ nó cho riêng mình thì bạn sẽ cảm thấy đau đớn suốt cả cuộc đời.

Chúng tôi rất lo lắng khi chia sẻ những điều đó, nhưng Pauline đã viết lại rất tốt. Gia đình tôi xích lại gần nhau hơn.
"Tôi trở về Việt Nam bởi vì tôi muốn hiểu rõ ba mẹ tôi nhiều hơn, tôi hiểu rõ hơn về bản thân mình, về di sản của mình, để có thể tha thứ một chút, để chữa lành vết thương."
Như câu hỏi mà chị đã hỏi tôi trước đó về lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam, bởi vì tôi muốn hiểu rõ ba mẹ tôi nhiều hơn. Tôi lớn lên với nền văn hóa Úc, bởi vì tôi là người Úc, nhưng khi tôi trở về Việt Nam, tôi thật sự hiểu rõ hơn về văn hóa Việt và thốt lên rằng: 'Vâng, bây giờ thì tôi đã hiểu, tại sao ba mẹ tôi lại làm như vậy.' Và nhờ đó mà bạn cũng trưởng thành hơn.
Với tôi, tôi hiểu rõ hơn về bản thân mình, về di sản của mình, để có thể tha thứ một chút, để chữa lành vết thương, vì đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với chúng tôi."

Kim Anh: "Là đầu bếp, chủ nhà hàng, người dẫn các chương trình truyền hình, tác giả của một số cuốn sách nấu ăn, vai trò nào khiến Luke Nguyễn cảm thấy hài lòng nhất?"

Luke Nguyễn: "Đối với tôi, tất cả những gì liên quan đến ẩm thực đều khiến tôi vui vẻ, thật sự vui vẻ. Tất cả những gì tôi làm đều có liên hệ tới ẩm thực. Tôi không nghĩ rằng mình có thể làm gì khác nữa.

Tôi viết sách về ẩm thực, tôi viết về các món ăn, tôi viết về du lịch, tất cả đều tuyệt vời. Truyền hình cũng là về nấu ăn, mở nhà hàng cũng liên quan đến nấu ăn, ngay cả trường dạy nấu ăn mà tôi mở ở Việt Nam, tất cả cũng là về món ăn.

Tất cả những gì mà tôi đã làm, tôi đều thấy thỏa mãn khi thực hiện. Tôi gặp rất nhiều thách thức và tôi đã làm việc rất vất vả. Nhưng tôi cảm thấy mình rất may mắn vì tất cả mọi việc tôi làm đều là về ẩm thực. Tôi có đam mê tìm hiểu về lịch sử văn hóa ẩm thực. Nếu tôi có thể tiếp tục làm được điều này thì tôi rất thỏa mãn. Tôi không thể nói tôi thích làm cái này hơn cái kia hay không mà tôi thích làm tất cả mọi chuyện như nhau."

Share