Tuỳ thuộc vào khu vực làm việc, mà số lượng bất động sản một người phải quản lý dao động từ 120 đến 150 nhà, bao gồm các loại hình từ nhà, townhouse, duplex cho đến căn hộ (apartment). Người quản lý sẽ đóng vai trò trung gian giữa chủ nhà và người thuê để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến việc thuê nhà.
A/Trách nhiệm đối với bên đi thuê
1. Tìm người thuê nhà phù hợp
Property manager sẽ là người đăng quảng cáo để tìm người thuê, nhận hồ sơ, đánh giá hồ sơ và quyết định người được thuê nhà. Property manager phải chọn được người thuê nhà phù hợp và tốt nhất. Việc này rất quan trọng để tránh được nhiều rắc rối sau này.
Người thuê nhà phải là người có khả năng tài chính tốt, bảo đảm tiền nhà được trả đầy đủ. Người thuê nhà cũng cần phải có nhân cách tốt, vì một người cẩn thận sẽ luôn biết giữ gìn ngôi nhà đang sống, bảo đảm việc thuê nhà dài hạn và ít gây rắc rối phiền hà với cộng đồng xung quanh.
Tất cả các yêu cầu đó buộc người property manager phải lựa chọn hồ sơ kỹ lưỡng. Ngoài việc xem xét sao kê ngân hàng, property manager có thể yêu cầu chứng nhận lý lịch tư pháp, hoặc kiểm tra với công ty của ứng viên đang làm việc.
Anh David Lê, một property manager đang làm việc ở Melbourne, chia sẻ:
“Tính người thì không thể nhìn qua để biết được, nhưng tính người có thể sẽ thể hiện qua sao kê ngân hàng, qua cách người đó sử dụng tiền. Có thể kiểm tra hồ sơ với agent cũ của người đó xem cách họ trả tiền có đều đặn không.
“Có một hệ thống cho các agent về nhà đất kiểm tra hồ sơ của người đi thuê. Nếu người nào đã từng nhận trát của toà và bị đuổi khỏi nhà thì sẽ rất khó tìm được nhà cho thuê về sau.”
2. Kiểm tra và bàn giao nhà cho thuê
Property manager phải có trách nhiệm kiểm tra tình trạng của ngôi nhà khi người thuê dọn đến. Việc kiểm tra tình trạng ngôi nhà phải được thực hiện kỹ lưỡng vì đó là bằng chứng đối chiếu khi người thuê dọn ra.
“Phải kiểm tra từng ngóc ngách trong ngôi nhà, từ vết đinh trên tường cho đến các thiết bị trong ngôi nhà, phải kiểm tra và ghi lại chi tiết, đồng thời cũng phải chụp lại hình ảnh để làm bằng chứng khi người đi thuê dọn ra.
“Nhưng cũng có những agent làm không kỹ và hời hợt, thì khi đó, người đi thuê nhà cũng phải kiểm tra lại, ghi lại chi tiết chỗ nào người agent còn thiếu và chụp hình lại để bảo vệ quyền lợi của mình.” Anh David Lê cho hay
3. Xử lý khiếu nại, điều phối sửa chữa nhà
Property manager phải kiểm tra định kỳ ngôi nhà mỗi 3 tháng hoặc 6 tháng, để nắm rõ về tình hình ngôi nhà hoặc kịp thời sửa chữa nếu phát hiện có hư hại.
“Thường người thuê sẽ không mô tả đầy đủ, rõ ràng những hư hại, nên property manager phải biết phán đoán hoặc phải xuống tận nơi để xem xét. Thí dụ như điện bị cúp một phần căn nhà, nước bị rò rỉ, ổ khoá bị hư, v.v. Lúc đó người quản lý sẽ phải điều phối đúng người thợ đến sửa chữa.
“Là người thuê nhà, điều kiện trước hết là phải trả tiền nhà đầy đủ và đúng hạn, rồi sau đó mới có thể khiếu nại nếu có.”
Anh David Lê nhân đây cũng khuyến cáo đến những người đi thuê phải luôn báo cho bên quản lý biết nếu có hư hại trong nhà chứ không nên tự ý sửa chữa để tránh thiệt hại đến quyền lợi của mình.
“Nếu có xảy ra hư hại thì phải báo cáo ngay cho agent, và nên báo bằng văn bản (email), để tránh trường hợp agent có thể quên. Nếu không báo cho agent mà tự ý sửa chữa, thì chi phí sẽ không được trả lại, vì không có bằng chứng là đã có hư hại xảy ra trong nhà.”
B/Trách nhiệm đối với chủ nhà
1. Thu tiền thuê nhà
Đối với vai trò đại diện cho chủ nhà, công việc chủ yếu của property manager sẽ thu tiền cho thuê, bảo đảm tiền nhà được thu đúng thời hạn.
Ngoài tiền thuê còn phải thu thêm tiền nước. Đối với một số chủ nhà còn yêu cầu agent trả luôn tiền council rate và quản lý hệ thống báo cháy của ngôi nhà.
2. Điều chỉnh tiền thuê nhà
Property manager phải xem xét giá thuê trên thị trường để điều chỉnh lại mức tăng tiền nhà mỗi năm để quyền lợi cho chủ nhà không bị thiệt hại. Nhưng không phải lúc nào cũng điều chỉnh tăng, agent là người đề xuất nhưng quyền quyết định thuộc về chủ nhà.
Anh David Lê nói:
“Chẳng hạn có thể đề xuất tăng $5 - $10 mỗi tuần, nhưng chủ nhà muốn giữ người thuê vì người đang ở giữ nhà rất kỹ nên sẽ không đồng ý tăng tiền thuê. Mình là người đề xuất với chủ nhà nhưng chủ nhà sẽ là người quyết định có nên tăng giá hay không.
“Khi agent quan tâm đến chủ nhà thì chủ nhà sẽ hài lòng hơn. Đôi khi agent nghĩ rằng mức giá cho thuê đã hợp lý không cần điều chỉnh, nhưng vẫn phải xem xét lại mức giá và thông báo cho chủ nhà.”
Source: Wikimedia Commons
C/Quyền lợi của người property manager
Thứ nhất, có thể nói rằng đây là một công việc có nhu cầu lao động khá cao, do nước Úc hiện có nhiều dự án bất động sản, đẩy mạnh nguồn cung nhà cho thuê, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
“Ở Úc, chưa bao giờ nhu cầu đi thuê nhà lại giảm đi trong vòng 10 năm qua. Càng ngày số lượng người đầu tư vào bất động sản ngày càng nhiều khiến số lượng nhà cho thuê ngày càng tăng, nhưng đồng thời việc mua nhà cũng trở nên khó hơn, thì số lượng người đi thuê cũng tăng chứ không giảm.” anh David Lê cho hay.
Thứ hai, việc tiếp xúc với những thông tin về thị trường bất động sản mỗi ngày sẽ đem lại lợi thế về cơ hội đầu tư cho những người đang làm trong lĩnh vực này.
“Mình sẽ có hiểu biết về tình hình bất động sản ở khu vực mình làm việc, về giá nhà, về dân cư sinh sống, sự phát triển hạ tầng cơ sở trong vùng, liệu có trung tâm mua sắm sắp mở cửa không, liệu có đường xe lửa được xây dựng không. Tất cả những thông tin đó sẽ giúp mình có quyết định đầu tư.
“Có thể dự đoán xu hướng khoảng 5, 7 năm, nhưng cũng có những người biết chớp thời cơ chỉ 2, 3 năm là thành công.”
D/Làm sao để trở thành property manager?
Kiến thức trong nghề này ngoài học được ở trường TAFE, chủ yếu sẽ học trong lúc làm việc. Ngoài ra còn cần kiến thức về sửa chữa nhà để nhận báo cáo của người thuê cũng như mô tả lại cho chủ nhà và cho bên sửa chữa dễ dàng hơn.
Đây là công việc đòi hỏi sự khéo léo trong giao tiếp, khi phải đảm đương nhiều vai trò điều phối giữa các bên. Còn phải xem ngôi nhà của khách hàng là ngôi nhà của mình thì mới hiểu và chăm chút cho ngôi nhà, làm hài lòng cả phía người thuê lẫn khách hàng của mình.