Một cuộc điều tra độc lập cho rằng, bộ Thể thao Nga đã "chỉ thị, kiểm soát và làm phù phép", đối với các vụ thử nghiệm thuốc cấm của các lực sĩ, từ năm 2011 cho đến 2015.
Những khám phá của Cơ quan Thế giới Bài trừ Xử dụng Thuốc Cấm gọi tắt là WADA, lại càng đào sâu thêm cuộc khủng hoảng về việc xử dụng thuốc cấm liên quan đến các lực sĩ Nga, và dấy lên những lời kêu gọi rút lại lời mời Nga tham dự Thế vận Hội sắp tới tại Rio.
Phúc trình độc lập mang tên McLaren, được đặt tên theo Tiến sĩ Richard McLaren, đã tìm thấy các dịch vụ Tình báo và của chính phủ Nga, cùng nhau điều hành chương trình xử dụng thuốc cấm, do nhà nước bảo trợ.
Chương trình nói trên diễn ra từ năm 2011 cho đến 2015, đối với đại đa số các môn thể thao mùa hè và mùa đông của Thế vận Hội, chương trình nầy liên quan đến thay đổi mẫu nước tiểu của vận động viên với các mẫu mã sạch, không dính líu đến thuốc cấm.
Việc nầy liên quan đến gần 600 các vụ thử nghiệm dương tính, của 30 cuộc tranh tài khác nhau trong một loạt các sự kiện, bao gồm Thế vận Hội Muà Đông tại Sochi ở Nga năm 2014 và Thế vận Hội mùa hè tại Luân đôn năm 2012.
Tiến sĩ McLaren nói rằng, Cơ quan An ninh Liên bang Nga gọi tắt là FSB và Trung tâm Chuẩn bị Thể thao gọi tắt là CPS, đã hỗ trợ cho việc che đậy nói trên, qua hai phòng thí nghiệm chống việc xử dụng thuốc cấm, trong suốt thời gian diễn ra Thế vận Hội Sochi.
"Đầu tiên phòng thí nghiệm Moscow hoạt động, để che chở cho các lực sĩ Nga xử dụng thuốc cấm trong hệ thống do nhà nước chỉ thị, mà chúng tôi mô tả trong bản phúc trình là 'phương pháp dùng thuốc tích cực nhưng không hiển hiện".
"Thứ hai là phòng thí nghiệm Sochi điều hành phương pháp tráo đổi duy nhất, đề có thể giúp các lực sĩ Nga đã xử dụng thuốc cấm có thể tranh tài trong Thế vận Hội mùa đông". Tiến sĩ Richard McLaren.
Bản phúc trình nói rằng, việc nói trên không chỉ giới hạn tại Sochi và Luân đôn.
Việc lừa gạt của Nga còn nới rộng ra, cho các vận động điền kinh và giải Vô địch bơi lội thế giới, mà còn cho các vận động viên khuyết tật nữa.
Hệ thống nói trên được thiết lập, sau khi nhà cầm quyền Nga cảm thấy, số huy chương mang về từ Thế vận Hội mùa đông tại Vancouver ở Canada năm 2010, quá kém cỏi.
"Tham dự Thế vận Hội quả là mục tiêu của cả đời tôi. Và nếu họ lấy mất niềm mơ ước đó, thì đúng là khó khăn và đau thương cho tôi". Một lực sĩ Nga.
Tiến sĩ McLaren cho biết, bộ Thể thao Nga 'trực tiếp, kiểm soát và giám sát' việc vận dụng các kết quả thử nghiệm.
"Chúng tôi biết rõ mỗi kết quả thử nghiệm tích cực hiện ra trong phòng thí nghiệm tại Moscow, đã được gởi đến một hệ thống chỉ huy và một lệnh lạc được gởi trả lại, nay điều đó ảnh hưởng đến mỗi môn thể thao dự tranh".
"Từ điều nầy, một hình ảnh hiện ra trong một trường hợp chằng chịt của nhà nước can dự vào, qua Bộ Thể thao và qua Trung tâm Chuẩn bị Thể thao CPS cùng với Cơ quan Tình báo Nga FSB, trong việc điều hành cả hai phòng thí nghiệm tại Moscow và Sochi".
"Đó là một phương pháp cho phép đánh lừa các lực sĩ Nga yên tâm tranh tài, trong khi họ xử dụng các loại thuốc tăng lực".Tiến sĩ Richard McLaren.
Việc khám phá dường như đã thuyết phục được người được xem là trung tâm các vụ tai tiếng, đó là ông Grigory Rodchenkov, đã lên tiếng tố cáo các vi phạm, ông nẩy vốn là cựu giám đốc cơ quan chống xử dụng thuốc cấm tại Nga.
Hồi tháng 5, ông cho biết đã giúp đỡ hàng chục lực sĩ để gian lận, trước khi ông đào thoát sang Mỹ.
Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin lên án các vụ xử dụng thuốc cấm và bác bỏ các cáo buộc, ông nói rằng những chuyện nầy có động cơ chính trị, một lời bình luận nhắm vào tiến sĩ Rodchenkov.
Ông Dmitri Babach, một nhà phân tích cho hệ thống tin tức quốc tế Sputnik tuyên bố rằng, hầu hết các lực sĩ Nga đều nghĩ như vậy.
"Đa số hết sức giận dữ với các kết luận nhanh chóng, tôi muốn nói là quí vị đã nói rằng đây là việc vi phạm các luật lệ với tầm mức rộng lớn, thế nhưng tất cả đều chỉ dựa trên lời khai của một người".
"Vấn đề là làm sao có thể tin cậy được nhân chứng nầy? và sự kiện mà bản phúc trình của WADA tường thuật lời của ông ta khi cho rằng 'ông nầy thành thật và lương thiện' quả đáng kinh ngạc, bởi vì nó không phải là cơ quan WADA có thể quyết định ai là thành thật, ai là không". Ông Dmitri Babach.
Các lực sĩ điền kinh Nga đã bị cấm tranh tài trong Thế vận Hội, do Liên đoàn Các Hiệp hội Điền kinh Quốc tế ra lệnh, qua các vụ xử dụng thuốc cấm lan tràn trong môn nầy.
Thế nhưng cũng có các lời kêu gọi ngày càng nhiều đến Ủy hội Thế vận Quốc tế IOC, là hãy ngăn cản tất cả các lực sĩ của Nga.
Trong một thông cáo, IOC nói rằng những khám phá của WADA cho thấy phản ứng kinh ngạc chưa hề có, về tính chất hợp nhất của các môn thể thao và Thế vận Hội.
Bảng thông cáo viết thêm, IOC sẽ không do dự ban hành các biện pháp gắt gao nhất.
Cựu lực sĩ điền kinh Anh tham dự Thế vận Hội, cô Jenny Meadows cho đài BBC biết rằng, cô hy vọng IOC loại bỏ Nga khỏi Thế vận Hội Rio.
"Tôi nghĩ chúng ta cần chờ đợi Ủy hội Thế Vận Quốc tế kết luận, qua một bản tuyên bố không bao lâu nữa, và tôi rõ ràng nghĩ rằng đó là một lệnh cấm hoàn toàn đối với Liên đoàn Lực sĩ Nga, cũng như mỗi môn thể thao Nga tham dự tại Thế vận Hội Rio".
Có 320 lực sĩ Nga lẽ ra sẽ đến Brazil và các nhà tổ chức Thế vận Hội chỉ còn ít ngày để quyết định xem, các lực sĩ Nga có được phép tranh tài hay không.
Nếu họ bị cấm, vài người cho rằng việc nầy sẽ mang lại nhiều chia rẻ.
"Tham dự Thế vận Hội quả là mục tiêu của cả đời tôi. Và nếu họ lấy mất niềm mơ ước đó, thì đúng là khó khăn và đau thương cho tôi".