Viva: Lợi ích của việc tư vấn cho giới trẻ

Teacher and students using digital tablet in classroom

Teacher and students using digital tablet in classroom. Source: Getty Images

Tự sát là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong giới trẻ Úc. Các tổ chức hỗ trợ thanh thiếu niên hiện kêu gọi các chuyên gia tư vấn lắng nghe các mối quan tâm của giới trẻ trước khi quá muộn.


Bà Mary Martin, 72 tuổi, là một nữ hộ sinh và y tá trước khi nghỉ hưu ở Sydney. Với kinh nghiệm làm việc với trẻ em và thanh thiếu niên trong suốt cuộc đời mình, bà Martin vô cùng thấu hiểu giới trẻ.

Tuy nhiên, thông qua việc tư vấn cho học sinh trung học với tổ chức phi lợi nhuận Raise, bà phát hiện những vấn đề khác biệt mà giới trẻ ngày nay phải đối mặt.

"Đây là giai đoạn học tập rất quan trọng đối với các em, và một vài em bị bắt nạt cũng như bắt nạt người khác trên mạng, rồi sau đó nói rằng các em sẽ không bao giờ làm điều đó nếu biết rằng cha mẹ, hiệu trưởng, giáo viên hoặc một ai khác sẽ đọc nó.”

Tổ chức được thành lập bởi bà Vicki Condon, sau khi đứa con trai 14 tuổi của một người bạn của bà tự sát.

Nghiên cứu mới nhất của Raise phát hiện rằng, mặc dù 1 trong 3 người trẻ không cảm thấy hạnh phúc, chỉ có 1/3 trong số đó cảm thấy thoải mái khi chia sẻ các vấn đề với nhân viên tư vấn tại trường.

“Việc tiếp cận với công nghệ khiến cho các em so sánh bản thân với người khác nhiều hơn, và mặc cảm tự ti về chính mình. Những vấn đề như cân nặng và hội chứng lo lắng trở nên rõ rệt hơn. Những người trẻ sẽ được hưởng lợi khi có một người trưởng thành đáng tin cậy để trò chuyện, một người trung lập, không phải là cha mẹ hay thầy cô của các em.”
“Việc tiếp cận với công nghệ khiến cho các em so sánh bản thân với người khác nhiều hơn, và mặc cảm tự ti về chính mình.” - bà Vicki Condon, người sáng lập Raise
Hơn một ngàn nhân viên tư vấn cộng đồng đã dành hai giờ mỗi tuần để hỗ trợ trẻ vị thành niên trên khắp nước Úc, thông qua Raise.

Bà Condon cho biết có rất nhiều lý do khác nhau khi các thanh thiếu niên tìm kiếm sự giúp đỡ.

“Các em có thể mất động lực học tập tại trường. Các em có thể trốn học rất nhiều, hoặc không nộp bài đúng hạn. Các em có thể mắc bệnh tâm thần, chẳng hạn như lo lắng, trầm cảm hay tự làm hại bản thân. Các em có thể vừa bị mất đi người thân do bạo bệnh, hoặc các em cần giúp đặt ra những mục tiêu và đạt được chúng.”
Tại Tây Úc, Victoria và một số khu vực ở NSW, tổ chức phi lợi nhuận kết nối những người trẻ có hoàn cảnh khó khăn với những nhân viên tư vấn lớn tuổi hơn.

Giám đốc điều hành Gerri Clay giải thích vì sao hơn một nửa nhân viên tư vấn của EdConnect lại trên 55 tuổi.

“Có thể con cháu của họ sống ở một đất nước khác. Họ không được tiếp xúc nhiều với con cháu, vì thế đó là lý do vì sao họ đi làm thiện nguyện.”

Cựu kỹ sư Alain Bernay quyết định trở thành nhân viên tư vấn của EdConnect khi ông sắp nghỉ hưu bảy năm về trước. Cho đến nay, ông đã hướng dẫn bảy thiếu niên từ 13 đến 15 tuổi.

Ông ấy cố gắng giới thiệu những kỹ năng như thiền định và thực tập lòng biết ơn, vốn thường không được dạy ở trường, để giúp các em trở nên lạc quan hơn.

“Tôi nghĩ mỗi thế hệ đều có một thử thách riêng. Thế hệ của tôi là vào thời Chiến tranh Xô Viết, và xã hội vẫn còn rất nghiêm khắc. Những người trẻ ngày nay, các em có tất cả những thiết bị hiện đại như máy tính và điện thoại, và nhiều em dành rất nhiều thời gian để chơi trò chơi điện tử, nhưng tất cả chúng ta đều có cùng một vấn đề trong việc xây dựng sự tự tin trong cuộc sống.”

Về phần Mary Martin, bà không chỉ trở thành một người bà tốt hơn, mà còn cảm thấy ấm lòng vì những thay đổi mà bà đã chứng kiến trong sáu năm qua.

“Bạn có thể thấy những đứa trẻ đang thay đổi. Ngày đầu tiên bạn gặp chúng, chúng mặc áo hoodie hoặc xõa tóc trước mặt và chúng nhìn xuống. Cuối cùng, bạn có thể thấy sự thay đổi khi chúng không còn mặc áo hoodie nữa, tóc tai gọn gàng trở lại, và bắt đầu nói chuyện với mọi người.”

Share