Màn trình diễn táo bạo tại Eurovision của nữ ca sĩ đại diện cho nước Úc, Kate Miller-Heidke, đã được khán giả toàn cầu tán dương. Thế nhưng giống như các nghệ sĩ khác tham dự Eurovision năm nay, cô cũng hứng chịu nhiều sự chỉ trích.
Một chiến dịch tẩy chay hùng hậu đang thúc giục các nghệ sĩ rút khỏi cuộc thi, nhằm phản đối cách mà chính phủ Israel đối xử với người dân Palestine. Nữ ca sĩ người Úc nhận thức rõ vấn đề chính trị này.
“Tất cả nghệ sĩ đều trải qua những áp lực giống nhau, cùng một kiểu cực đoan trên Twitter, mọi người đều cảm thấy mâu thuẫn, mọi người đều cảm thấy bị áp lực,” cô Miller-Heidke nói.
Trước khi Miller-Heidke đến Israel, ca sĩ Roger Waters thuộc ban nhạc rock Pink Floyd đã nói với cô thông qua một video trên YouTube rằng:
“Này cô, nếu như cô đến Tel Aviv và trình diễn, cô sẽ bị chính phủ Israel loi dung để tẩy trắng cuộc chiếm đóng này. Và nó đã xảy ra quá lâu rồi, tôi đang lan man bởi vì tôi tin rằng mọi người đều biết về nó.”
Thế nhưng cô Miller-Heidke không hề hối hận.
Ngoài các buổi diễn tập, cô đã đi du lịch khắp đất nước và trò chuyện với những người Israel thuộc nhiều nguồn gốc khác nhau.
“Đó là một kinh nghiệm thật sự tuyệt vời và mở mang tầm mắt,” cô kể.
“Chúng tôi đã có một bữa tối Ramadan tuyệt vời với một nhóm người Israel gốc Ả Rập vào ngày đầu tiên của tháng Ramadan, thật vinh dự khi được ở đó và lắng nghe những câu chuyện của họ.
“Việc ghé thăm Jerusalem cũng dạy cho tôi rất nhiều bài học, liên quan đến cuộc xung đột phức tạp đang diễn ra ở đây.”
Chỉ vài tuần trước, cô Miller-Heidke vẫn không chắc là mình có thể tham gia Eurovision được hay không, bởi vì cô phải nhập viện với tình trạng nhiễm trùng da nguy hiểm ở bàn chân.
“Đôi khi các y tá ghé thăm và thấy tôi đang khóc, và đôi khi các bác sĩ khẳng định rằng tôi không thể tham dự,” cô nói.
“Tôi cảm thấy như hoàn toàn sụp đổ.”
Giờ đây cô đã bình phục hoàn toàn, và có khả năng lọt vào Top 10 giải Eurovision năm nay.
Ca khúc ‘Zero Gravity’ của Mller-Heidke pha trộn hai dòng nhạc pop và opera, trình diễn trên một cây cột cao trên sân khấu, được các khán giả Eurovision rất yêu thích.
“Đây là cuộc thi dành cho những nghệ sĩ nổi loạn, những người theo đuổi dòng nhạc kén người nghe hoặc không có chỗ trên đài phát thanh thương mại... Eurovision là thánh đường, là mái nhà của họ, và đó là lý do vì sao tôi ở đây,” cô nói.