Úc lo lắng khi số ca nhiễm coronavirus ở nước láng giềng Papua Tân Guinea tăng cao

SBS News in Macedonian 26 March 2021

Queensland Premier Annastacia Palaszczuk Source: AAP

Thủ hiến tiểu bang Queensland Annastacia Palaszczuk nói bà thật sự lo lắng khi thấy các ca nhiễm COVID-19 tại Papua Tân Guinea tiếp tục tăng cao.


Số ca nhiễm coronavirus tại Papua Tân Guinea tăng nhanh khiến chính phủ Queensland bị đặt trong tình trạng báo động.

Quốc gia này đã ghi nhận 2,000 ca nhiễm và hệ thống y tế quốc gia đang vất vả để đáp ứng nhu cầu cứu chữa dịch bệnh.

Chỉ trong hai tuần qua, Papua Tân Guinea chứng kiến số ca tử vong vì coronavirus đã tăng gấp đôi so với tổng số ca tử vong trước đó.

Tiểu bang Queensland lại nằm ở vị trí rất gần với Papua Tân Guinea, Thủ hiến Annastacia Palaszczuk nói bà đang lo lắng.

‘Chúng tôi đã hỗ trợ xét nghiệm cho Papua Tân Guinea, và trong số 500 lần xét nghiệm do giới chức y tế của chúng tôi thực hiện, thì chúng tôi phát hiện tới 250 kết quả dương tính. Vì vậy, đây là mối quan ngại lớn lao, vì Papua Tân Guinea nằm ngay cửa ngỏ eo biển Torres và tiểu bang Queensland.’

Tiểu bang Queensland hôm nay không ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng và chỉ có hai ca nhiễm mới từ du khách quay về từ ngoại quốc, đang cách ly tại khách sạn.

Tuy nhiên các bệnh viện, nhà dưỡng lão và dịch vụ chăm sóc người khuyết tật vẫn tiếp tục bị phong tỏa cho tới ít nhất thứ Sáu.

Thủ hiến nói ổ dịch liên quan tới khách sạn Grand Chancellor, gồm hai du khách vừa trở về từ ngoại quốc và một bác sĩ thuộc bệnh viện Princess Alexandra, đã không có dấu hiện lan rộng hơn.

Hơn 400 người có liên quan tới ba ca nhiễm trên đã được xác nhận và theo dõi, cũng như tại bệnh viện, 58% kết quả xét nghiệm thu được cho tới nay đều âm tính.  

Người bác sĩ bị nhiễm coronavirus khi đang điều trị cho bệnh nhân, và chưa được tiêm vaccine. Phó trưởng ban y tế Sonya Bennett nói cần phải ưu tiên tiêm phòng cho những nhân viên có nguy cơ cao.

‘Chúng ta vẫn chưa đạt được tới mức cần thiết và sẽ còn phải mất thêm một thời gian nữa, thậm chí khi đã được tiêm một liều vaccine, như đã thấy tại NSW, thì vẫn không thể bảo đảm là nhân viên y tế đã được miễn nhiễm. Ngay cả khi đã tiêm hai lần thì cũng có thể bị. Nhưng tất nhiên tiêm hai liều thì vẫn bảo đảm hơn là không có gì cả.’

Trong khi đó New South Wales hôm nay thêm một ngày không xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng, sau vụ một nhân viên bảo vệ có kết quả dương tính với virus hôm chủ nhật.

Người bảo vệ này đã tiêm một liều vaccine Pfizer đầu tiên và ông làm việc tại hai khách sạn cách ly.

Thủ hiến Gladys Berejiklian nói ca nhiễm này đã cho thấy tầm quan trọng phải tiêm vaccine cho nhóm gặp nguy cơ cao càng sớm càng tốt.

‘Luôn luôn sẽ có  vài ca nhiễm liên quan tới du khách từ ngoại quốc quay về Úc, điều này không khiến chúng ta ngạc nhiên nữa. Chúng ta biết đó là mối nguy cơ cao và vai trò của chúng ta là phải bảo đảm tiêm vaccine đầu tiên và đầy đủ nhất cho tất cả các nhân viên làm việc tại các khách sạn cách ly, nhằm giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm’.

Phe đối lập tại NSW muốn chính phủ tiểu bang đi xa hơn nữa, đó là phải phân phối công việc của nhân viên bảo vệ khách sạn trở thành toàn thời gian và tại một địa điểm khách sạn mà thôi, thay vì làm thời vụ và thay đổi công tác tại nhiều địa điểm khách sạn như hiện nay. Điều này sẽ giúp giảm bớt nguy cơ lây nhiễm virus ra cộng đồng.

Cho tới nay, các biên giới nội địa của Úc vẫn mở cửa bình thường và thủ hiến Berejiklian tiếp tục kêu gọi các tiểu bang và vùng lãnh thổ hãy đừng đóng cửa lại nữa.

‘Tôi muốn thúc giục các chính phủ tiểu bang hãy cho chúng tôi cơ hội thể hiện khả năng vượt qua chuyện này, thể hiện năng lực của chúng tôi trong việc phân phối vaccine, những gì vừa xảy ra là thành quả xuất sắc của toàn bộ đội ngũ nhân viên truy tìm dấu vết nhiễm bệnh của NSW.’


Share