Làm thế nào để biết khi nào đến lượt tôi chủng ngừa?
Chương trình chủng ngừa tại Úc được chia thành 5 giai đoạn, ưu tiên cho những người có nguy cơ nhiễm virus hoặc mắc bệnh nặng do COVID-19.
Bạn có thể sử dụng để xác định xem mình ở giai đoạn nào, dựa trên tuổi tác, sức khoẻ và nghề nghiệp của bạn.
Một phát ngôn viên của Bộ Y tế nói với rằng họ sẽ thông báo khi mỗi giai đoạn bắt đầu, và những người hội đủ điều kiện sẽ được tiêm những liều vắc-xin có sẵn đầu tiên.
Tôi có cần đăng ký để vào danh sách chờ tiêm vắc-xin không?
Không, bạn không cần phải đăng ký để chủng ngừa và cũng không có danh sách chờ. Tất cả những gì bạn cần làm là xác định xem bạn thuộc vào giai đoạn nào, và sau đó đặt lịch hẹn khi đến lượt bạn chủng ngừa.
Hơn 4,600 phòng khám gia đình đã được chấp thuận để tiêm chủng COVID-19 từ đầu Giai đoạn 1b.
Phòng khám của bác sĩ Karen Price ở Melbourne đã được chấp thuận tham gia vào đợt triển khai vào tuần trước.
“Đây thực sự là một khoảnh khắc lịch sử và tất cả chúng ta đều muốn vượt qua đại dịch. Nó thực sự là ánh sáng cuối đường hầm.
“Trong sáu tháng qua, tại phòng mạch của tôi, chúng tôi đã nói chuyện với các bệnh nhân về việc chủng ngừa khi thông tin được công bố, và gần đây chúng tôi thảo luận về việc họ nằm ở đâu trong danh sách và những gì sẽ xảy ra khi chúng tôi liên lạc họ.”Mặc dù bác sĩ Price cho biết vẫn còn một số chi tiết cần được bàn luận giữa chính phủ và các bác sĩ, bà khuyến khích những người nghĩ rằng họ hội đủ điều kiện, hãy liên lạc với bác sĩ gia đình.
Dr Karen Price, president of the Royal Australian College of General Practitioners. Source: RACGP
“Những người mắc bệnh mãn tính cần gặp bác sĩ của họ thường xuyên hơn, vì vậy trong lần thăm khám tiếp theo, hãy hỏi bác sĩ của bạn về vắc-xin,” bác sĩ Price nói.
Điều gì sẽ xảy ra tại buổi chủng ngừa?
Bác sĩ Price cho biết mặc dù các phòng mạch có thể hơi khác nhau, nhưng nói chung, “Bạn sẽ được dẫn vào, bạn sẽ được hỏi những thông tin nào mà bạn đã biết, những gì đang xảy ra, và chúng tôi sẽ hỏi xem bạn có đồng ý chủng ngừa không,” bà nói.
“Sau đó bạn sẽ được chuyển đến phòng chờ, nơi bạn sẽ được quan sát và cung cấp thông tin về bất kỳ tác dụng phụ nào mà bạn có thể gặp phải – chúng tôi nghĩ sẽ nhẹ thôi – và cuộc hẹn tiếp theo của bạn là khi nào.”
Bác sĩ Price nói rằng bạn nên tiêm liều vắc-xin thứ hai ở cùng một phòng khám.
Tôi có cần thẻ Medicare để chủng ngừa không?
Thuốc chủng sẽ được cung cấp miễn phí cho tất cả mọi người ở Úc, chứ không chỉ công dân và thường trú nhân.
Nếu bạn không đủ điều kiện hưởng Medicare, Bộ Y tế nói rằng bạn nên đăng ký Mã số nhận dạng chăm sóc sức khoẻ cá nhân (Individual Healthcare Identifier - IHI) và mang theo số đó đến buổi hẹn chủng ngừa.
Kể từ Giai đoạn 1b, những người không có Medicare nên đặt lịch hẹn tại một phòng khám gia đình do chính phủ tài trợ, hoặc một trung tâm chủng ngừa do tiểu bang hoặc lãnh thổ điều hành để được tiêm vắc-xin miễn phí.
Các vụ lừa đảo liên quan đến vắc-xin
Chương trình chủng ngừa COVID-19 tại Úc chỉ mới bắt đầu được hai tuần, thế nhưng Scamwatch đã nhận được hơn 30 báo cáo các vụ lừa đảo liên quan đến vắc-xin.
Chúng bao gồm các trò gian lận đầu tư, lừa đảo khảo sát nhằm lấy thông tin cá nhân, lừa đảo qua email và lừa đảo bảo hiểm vắc-xin giả.
Phó chủ tịch ACCC, Delia Rickard cho biết có hàng ngàn vụ lừa đảo đã xảy ra ở Anh và Mỹ.
“Những thứ mà chúng tôi đang thấy là những kẻ lừa đảo bán các cuộc hẹn chủng ngừa giả, và thật đáng sợ, ở Mỹ, chúng tôi đã nghe những câu chuyện về những kẻ lừa đảo đi khắp nơi và tiêm chủng vắc xin giả, mà tôi được biết là nước khoáng hoặc dung dịch muối,” bà nói.
“Rõ ràng những vụ lừa đảo tại Mỹ và Anh rồi sẽ xuất hiện ở Úc, và chúng tôi biết những kẻ lừa đảo thích liên hệ những trò gian lận với bất cứ thứ gì mang tính thời sự và khiến công chúng quan tâm.”
Làm thế nào để không bị lừa?
Bà Rickard cho biết bạn không bao giờ phải trả tiền để chủng ngừa, và bạn chỉ nên nghe lời khuyên về vắc-xin từ Bộ Y tế hoặc bác sĩ gia đình.
“Điều quan trọng mà mọi người cần phải nhớ là ở Úc, bạn không thể chen ngang danh sách chờ, vắc-xin được triển khai theo đúng trình tự.
“Thứ hai, vắc-xin ở đây là miễn phí và có một số yêu cầu về việc bảo quản, vì vậy đừng mua trên mạng hoặc từ ai đó rao bán cho bạn. Đó là trò lừa đảo và nó có thể là hàng giả, vì vậy hãy tránh xa.”
ACCC cũng cho biết những người không nói tiếng Anh thường dễ trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo.
“Có rất nhiều thông tin giả liên quan đến COVID-19 và vắc-xin, và bạn chỉ nên cập nhật thông tin từ các nguồn đáng tin cậy, Bộ Y tế, và các bác sĩ,” bà nói.
“Dù gì đi nữa, đừng vội tin tất cả những gì trên internet và mạng xã hội, bởi vì có rất nhiều thông tin sai lệch trên đó.”
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại