Thế nhưng nhiều người bày tỏ quan ngại về hiệu quả của vắc-xin AstraZeneca, loại thuốc chủng mà hầu hết người Úc sẽ được tiêm, và liệu nó có đủ khả năng giúp đạt được miễn dịch cộng đồng hay không.
Những lo ngại xoay quanh vắc-xin AstraZeneca là gì?
Nghiên cứu cho thấy vắc-xin AstraZeneca có hiệu quả khoảng 62% trong việc ngăn ngừa COVID-19.
Trong khi đó, vắc-xin Pfizer, vốn đang được triển khai cho các nhân viên tuyến đầu và những người chăm sóc người cao niên, có hiệu quả khoảng 95%.
Vắc-xin Novavax mà Úc đã ký thoả thuận bảo đảm nhưng chưa cấp phép, có hiệu quả khoảng 89%.
“Vấn đề thực sự là nếu vắc-xin Novavax có hiệu quả tương tự như Pfizer BioNTech, thì vì sao chúng ta lại không sử dụng nó thay vì AstraZeneca, khi nó đến Úc?” ông Adrian Esterman, chuyên gia thống kê sinh học và dịch tễ học tại Đại học Nam Úc, nói với .
Vậy tại sao Úc vẫn tiếp tục sử dụng loại vắc-xin này?
Một phát ngôn nhân của Bộ Y tế nói với SBS News rằng họ bác bỏ những lo ngại về vắc-xin AstraZeneca, cũng như những gợi ý cho rằng việc sử dụng nó sẽ dẫn đến việc triển khai chủng ngừa không hiệu quả.
“Trưởng ban Y tế, Giáo sư Paul Kelly đã trực tiếp bác bỏ những đề xuất đó, cùng với Giáo sư Brendan Murphy. Một số chuyên gia y tế chủ chốt khác, bao gồm Học viện Khoa học, đã đưa ra các thông cáo hoặc trả lời trên các phương tiện truyền thông để phản bác lại những tuyên bố đó.”
Nếu vắc-xin Pfizer là hiệu quả nhất, tại sao Úc không sử dụng nó để chủng ngừa cho tất cả mọi người?
Trước hết, thuốc chủng AstraZeneca là an toàn và hiệu quả.
“Nó không hiệu quả như Pfizer-BioNtech, nhưng nó có tác dụng. Và nó đủ khả năng bảo vệ những người gặp rủi ro. Vì vậy, đó là điều quan trọng,” Giáo sư Esterman nói.
Các thử nghiệm gần đây cho thấy vắc-xin AstraZeneca giúp ngăn ngừa 100% các trường hợp bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
“Nếu mục đích chính của chúng ta là ngăn mọi người mắc bệnh nặng và tử vong, thì cả hai loại vắc xin [Pfizer và AstraZeneca] sẽ đạt được điều đó,” Phó Giáo sư Nicholas Wood thuộc Đại học Sydney cho biết.
“Trong các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 quy mô lớn, vắc-xin AstraZeneca đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các triệu chứng của COVID-19, và quan trọng là ngăn ngừa bệnh nặng,” phát ngôn nhân Bộ Y tế nói.
Cũng có bằng chứng cho thấy thời gian chờ đợi giữa liều đầu tiên và liều thứ hai càng lâu, thì hiệu quả càng cao.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy hiệu quả của vắc-xin AstraZeneca được tăng lên 82% nếu liều thứ hai được tiêm 12 tuần sau đó.
Vắc-xin AstraZeneca cũng rẻ hơn và có thể được sản xuất trong nước. Đây là một yếu tố quan trọng, vì Úc sẽ không phải nhập cảng vắc-xin này trong bối cảnh tình trạng khan hiếm vắc-xin đang trở thành vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới.
Hơn nữa, Úc chỉ mới bảo đảm có được 20 triệu liều vắc-xin Pfizer, và với số lượng này, không thể chủng ngừa cho toàn bộ dân số.
Cuối cùng, vắc-xin Pfizer được nhập cảng từ Âu Châu và cần được bảo quản trong môi trường cực lạnh. Thuốc chủng AstraZeneca có thể được vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ lạnh bình thường, giúp dễ dàng phân phối thuốc cho người dân ở các vùng xa xôi của nước Úc.
“Nếu vấn đề chỉ nằm ở việc mua vắc-xin, tôi chắc chắn chính phủ sẽ làm điều đó. Nhưng đây lại là vấn đề nguồn cung,” Giáo sư Esterman nói.
“Với vắc-xin AstraZeneca, chúng ta có thể sản xuất nó ngay tại Úc, vì vậy không có vấn đề gì về nguồn cung.”
Phát ngôn nhân của Bộ Y tế cho biết, nếu vắc-xin Novavax được chứng minh là hiệu quả và an toàn, lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ đến Úc vào giữa năm 2021.
Ngoài ra, người dân Úc sẽ không được chọn loại vắc-xin nào mà họ sẽ tiêm.
“Việc chủng ngừa là tự nguyện ở Úc, và những người muốn được chủng ngừa sẽ được tiêm miễn phí vào năm 2021 ... Tất cả các loại vắc-xin sắp được đưa vào Úc đang được sử dụng như một phần của chương trình chủng ngừa,” Bộ Y tế cho biết.
Vắc-xin hiệu quả như thế nào đối với các biến thể mới mạnh hơn?
Pfizer cho biết vắc-xin của họ vẫn hoạt động tốt chống lại biến thể B117 có nguồn gốc từ Anh, nhưng có thể kém hiệu quả hơn đối với biến thể B1351 được tìm thấy ở Nam Phi.
Mặc dù vắc-xin AstraZeneca tỏ ra khá hiệu quả đối với biến thể B117, nhưng nó kém hiệu quả hơn đối với biến thể B1351, buộc việc triển khai vắc-xin ở Nam Phi phải tạm dừng.
Thế nhưng các kết quả trên đều đến từ các cuộc thử nghiệm quy mô nhỏ, và các chuyên gia cho rằng cần có thêm dữ liệu trước khi đưa ra câu trả lời chắc chắn về hiệu quả của chúng.
Tiến sĩ Abrar Ahmad Chughtai, giảng viên dịch tễ học tại Đại học New South Wales, cho biết cũng cần thêm dữ liệu để xác định xem liệu chúng ta có cần tái chủng ngừa mỗi năm hay không.
Ông nói rằng một số dữ liệu cho thấy các kháng thể sẽ biến mất sau 10 tháng, và trong khi các biến thể mới có thể xuất hiện, việc tiếp tục chủng ngừa là rất quan trọng.
“Chúng ta cần tiếp tục chủng ngừa, và sau khi một nhóm người được tiêm chủng, thì cần phải kiểm tra họ thường xuyên để xem mức độ kháng thể trong cơ thể của họ… nếu mức độ kháng thể duy trì trong một năm hoặc lâu hơn, thì có thể không cần tiêm liều tăng cường.”
Nếu chúng ta cần chủng ngừa hàng năm, thì đến thời điểm đó chúng ta có thể có một loại vắc-xin tốt hơn trên thị trường.
“Đừng quên rằng có khoảng hơn 200 loại vắc-xin đang được thử nghiệm vào lúc này,” Giáo sư Esterman nói.
“Đây là những ngày đầu, và những loại vắc-xin đầu tiên này đã được thiết kế để ngăn chặn nhiễm trùng nặng và tử vong. Và chúng làm điều đó cực kỳ tốt. Nhưng khi có nhiều loại vắc-xin hơn, chúng có thể sẽ được thiết kế để ngăn chặn sự lây truyền.”
Nước Úc có nhắm đến sự miễn dịch cộng đồng hay không?
Nhiều người đang đặt hy vọng vào việc triển khai vắc-xin để cuộc sống trở lại bình thường, thế nhưng nhà dịch tễ học Linda Selvey đến từ Đại học Queensland cho biết khả năng miễn dịch cộng đồng là một chặng đường dài đối với Úc.
Miễn dịch cộng đồng đạt được khi phần lớn dân số miễn dịch với bệnh tật hoặc virus, và để điều đó xảy ra, khoảng 80% dân số cần được chủng ngừa.
“Mặc dù chúng tôi có một số dữ liệu đầy hứa hẹn từ nước ngoài, nhưng chúng tôi vẫn không thực sự biết được liệu có loại vắc-xin nào thực sự ngặn chặn sự lây lan của virus hay không, mặc dù tôi nghĩ rằng có một số dữ liệu cho thấy vắc-xin Pfizer có thể làm được điều đó,” bà nói.
“Nhưng toàn bộ khái niệm về miễn dịch cộng đồng không phải là mục tiêu của vắc-xin vào thời điểm này, bởi vì chúng tôi không biết liệu vắc-xin có đạt được điều đó hay không – bất kỳ loại vắc-xin nào.”
Người dân Úc có thể sẽ phải tiếp tục sống chung với COVID-19 trong nhiều năm tới, nhưng các chuyên gia y tế đồng ý rằng việc triển khai vắc-xin sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh dễ dàng hơn, và ít gây gián đoạn đến cuộc sống trên quy mô lớn hơn.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại