Trung Quốc mở cửa cho WHO đi vào điều tra nguyên nhân dịch bệnh khi Sinovac thâm nhập Á Châu

A medical worker takes part in a vaccine drill in Indonesia

A medical worker takes part in a vaccine drill in Indonesia Source: AAP

Một nhóm các nhà khoa học từ Tổ chức Y tế Thế giới đang bắt đầu chuyến đi bị trì hoãn từ lâu đến Trung Quốc để nghiên cứu về nguồn gốc của coronavirus. Chuyến đi xảy ra giữa lúc vaccine Sinovac do Trung Quốc sản xuất bắt đầu thâm nhập vào Á châu, Indonesia là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc chuẩn thuận phổ biến vaccine này.


Sau gần một năm đàm phán, một nhóm gồm 10 chuyên gia từ Tổ chức Y tế Thế giới sẽ đến Trung Quốc vào thứ Năm tuần này để điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Cuộc điều tra đã bị trì hoãn một tuần, sau khi Trung Quốc bất ngờ tuyên bố ngừng cấp phép nhập cảnh cho các nhà khoa học.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói ông rất vui vì những trở ngại đó hiện nay đã vượt qua.

‘Điều này thật sự quan trọng không chỉ đối với Covid-19 mà còn đối với tương lai của an ninh y tế toàn cầu và quản lý các mối đe dọa bệnh tật mới nổi có khả năng xảy ra đại dịch. Chúng tôi sẽ chia sẻ nhiều tin tức hơn khi có thể. Nhưng hãy cho nhóm các nhà khoa học này một không gian để làm việc với đối tác Trung Quốc của họ một cách hiệu quả và chúng ta hãy chúc tất cả mọi sự tốt lành.’

Giám đốc Cứu cấp của WHO, ông Michael Ryan, nói rằng điều quan trọng là phải giữ sự kỳ vọng ở mức thấp và khoa học là yếu tố định hướng cuộc điều tra, chứ không phải chính trị.

‘Đây là sự tìm kiếm câu trả lời khoa học trên một giao diện rất quan trọng đó là giao diện giữa loài vật và loài người. Yêu cầu tuyệt đối là chúng tôi phải hiểu giao diện đó và điều gì đã thúc đẩy một động lực đó. Chúng tôi đang tìm kiếm câu trả lời ở đây, chứ không phải tìm kiếm thủ phạm và không phải tìm người để đổ lỗi.’

Đại dịch đã khiến hơn 90 triệu người bị lây nhiễm và giết chết hơn 1,94 triệu người, kể từ khi Trung Quốc xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên ở thành phố Vũ Hán một năm trước.

Trung Quốc hầu như đã kiểm soát được virus, nhưng đang giải quyết một số trường hợp lây nhiễm địa phương bằng các đợt ngăn chặn tại tỉnh Hà Bắc, ngoại vi Bắc Kinh; và tại thành phố Suihua tỉnh Hắc Long Giang đông bắc Trung Quốc.

Trong khi đó, tại các khu vực khác của châu Á, các đơn đặt hàng lớn đang được cung cấp ở Indonesia và Philippines dành cho vaccine Trung Quốc, Sinovac.

Bà Penny Lukito, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia, cho biết chính phủ đã chuẩn thuận theo quy định, sau khi có kết quả từ các thử nghiệm giai đoạn cuối được tiến hành tại địa phương ở Bandung, thủ phủ của tỉnh Tây Java của Indonesia.

‘Tỷ lệ hiệu quả 65,3% từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy có hy vọng rằng vaccine này có thể làm giảm tỷ lệ nhiễm COVID-19 xuống 65,3%. Việc ngăn ngừa lây nhiễm với tốc độ này cũng có nghĩa là vaccine này rất 'có ý nghĩa', đối với những nỗ lực của chúng tôi, để kiểm soát đại dịch COVID-19, bên cạnh các biện pháp giữ khoảng cách khi giao tiếp và đeo khẩu trang.’

Indonesia đang phải vật lộn để kiềm chế đợt bùng phát coronavirus tồi tệ nhất ở Đông Nam Á, với hơn 830.000 người bị nhiễm bệnh trong đại dịch.

Sinovac đã vận chuyển ba triệu liều đến đất nước này, dự kiến ​​sẽ tiêm cho 181,5 triệu người đến tháng 3 năm 2022.

Còn tại Philippines, một thỏa thuận đã được ký với Sinovac với 25 triệu liều.

Nước này đang hướng tới một chiến dịch tiêm chủng toàn quốc vào tháng tới, khi lô 50,000 vaccine Sinovac đầu tiên đến tay.

Mục tiêu là tiêm chủng cho hơn một nửa dân số, khoảng 32 triệu người, vào năm nay.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines vẫn chưa phê duyệt bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào vì còn đánh giá dữ liệu thử nghiệm giai đoạn cuối.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 của đất nước này là gần 489.800 ca, với hơn 9.400 ca tử vong.

Trong khi đó một lệnh phong tỏa toàn quốc đang được áp dụng trong 11 ngày ở Lebanon.

Quốc gia này đã tăng 70% số ca mắc trong 7 ngày qua - một trong những đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất thế giới.

Tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày đã trên 3.000 người, ở mức cao nhất hơn 5.000 người vào tuần trước.

Tại bệnh viện công lớn nhất ở Beirut, bệnh viện Đại học Rafik Hariri, y tá Therese Gobar nói rằng không có đủ giường cho bệnh nhân.

‘Khi bắt đầu, chúng tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ bị tới mức này. Chúng tôi đã từng nghe nói về nước Pháp, nước Mỹ và chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ không bị đến giai đoạn như vậy đâu, chúng tôi còn nghĩ rằng có thể coronavirus ở đó khác với loại chúng tôi có ở đây.’

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hơn 40 quốc gia đã thực hiện các chương trình tiêm chủng.

Nhưng nhà khoa học chính của tổ chức, Soumya Swaminathan cho biết khả năng miễn dịch toàn cầu sẽ không đạt được trong năm nay.

Share