Trẻ thiểu năng trí tuệ không nhất thiết phải học trường đặc biệt

kinder program, children

Queensland Education Minister Grace Grace announces funds for a pre-kinder program. Source: Dave Thompson/PA Wire

Một phần tư trẻ em khuyết tật không xin vào được các trường học bình thường ở Úc. Một trong những lý do theo các chuyên gia, là vì bộ giáo dục đã không thẩm định trí tuệ của các em một cách chính xác.


Các chuyên gia cho biết trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp, nhiều đứa thậm chí không biết nói, không được đi học. Có ít nhất 25% trẻ khuyết tật rơi vào tình cảnh này. 

Các chuyên gia tin rằng bộ giáo dục hiện sử dụng những cách không thích hợp để xác định thiểu năng trí tuệ của trẻ.

Hiện nay bộ giáo dục áp dụng bài kiểm tra trí thông minh IQ gọi là Wechsler, vốn được sử dụng trong các trường học trên toàn quốc.

Giáo sư tâm lý của đại học Queensland University of Technology Linda Gilmore nói rằng còn các bài kiểm tra khác, và chúng ta cần dùng bài kiểm tra thích hợp cho trẻ bị thiểu năng tiếng nói, hoặc câm.

“Học sinh với bệnh tự kỷ, đặc biệt là trẻ bị thiểu năng về tiếng nói và ngôn ngữ, các em không được chẩn đoán đúng mức.”

“Các em bị liệt vào nhóm thiểu năng trí tuệ dựa trên bài kiểm tra không phù hợp. Tình trạng này phổ biến lắm. Đó là một vấn đề và Bộ Giáo Dục cũng biết điều đó.”

Kết quả của bài kiểm tra trí tuệ là rất quan trọng. Nếu được trên 70 điểm đứa trẻ được đi học ở trường bình thường, nhưng nếu dưới 70 điểm các em có thể phải vô trường đặc biệt. 

Trong trường đặc biệt các em không được dạy chữ nhiều và không được giúp đỡ để cải thiện khả năng nói. Giáo sư Gilmore chẩn đoán sai có thể dẫn đến hậu quả nguy hại cho đứa trẻ.

"Đứa trẻ sẽ chịu thiệt thòi về nhiều mặt, mất đi cơ hội học hành như những đứa trẻ khác. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy."

Tuy nhiên một số gia đình nghĩ rằng con của họ học nói và có khả năng giao tiếp khác với người thường, nếu như được giúp đỡ.

Đây là phương pháp hỗ trợ giao tiếp, qua đó đứa trẻ thay vì phát âm dùng tay chỉ vào các mẫu tự. Tim Chan năm nay 23 tuổi sống ở Melbourne. Hồi nhỏ anh không được vô học trường bình thường vì không nói được.

"Tôi có cảm giác bị cầm tù trong cơ thể của mình vì không diễn đạt gì được, tôi thất vọng vô cùng."

Bà mẹ Sarah Chan tin rằng khả năng của con bà không được đánh giá đúng mức vì bài kiểm tra không phù hợp, và rồi không nhận được hỗ trợ về giao tiếp.   

“Bởi vì cháu không nói được để có thể làm bài kiểm tra trí tuệ cho nên chuyên viên tâm lý kết luận rằng cháu bị thiểu năng trí tuệ nặng nề và bị tự kỷ.”

Cũng là một nhà tâm lý học, bà Chan không đồng ý với sự chẩn đoán đó nên đã cho con tiếp cận phương pháp hỗ trợ giao tiếp ở nhà, và Tim hiện đang học năm thứ nhất đại học với kết quả ưu hạng.

Tương tự, cậu bé tự kỉ 15 tuổi Victor Lam, cũng người ở Melbourne và phải học trường đặc biệt mà không được hỗ trợ về giao tiếp như gia đình mong muốn. Phương pháp nói chuyện qua bàn phím do Bác sĩ  Rosemary Crossley phát minh trong thập niên 1980. Chính bà đã giúp cho Victor trong 5 năm qua.

“Trí thông minh của Victor bị đánh gía rất thấp theo bài kiểm tra Wechsler. Cậu bé được có 52 điểm ở tuổi 11. Sau đó cậu làm 5 bài kiểm tra IQ khác không đòi hỏi phải có tiếng nói, và Victor đạt được 95 điểm.”

Victor Lam nói những học sinh như cậu bị kỳ thị ở trường.

“Em cảm thấy khó khăn bởi vì người ta không biết là em hiểu biết nhiều hơn những gì em có thể biểu đạt qua tiếng nói.”

Hiệu phó của trường, Anthony Jackson, nhìn nhận  bài kiểm tra IQ hiện nay khá là chủ quan, và bộ giáo dục Victoria đang xem lại.

Nhưng bác sĩ Rosemary Crossley nói điều đó đã quá muộn cho những học sinh như Victor Lam.

“Victor đã bị mất hết bậc trung học. Chúng ta phải có cách nào đó bù đắp lại cho những người trẻ đó bởi vì tương lai của họ bị hủy hoại vì không được chẩn đoán đúng đắn lúc nhỏ.”

Luật sư Julie Phillips lâu nay vẫn giúp các gia đình kiện tụng vì con cái bị thiệt thòi ở trường học.

“Bộ Giáo dục muốn bỏ qua những trường hợp bị phân biệt đối xử vì chẩn đoán sai. Họ không muốn cho công chúng biết tới. Trong trường hợp bị kiện, bạn sẽ thấy mọi chi tiết được giữ kín khi Bộ Giáo dục bồi thường cho các gia đình. Đó là lý do tại sao công chúng không hề biết đến những chuyện này.”

Tại Melbourne, có một trường tiểu học kết hợp giữa giáo dục bình thường và giáo dục đặc biệt.

Đó là trường Kilberry Valley Primary School với 720 học sinh, trong đó có 48 em bị thiểu năng trí tuệ, nhưng không có chương trình hỗ trợ giao tiếp.

Dĩ nhiên cha mẹ các em không vui, một số thậm chí đã đưa đơn kiện nhà trường là phân biệt đối xử. 

Hiệu trưởng Neil Cunningham, giải thích hỗ trợ giao tiếp chỉ làm cho học sinh bị thiểu năng trí tuệ bị kỳ thị nhiều mà thôi. Và không phải chỉ có ông mới nghĩ vậy.

Một giáo sư tâm lý học ở đại học Eastern Michigan University bên Mỹ, tên là James Todd nói rằng với phương pháp hỗ trợ giao tiếp qua bàn phím, thật ra không phải là đứa trẻ nói chuyện mà là người cầm tay của đứa trẻ, cho nên nguy hiểm.

“Tôi nói rằng cách này không thật, ý tôi là những người không nói được bị gắn cho một danh tính khác, của người hỗ trợ, vốn nhiều khi cũng trung thực, nhưng cũng có những lúc không trung thực mà đó thật ra là suy nghĩ của họ chứ không phải của người bị thiểu năng tiếng nói.”

Bác sĩ Crossley không đồng ý. Bà nói nếu không được hỗ trợ các học sinh bị thiểu năng tiếng nói sẽ trở thành những cái thùng rác thầm lặng trong lớp học. 

Còn những đứa trẻ như Victor Lam và Tim Chan thì tin rằng phương pháp hỗ trợ giao tiếp giúp chúng có được tiếng nói và giữ được niềm tin rằng một ngày nào đó chúng có thể biến những ước mơ của mình thành hiện thực như bao đứa trẻ khác.


Share