Ngày càng có nhiều người đam mê kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực và đang cố thuyết phục thế giới rằng côn trùng nên được đưa vào những đĩa ăn hàng ngày.
Người sáng lập công ty Bugsolutely ở Thượng Hải, ông Massimo Reverberi, là một trong số họ.
Ông nói, côn trùng từng là món ăn bổ dưỡng của người phương Tây những đã bị lãng quên.
“Loại thức ăn này rất thân thiện với môi trường, còn đối với thực khách, nó sẽ là thành phần giàu dưỡng chất và ngon miệng. Chứa nhiều protein, chất khoáng, vitamin, chất xơ và omega 3.”
Công ty Bugsolutely chuẩn bị tung ra sản phẩm mới, nhộng chiên giòn, với hương vị của vùng Tứ Xuyên, Trung Quốc, gồm có vị chua của dấm, vị mặn của muối và vị thơm của tiêu đỏ.
Ông Reverberi cho biết món nhộng chiên giòn này được sản xuất phù hợp với khẩu vị của người Hoa.
“Món ăn này là một lựa chọn mới để giới thiệu thức ăn côn trùng đến với người tiêu dùng, chúng tôi dùng nhộng để chế biến thành một loại thức ăn nhanh. Chúng tôi có sự trợ giúp từ các đầu bếp và các kỹ sư trong ngành thực phẩm để giúp tìm khẩu vị phù hợp cho người Trung Quốc.”
Chuyện có vẻ hư cấu, nhưng thực ra ăn côn trùng không có gì mới ở Trung Quốc.
Đầu bếp Su Yuheng, đầu bếp tại một nhà hàng nổi tiếng ở Bắc Kinh phục vụ những món ăn của vùng Vân Nam, một tỉnh ở phía nam Trung Quốc.
Đầu bép Su cho biết, người dân vùng Vân Nam đã ăn rất nhiều loại côn trùng cả bao thập kỷ nay, và họ cho rằng côn trùng rất ngon.
“Nếu bạn tới Vân Nam, chúng tôi sẽ cho bạn thưởng thức những món ăn từ nhộng, món ăn này thể hiện sự hiếu khách và sự lịch thiệp của người chủ nhà.”
Theo Liên Hiệp Quốc, côn trùng không chỉ bổ dưỡng mà còn có lợi cho môi trường, so với các loài gia súc, côn trùng cần rất ít lương thực để chăn nuôi chúng.
Phó giáo sư Kerry Wilkinson thuộc Đại học Adelaide, người nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng đối với các loại thức ăn được chế biến từ côn trùng.
“Để chăn nuôi côn trùng, chúng ta cần ít lương thực hơn, tốn ít nước hơn, đất sử dụng cho nông nghiệp cũng ít hơn, cho nên có thể thấy có rất nhiều lý do chúng ta nên ăn côn trùng nhiều hơn.”
Nhưng phó giáo sư Wilkinson cũng hiểu rằng, đem côn trùng vào bữa ăn hàng ngày là một ý tưởng khó được các cư dân thành phố chấp nhận.
“Một trong những lý do chủ chốt mà chúng ta không ăn côn trùng nữa, đó là cảm giác ‘thấy ghê’. Người ta thường liên tưởng côn trùng cũng giống như giòi bọ và chỉ có trong thức ăn bị hư hay thiu. Cho nên chúng ta phải vượt qua cảm giác này mới có thể ăn côn trùng được.”
Ông Massimo Reverberi, người sáng lập Bugsolutely, hi vọng mọi người vượt qua được cảm giác này bằng cách đóng bao bì đẹp và giống với những loại thực phẩm quen thuộc.
Và nếu như ở Trung Quốc có món chip làm từ nhộng, thì ở Úc, công ty Bugsolutely dự định đưa vào thị trường này món pasta làm từ bột dế mèn.
Và theo như ông Reverberi giải thích, thì bột làm từ dế mèn có hương vị giống như đậu phộng, và mọi người sẽ nhận ra được đây là pasta làm từ côn trùng khi họ ăn.
“Hầu hết côn trùng đều có hương vị của các loại hạt, đặc biệt là sâu sữa và nhộng. Còn dế mèn thì nhẹ hơn.”
Bugsolutely đã dựa trên công nghệ của công ty cố vấn thực phẩm Bits and Bites, một công ty tập trung vào các dự án chế biến thực phẩm bền vững.
Giám đốc của Bits and Bites, Eric Sun, cho biết ông rất tự tin về các sản phẩm của Bugsolutely sẽ hấp dẫn được người tiêu dùng ở Trung Quốc và cả ở nước ngoài.
“Tôi rất khuyến khích chúng ta chuyển dần sang ăn côn trùng, tôi tin đây là phương pháp ăn uống cân bằng. Tôi rất muốn người tiêu dùng hãy cởi mở hơn đối với loại thức ăn này, hãy nghĩ đến đến bản thân, các sự lựa chọn trong ăn uống và hãy cân nhắc đến việc đưa côn trùng vào bữa ăn hàng ngày. Đây là một lựa chọn bổ dưỡng và ngon miệng, và là một nguồn thực phẩm mà thế giới ban tặng cho chúng ta.”