Trong nhiều năm, người bị khuyết tật hoặc gặp tình trạng sức khỏe muốn xin thị thực tạm thời đến Úc đã phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về sức khỏe nhập cư.
Điều đó có nghĩa là một số người muốn thực hiện chuyến đi ngắn hạn tới Úc đã bị ngăn cản và lý do được đưa ra là do chi phí giả định của các dịch vụ được chính phủ tài trợ mà họ sẽ không bao giờ được sử dụng.
Đại diện Di trú Jan Gothard từ lâu nay đã vận động để thay đổi nguyên tắc này, trong đó đánh giá liệu du khách bị bệnh hoặc khuyết tật có thể cần đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trị giá hơn $49,000 đô la trong thời gian lưu trú hay không.
Cô cho biết kể từ tháng 4 này, Bộ Nội vụ sẽ không bao gồm phí đó trong các đánh giá chi phí hồ sơ của đương đơn nữa.
"Nhân viên Y tế của Khối thịnh vượng chung sẽ đánh phí người nộp đơn xin thị thực tạm thời đối với các khoản phí này nếu như họ đủ điều kiện và điều đó rất khó khăn. Về mặt doanh thu của chính phủ, việc này không có gì khác biệt vì dù sao thì những người này cũng không thể truy cập các dịch vụ đó."
Bà Gothard nói rằng sự thay đổi này có khả năng mở ra cơ hội cho sinh viên quốc tế, người lao động tạm thời và du khách khuyết tật trước đây từng bị từ chối.
Nhưng bà lưu ý quy định đi lại do đại dịch coronavirus sẽ trì hoãn lợi ích của các quy tắc mới.
"Lãnh vực di trú hiện không quá bận rộn vì biên giới đã bị đóng cửa nhưng đối với những người đang ở Úc vì một số lý do, có lẽ họ đến đây bằng một loại thị thực nào đó và hiện đang xin thị thực tạm trú - chẳng hạn họ đang có thị thực tay nghề và đang xin loại thị thực tay nghề ở lâu hơn - nó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chi phí đang được xem xét cho họ tại thời điểm này."
Liên minh Sắc tộc Người khuyết tật Toàn quốc đã hoan nghênh động thái này.
Giám đốc điều hành của tổ chức này, Dwayne Cranfield, phát biểu sự thay đổi này là một bước đi đúng hướng, nhưng ông tin rằng cần phải thực hiện nhiều thứ hơn để những người khuyết tật được hoà nhập tốt hơn.
"Tôi nghĩ rằng đó là một điều tốt cho những người khuyết tật. Nhưng còn nhiều việc phải làm, chúng ta phải bắt đầu nhìn vào những người khuyết tật không phải vì khuyết điểm mà vì họ thực sự sẽ đóng góp vào cho cộng đồng và xã hội của chúng ta."
Ông Cranfield nói rằng tổ chức của mình đã nhìn thấy một số trường hợp vào năm ngoái của những người bị từ chối cấp thị thực du lịch do bị khuyết tật, thường là những người trẻ tuổi mắc chứng tự kỷ hoặc hội chứng Down.
Tổ chức của ông cũng đang vận động cải cách các quy định hạn chế một số người khuyết tật ở lại Úc vĩnh viễn của chính phủ.
"Chúng ta cần cho thế giới thấy rằng chúng ta là một quốc gia nhân hậu, rằng chúng ta xem trọng con người và điều đó không phụ thuộc vào việc họ có khuyết tật hay không."
Bộ Nội vụ đã được liên lạc để bình luận về việc thay đổi thị thực tạm thời này.
Họ trước đây đã nói với SBS News: "Chính sách này không phân biệt đối với những người nộp đơn bị khuyết tật hoặc bị bệnh hoặc kết hợp cả hai, khi tất cả những người nộp đơn đều được đối xử một cách công bằng."