Các chiến dịch nhằm kêu gọi người Úc ngừng lạm dụng thuốc kháng sinh đã bắt đầu có hiệu quả, sau khi số liệu mới cho thấy việc sử dụng thuốc kháng sinh trên khắp cả nước đã giảm lần đầu tiên sau hai thập niên.
Tuy nhiên, cũng cho thấy việc kê toa và dùng sai thuốc kháng sinh vẫn còn khá phổ biến, khiến cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm đang ngày càng chống lại được những loại thuốc thông thường.
Báo cáo hàng năm từ Uỷ ban An toàn và Chất lượng Y tế Úc hôm thứ Năm cho biết tình trạng kháng thuốc trụ sinh vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm – và gây rủi ro nghiêm trọng cho sức khoẻ của các bệnh nhân.
Theo , hiện tượng kháng thuốc trụ sinh là khi một loại kháng sinh trước đây có tác dụng điều trị một bệnh nhiễm khuẩn nào đó, thì nay không còn hữu hiệu. Điều này xảy ra khi vi khuẩn thay đổi và không còn bị tiêu diệt hoặc ức chế bởi loại thuốc ấy nữa. Thuốc kháng sinh đó và những loại thuốc khác cùng loại sẽ không thể chữa được bệnh do những vi khuẩn này gây ra nữa.
Nói cách khác, vi khuẩn có khả năng kháng lại hiệu quả của thuốc và tiếp tục nhân lên trong cơ thể người bệnh, ngay cả khi điều trị bằng kháng sinh. Hiện tượng này là kết quả của việc lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không đúng cách.
Các mầm bệnh phổ biến như E. coli, Salmonella và vi khuẩn gây bệnh lậu nằm trong số những sinh vật đang tăng dần độ kháng thuốc đối với các nhóm thuốc chính, và trong một số trường hợp là với loại thuốc mạnh nhất.
Theo ông , cố vấn y tế cao cấp thuộc hệ thống AURA, nước Úc cần phải làm nhiều hơn nữa để hạn chế việc lạm dụng thuốc kháng sinh, đặc biệt là trong các bệnh viện và viện dưỡng lão.
“Người Úc vẫn sử dụng kháng sinh rất thường xuyên, và chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để bắt kịp những quốc gia như Hoà Lan, vốn được chúng tôi xem như là một mẫu mực để noi theo,” ông nói.
Trong năm 2017, hơn 10 triệu người Úc đã ít nhất một lần sử dụng thuốc kháng sinh, và hơn 26 triệu toa thuốc kháng sinh đã được kê.
Báo cáo phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhân được kê toa thuốc kháng sinh nhưng lại không đem lại lợi ích gì cả, bao gồm trị bệnh cúm.
Giáo sư Turnidge nói thêm: “Chúng ta phải tiếp tục quảng bá và nâng cao nhận thức của công chúng và giới bác sĩ về việc lạm dụng thuốc kháng sinh.”
Trường hợp kháng thuốc trụ sinh đáng ngại nhất là ở tụ cầu vàng. Đây là loại vi khuẩn phổ biến sống trên da người và hầu như vô hại, nhưng trong một số trường hợp có thể gây ra một loạt các bệnh nhiễm trùng từ nhẹ đến nặng, bao gồm viêm màng não và viêm phổi.
“Mọi người vốn cho rằng vi khuẩn tụ cầu vàng kháng thuốc là do các bệnh viện,” ông Turnidge nói.
“Thế nhưng tình thế nay đã đảo ngược – nguyên nhân thực tế lại đến từ cộng đồng.”
Báo cáo cho thấy mặc dù các chủng tụ cầu vàng kháng thuốc đã giảm trong các bệnh viện, chúng lại tăng ở những nơi khác, đặc biệt là ở các viện dưỡng lão và những vùng xa xôi.
Giáo sư Turnidge cho biết: “Chúng tôi vẫn còn một số loại kháng sinh có thể sử dụng. Nhưng dựa trên kinh nghiệm, chúng tôi biết rằng theo thời gian, các vi khuẩn kháng thuốc thậm chí còn mạnh hơn nữa.”
Ông nói thêm là vi khuẩn E. coli, nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), cũng đang dần trở nên kháng thuốc trụ sinh, bao gồm một số loại thuốc dự trữ.
“Chúng tôi không muốn gặp phải tình huống khi mà một người bị nhiễm trùng thông thường phải đến bệnh viện để lấy kháng sinh tiêm tĩnh mạch, vì không còn loại thuốc nào trong cộng đồng có thể chữa trị cho người ấy,” ông nói.
Thế nhưng ông Trent Yarwood, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm và Giám đốc Chương trình Quản lý Thuốc kháng sinh Queensland, cho biết điều đó đã xảy ra.
“Bất kỳ ai làm việc trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm đều đã chứng kiến các bệnh nhân buộc phải nhập viện hoặc dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch vì không có thuốc để điều trị căn bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu này,” bác sĩ Yarwood nói.
“Trong quá khứ, mỗi khi bạn bị nhiễm mầm bệnh, thì có khả năng là từ bệnh viện. Nhưng ngày nay thì chúng lại đến từ cộng đồng.”
Báo cáo cho biết các vi khuẩn kháng thuốc được tìm thấy với số lượng lớn tại các viện dưỡng lão, nơi mà hơn một nửa số toa thuốc kháng sinh được cấp cho bệnh nhân không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nhiễm trùng.
Giáo sư Turnidge nói nếu tình trạng kháng thuốc trụ sinh tiếp tục gia tăng trong cộng đồng, thì các bệnh viện sẽ chịu áp lực cao hơn khi phải chăm sóc những bệnh nhân không thể chữa trị bằng những loại thuốc thông thường.
Ngoài việc bảo đảm kháng sinh chỉ được kê toa cho những bệnh nhân thực sự cần chúng, Giáo sư Turnidge cho biết các biện pháp vệ sinh tốt cũng rất hữu hiệu trong việc ngăn chặn sự lây lan của hiện tượng kháng thuốc trụ sinh.
“Việc rửa tay là rất quan trọng nhằm giảm nguy cơ lây truyền vi khuẩn và cả siêu vi khuẩn từ người này sang người khác,” ông nói.
Theo OECD, mỗi năm tại Úc trung bình có 290 người chết do nhiễm trùng từ 8 loại vi khuẩn kháng thuốc. Tiến sĩ Yarwood nhấn mạnh những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của hiện tượng kháng thuốc trụ sinh là vô cùng quan trọng đối với hệ thống y tế hiện đại.
“Mọi người không hiểu được tầm quan trọng của điều trị bằng kháng sinh trong bệnh viện,” ông nói. “Họ cho rằng chúng ta chỉ cần sử dụng một loại kháng sinh mới hoặc khác biệt – rằng các công ty dược phẩm sẽ bào chế ra chúng.”
“Thế nhưng sự thật là chúng ta không còn nhiều lựa chọn bổ sung, vì thế chúng ta cần phải bảo quản những loại thuốc kháng sinh hiện có, và bảo đảm rằng chúng có hiệu quả càng lâu càng tốt.”
Tổ chức Y tế Thế giới cũng đưa ra lời kêu gọi hành động chung như sau:
- Phòng ngừa nhiễm khuẩn bằng cách giữ sức khoẻ, thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen vệ sinh tốt, để bạn không cần phải dùng đến kháng sinh.
- Tránh nhiễm khuẩn bằng cách thường xuyên rửa tay ở nhà, sở làm, trường học, vận động trường, v.v.
- Hãy để bác sĩ hoặc dược sĩ kê thuốc phù hợp để điều trị nhiễm khuẩn cho bạn. Cần biết rằng thuốc kháng sinh thường không có tác dụng đối với các bệnh do vi rút.
- Nếu được kê thuốc kháng sinh, hãy hỏi thuốc đó có tác dụng thế nào đối với bệnh của bạn.
- Dùng kháng sinh mà bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn chỉ định, không dùng ngắt quãng hoặc tự dừng thuốc ngay cả khi bạn cảm thấy đỡ hơn.
- Không để dành kháng sinh và dùng cho lần bệnh sau. Không chia sẻ thuốc kê toa với người khác. Kháng sinh có thể có tác dụng phụ tiêu cực.
- Khuyến khích gia đình và bạn bè chỉ dùng kháng sinh khi cần thiết.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại