Tạp chí Khoa học (45) Bí quyết vàng để cải thiện bản thân

Eduardo Briceño shares some useful techniques to keep learning and always feel like you're moving forward.

Eduardo Briceño shares some useful techniques to keep learning and always feel like you're moving forward. Source: TED

Vì sao một số người cảm thấy chậm tiến bộ dù đã cố gắng hết sức trong công việc và học tập? Bí quyết để cải thiện bản thân là gì? Ông Eduardo Briceño, đồng sáng lập công ty tư vấn và đào tạo Mindset Works, chia sẻ một số kỹ thuật hữu ích nhằm giúp bạn tiến bộ hơn trong cuộc sống.


Trong một bài diễn thuyết trên TED.com, ông Eduardo Briceño, đồng sáng lập công ty tư vấn và đào tạo Mindset Works, đã chia sẻ về việc làm thế nào để cải thiện bản thân trong công việc và học tập. Ông nói:

“Hầu hết chúng ta đều nỗ lực hết mình để làm tốt mọi việc trong cuộc sống, bất kể đó là công việc, gia đình, học tập hay những thứ khác. Tôi cũng vậy. Tôi luôn cố gắng hết khả năng. Thế nhưng gần đây, tôi nhận ra rằng mình không thể đạt được nhiều tiến bộ trong những việc mà tôi quan tâm nhất: dù cho đó là là trong vai trò một người chồng, một người bạn, một chuyên gia, hay một người cộng sự, mặc dù tôi đã dành rất nhiều thời gian để làm việc chăm chỉ. Qua những cuộc trò chuyện và nghiên cứu, tôi nhận ra rằng sự chậm tiến này hóa ra lại hết sức bình thường.

“Điều mà tôi học được là: Hầu hết những cá nhân và đội ngũ làm việc hiệu quả ở bất kỳ lĩnh vực nào, đều hoạt động luân phiên giữa hai vùng – vùng học tập (learning zone) và vùng làm việc (performance zone).

“Vùng học tập là nơi mà chúng ta đặt ra mục tiêu nhằm hoàn thiện bản thân. Chúng ta thực hiện những hoạt động nhằm đạt được sự tiến bộ, tập trung vào những điểm mà chúng ta chưa thành thục. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ mắc sai lầm, và rút ra bài học từ những sai lầm ấy. Nó rất khác so với khi chúng ta ở trong vùng làm việc, nơi mục tiêu đặt ra là hoàn thành công việc một cách tốt nhất có thể. Chúng ta tập trung vào những kỹ năng mà bản thân đã nắm vững, và cố gắng giảm thiểu các sai lầm.

“Cả hai vùng trên đều quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta. Nhưng việc hiểu rõ khi nào chúng ta nên ở vùng nào, với những mục tiêu, trọng tâm và kỳ vọng rõ ràng, giúp chúng ta làm việc tốt hơn và tiến bộ nhanh hơn. Vùng làm việc tối đa hóa những kết quả trước mắt, trong khi vùng học tập thúc đẩy sự phát triển và năng suất trong tương lai. Lý do nhiều người không hề tiến bộ mặc dù làm việc chăm chỉ, là vì chúng ta có xu hướng dành hầu hết thời gian trong vùng làm việc. Điều này cản trở sự phát triển, và điều trớ trêu là sau một thời gian, nó cản trở cả hiệu quả công việc.”

Vùng học tập là gì?

Ông Briceño đưa ra ví dụ về Demosthenes, một chính khách, nhà hùng biện và luật sư người Hy Lạp cổ đại. Để trở nên kiệt xuất, ông ta không dành hết thời gian cho việc hùng biện hay hành nghề luật sư. Thay vào đó, ông tham gia những hoạt động nhằm cải thiện bản thân. Ông học luật, triết học dưới sự hướng dẫn của các cố vấn. Ông nghiên cứu những bài diễn thuyết và cả bộ môn diễn xuất. Ông luyện tập giọng nói và ngôn ngữ cơ thể.

“Những gì ông ấy làm ở vùng học tập rất khác biệt so với công việc ở tòa án, tức vùng làm việc của ông. Ở vùng học tập, những gì ông ấy làm được Tiến sĩ Anders Ericsson gọi là thực tập có mục đích. Nó bao gồm việc chia nhỏ khả năng thành những nhóm kỹ năng, hiểu rõ nhóm kỹ năng nào chúng ta cần cải thiện, tập trung hoàn toàn vào thử thách vượt ngoài vùng an toàn của chúng ta, ghi nhớ những lời nhận xét và điều chỉnh, và tìm kiếm sự hướng dẫn từ những người thầy nhiều kinh nghiệm.

“Chính việc thực tập trong vùng học tập này đã mang lại những tiến bộ đáng kể. Chẳng hạn, nghiên cứu cho thấy, trong những năm đầu tiên làm việc trong một lĩnh vực nào đó, công việc của bạn thường bị dậm chân tại chỗ. Điều này đúng trong lĩnh vực sư phạm, y tế hay những lĩnh vực khác, bởi vì một khi chúng ta tự cho rằng bản thân đã đủ tốt, chúng ta không còn dành thời gian cho vùng học tập. Chúng ta tập trung toàn bộ thời gian cho công việc, vốn không phải một cách hiệu quả để tiến bộ.

“Trong khi đó, những người tiếp tục dành thời gian cho vùng học tập sẽ tiến bộ không ngừng. Những người bán hàng giỏi luôn dành ít nhất mỗi tuần một lần để trau dồi kiến thức, thảo luận cùng các đồng nghiệp hoặc chuyên gia, thử nghiệm những chiến thuật mới, và tìm kiếm những lời nhận xét. Những kỳ thủ giỏi dành rất nhiều thời gian không phải để chơi cờ, thay vào đó họ cố gắng dự đoán và phân tích nước cờ của những bậc thầy. Đó là thực tập có mục đích.

“Vậy thì có phải chúng ta làm việc chăm chỉ nhưng không tiến bộ, là vì chúng ta luôn ở trong vùng làm việc hay không? Thật ra, vùng làm việc vẫn có giá trị của nó. Vùng làm việc cho phép chúng ta thể hiện hết khả năng. Nó còn là động cơ thúc đẩy, và cung cấp cho chúng ta thông tin để xác định trọng tâm tiếp theo khi chúng ta quay lại vùng học tập. Do đó, cách để đạt được năng suất tốt nhất, chính là luân phiên giữa vùng học tập và vùng làm việc, chủ động xây dựng kỹ năng ở vùng học tập, rồi áp dụng những kỹ năng đó vào vùng làm việc.”

Làm thế nào để dành nhiều thời gian hơn ở vùng học tập?

Ông Briceño đưa ra 4 gợi ý sau:

  1. Trước hết, chúng ta cần phải tin rằng bản thân mình có thể tiến bộ, đó gọi là tư duy cầu tiến.
  2. Thứ hai, chúng ta cần phải tập trung vào một kỹ năng cụ thể. Chúng ta phải đặt ra một mục tiêu, vì điều này cần thời gian và nỗ lực.
  3. Thứ ba, chúng ta cần biết mình phải làm gì để cải thiện, thông qua việc thực tập có mục đích.
  4. Và cuối cùng, chúng ta cần phải đặt mình vào một tình huống ít rủi ro, bởi nếu chúng ta phạm sai lầm, thì hậu quả không được quá nghiêm trọng.
“Một trong những lý do mà chúng ta dành quá nhiều thời gian trong vùng làm việc, đó là vì môi trường của chúng ta thường mang nhiều tính rủi ro. Chính chúng ta tạo ra những rủi ro xã hội cho nhau, ngay cả trong trường học, nơi lẽ ra phải được dành hoàn toàn cho việc học. Mỗi ngày, các học sinh từ tiểu học đến đại học đều cảm thấy rằng nếu họ phạm lỗi, thì sẽ bị người khác coi thường. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các em luôn căng thẳng và không chấp nhận những rủi ro cần thiết để học hỏi. Các em cảm thấy rằng sai lầm là điều không mong muốn, khi các thầy cô và cha mẹ chỉ muốn nghe những câu trả lời đúng. Mỗi bài kiểm tra đều được chấm điểm, thay vì được sử dụng để thực tập, sửa lỗi, nhận xét và ôn tập, gửi đi một thông điệp rằng trường học là vùng làm việc.

“Tương tự ở sở làm, tôi thường chứng kiến văn hóa công sở hoàn mỹ, nơi các nhà lãnh đạo luôn khuyến khích làm việc hiệu quả. Thế nhưng điều đó khiến cho các nhân viên dậm chân tại chỗ và không sáng tạo, khiến cho các công ty không thể đổi mới và bị tụt hậu.

“Sự tự tin đích thực đến từ việc học tập không ngừng. Vậy thì, thay vì chỉ sống để làm việc, làm việc và làm việc, chúng ta hãy dành nhiều thời gian hơn để khám phá, học hỏi, lắng nghe, trải nghiệm, suy ngẫm, phấn đấu và trưởng thành. Hãy đặt ra những giới hạn rõ ràng cho bản thân và những người cộng sự, rằng khi nào nên học tập và khi nào nên làm việc, để những nỗ lực của chúng ta mang lại nhiều thành quả hơn, để sự tiến bộ của ta không bao giờ dừng lại, và để vượt qua giới hạn ‘tốt nhất’ của hiện tại!”

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Share