Theo Bác sĩ Brian Cung, mặc dù tỷ lệ lây nhiễm ở Úc hiện vẫn cao, nhưng điều đáng mừng là đa số người dân đã được chích ngừa và phần lớn các trường hợp nhiễm coronavirus hiện nay chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Do đó, tình hình hiện tại không đáng lo ngại so với thời điểm đại dịch mới bùng phát mà chưa có vaccine và thuốc điều trị cũng như thiếu kinh nghiệm chữa trị dẫn đến nguy cơ tử vong hoặc để lại nhiều di chứng.
Nên chuẩn bị một số loại thuốc nào?
Bác sĩ Brian cho biết, việc chuẩn bị thuốc cho trường hợp chẳng may bị bệnh là điều hợp lý, nhưng cũng không nên dự trữ quá nhiều vì thuốc có hạn sử dụng nhất định.
Đối với các triệu chứng như cảm lạnh thì có thể dùng thuốc paracetamol hoặc ibuprofen để hạ sốt, giảm đau nhức. Trong tủ thuốc gia đình chỉ cần chuẩn bị khoảng một, hai hộp thuốc nói trên.
Ngoài ra có thể chuẩn bị các loại thuốc ho, đặc biệt là thuốc ho long đàm. Thường các trường hợp nhiễm COVID bị ho có đàm trắng đục hoặc trong, do đó không cần dùng thuốc trụ sinh mà chỉ cần uống thuốc ho long đàm.
Đối với máy đo nồng độ oxy trong máu thì không nhất thiết phải chuẩn bị ở nhà, bởi vì mọi người có thể tự nhận định tình trạng thiếu oxy với những triệu chứng như hụt hơi, nói vài từ là cảm thấy muốn ho, nói không được. Bên cạnh đó, các triệu chứng khi nhiễm COVID như đau ngực không dứt, buồn nôn, ói, không tiểu được, đứng không vững... đều là các triệu chứng nặng, cần được đưa đi cấp cứu ngay.
Trường hợp nhiễm COVID phải cách ly và tự chăm sóc ở nhà với các triệu chứng nhẹ mà cần được tư vấn thì vẫn có thể gọi điện thoại đến bác sĩ gia đình, hoặc gọi số điện thoại của Bộ Y tế là 1800 960 933.
Việc uống thuốc giảm triệu chứng khi bị nhiễm bệnh có làm giảm sức đề kháng của cơ thể?
Thuốc giảm triệu chứng hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức đề kháng của cơ thể. Uống thuốc giảm các triệu chứng như ho, nhức đầu, đau họng, mệt mỏi... có thể giúp dễ chịu hơn, nghỉ ngơi và ngủ được nhiều hơn để mau chóng phục hồi.
Chỉ có việc lạm dụng thuốc trụ sinh mới liên quan đến giảm sức đề kháng của cơ thể. Vì thế bệnh nhân chỉ nên uống trụ sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Sau khi hết COVID vẫn còn mệt mỏi kéo dài và cảm thấy yếu sức hơn trước, nên làm gì để nhanh chóng hồi phục sức khỏe?
Lời khuyên của bác sĩ là nên ăn uống nghỉ ngơi đầy đủ, tập thể dục đều đặn. Nếu triệu chứng mệt mỏi kéo dài hơn hai tuần thì nên đi gặp bác sĩ để kiểm tra xem ngoài việc bị ảnh hưởng của COVID còn có bệnh gì khác không, từ đó có cách điều trị phù hợp.
Người đã tiêm hai liều vaccine rồi bị nhiễm COVID thì có nên tiêm liều tăng cường hay không? Nếu có thì nên tiêm vào lúc nào?
Theo hướng dẫn hiện nay của Bộ Y tế Úc, mọi người đủ điều kiện tiêm liều tăng cường mà bị nhiễm COVID thì nên tiêm vaccine ngay sau khi khỏi bệnh. Lý do là vì hiện tại ở Úc có đến ba chủng virus alpha, delta và omicron, đa số các trường hợp hiện nay là nhiễm omicron, nhưng ngay sau khi khỏi bệnh vẫn có thể bị nhiễm chủng delta hoặc alpha.
Nên chọn loại vaccine cho liều tăng cường?
Lời khuyên y tế hiện tại ở Úc là nên tiêm vaccine mRNA (Pfizer hoặc Moderna) cho liều tăng cường, bất kể đã tiêm loại vaccine nào ở hai liều cơ bản. Tuy nhiên trường hợp muốn tiêm liều tăng cường là vaccine Astra Zeneca vẫn được chấp thuận.
Người đang bị nhiễm COVID-19 mà đi tiêm liều tăng cường thì vaccine có bị giảm tác dụng hay không?
Nếu đang bị nhiễm COVID-19 mà không biết vì cảm thấy khỏe mạnh không có triệu chứng gì, thì vẫn có thể tiêm liều tăng cường. Việc tiêm liều tăng cường không làm giảm đề kháng đối với người mới bị nhiễm bệnh.
Thời gian hiệu lực kháng thể bảo vệ sau tiêm mũi 3 là bao lâu? Liệu sắp tới có cần tiêm mũi 4 hay không?
Khoa học đã chứng minh sau khi chích ngừa một thời gian thì lượng kháng thể sẽ giảm vì cơ thể quên cách tạo ra kháng thể để đối phó với virus. Vì thế cần tiêm liều tăng cường để nhắc cơ thể cách chống lại virus. Tuy nhiên, tùy tình hình dịch bệnh mà giới chức y tế sẽ có lời khuyên tiêm liều tăng cường hay không vào từng thời điểm cụ thể.
Mời quý vị bấm vào phần Audio để nghe Bác sĩ Brian Cung giải đáp các câu hỏi liên quan đến vắc xin và lời khuyên để sống chung an toàn với COVID-19.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại