Du học ở Úc (153) 4 phong cách học thuật

Work smarter, not harder

Work smarter, not harder Source: Pixabay

Bạn tiếp thu kiến thức tốt nhất dưới hình thức nào? Hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ hay vận động?


Bạn có bài kiểm tra tiếng Anh, kiểm tập Toán đến cùng một lúc, rồi lại có bài tập nhóm phải nộp trong vài ngày tới. Rất nhiều thứ phải làm nhưng bạn lại không có đủ động lực để bắt tay làm gì cả.

Khi thời hạn càng đến gần, bạn lại càng dễ bị phân tán tư tưởng. Bạn liên tục làm những thứ không liên quan, chẳng hạn như pha cà phê, dẫn chó đi dạo, dọn dẹp nhà cửa, xem lại các tập của bộ phim mà mình ưa thích, rồi lại tiếp tục pha cà phê... Đó chính là những dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc phải tâm lý trì hoãn – procrastination.

Khi đã nhận ra được việc này, bạn nên dừng lại tất cả những thứ làm mình bị xao nhãng, đồng thời chọn cho mình một phương pháp học phù hợp với bản tính tự nhiên của mình. Bởi vì chỉ có làm đúng theo bản tính tự nhiên của mình, việc học mới trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Và trên thực tế là có nhiều kỹ thuật hỗ trợ cho việc học, mà nếu áp dụng đúng, chúng sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Bạn tiếp thu kiến thức tốt nhất dưới hình thức nào?

Sau đây, xin giới thiệu với các bạn 4 phong cách học thuật là:

  1. Visual (thiên về hình ảnh)
  2. Aural (thiên về âm thanh)
  3. Read/ Writing (đọc viết)
  4. Kinesthetic (thiên về vận động)
... theo sự phân chia của hai chuyên gia tâm lý Fleming & Mills. Tương ứng với từng phong cách, là những kỹ thuật phù hợp, theo gợi ý của .

Nhóm Visual (Tạm dịch là những người học thiên về hình ảnh)

Nhóm này thích thể hiện các thông tin dưới những hình thức như bản đồ, các loại biểu đồ, bảng biểu và tất cả những dấu mũi tên mang tính biểu tượng, các vòng tròn, hệ thống cấp bậc… Nó cũng bao gồm luôn cả những mẩu thiết kế, các hoa văn và cả những hình khối được sử dụng để truyền tải hoặc nhấn mạnh thông tin nào đó. Nói chung là những dạng thức về mặt hình ảnh để diễn đạt các thông tin, thay vì sử dụng từ ngữ.

Với những người học thuộc nhóm này thì phương pháp học tập thích hợp phải kể đến như là tự ngồi vẽ ra giấy hoặc là vẽ trên bản những biểu đồ, trên đó thể hiện được mối quan hệ giữa các khái niệm được nói đến.

Nhóm Aural (Tạm dịch là những người học thiên về âm thanh)

Đây là những người tiếp thu thông tin tốt nhất khi chúng được nói ra hoặc là nghe thấy. Những người thuộc nhóm này thường tiếp thu tốt trong các buổi giảng bài của giáo sư, những buổi thảo luận nhóm, nghe các chương trình phát thanh, xem email, nghe điện thoại bằng headphone, những ứng dụng trò chuyện…

Sở dĩ các email cũng được xếp vào nhóm này là bởi vì mặc dù hình thức thể hiện qua email là chữ, nhưng nó thường được viết với văn phong trò chuyện, gần như là văn nói với nhiều cụm từ viết tắt, tiếng lóng.

Những người thuộc nhóm này thường sẽ học tập hiệu quả khi họ có thể nói ra, diễn giải cho chính mình hiểu trước.

Nhóm Read/ Write (Nhóm học bằng phương pháp Đọc - Viết)

Có thể nói là nhóm này khá là truyền thống và phổ biến đến mức là nhiều khi, chúng ta tưởng rằng chính mình cũng thuộc nhóm này. Nhóm này thích việc thể hiện thông tin qua chữ viết. Vì thế, họ thích đọc thông tin dưới những hình thức như các báo cáo, bản hướng dẫn sử dụng, các bài luận… Nếu bạn thuộc nhóm học tập chủ yếu dựa vào đọc – viết thì bạn sẽ học hiệu quả hơn khi có các file dạng Powerpoint, tìm kiếm trên mạng, đọc các danh sách, từ điển…

Nhóm Kinesthetic (Phương pháp học thiên về vận động)

Đó là những người thích thực hành hoặc thí nghiệm trong khi học. Dù rằng cách này có thể được nhiều nhóm khác nhau áp dụng, nhưng riêng đối với những người Kinesthetic theo nghiên cứu của Fleming và Mills thì họ có một mối liên kết rất lớn vào thực tế. Họ ưa thích những ví dụ minh họa, sự giả dụ, các video clip và thước phim về những thứ rất thực. Ngoài ra, họ cũng học tập hiệu quả hơn khi được tìm tòi, nghiên cứu về các case study, thực hành và ứng dụng.
Identify your studying styles
Identify your studying styles Source: University of Melbourne

Tạo không gian học cho phong cách riêng của mình

Để xác định xem mình thuộc kiểu nào, và tìm hiểu chi tiết hơn về 4 phong cách học này, xin mời các bạn vào thăm trang web

Một khi đã xác định được mình thuộc nhóm học thuật theo phương pháp nào, điều quan trọng là chúng ta sẽ tìm kiếm hoặc tự tạo ra cho mình một không gian học tập phù hợp. Đại học Melbourne gợi ý:

Với nhóm hình ảnh: Bạn sẽ thấy thoải mái nhất khi ở trong không gian có nhiều màu sắc và các thiết kế độc đáo. Ngoài ra, bạn cũng là người thích đưa thêm nhiều yếu tố sáng tạo vào quá trình học tập. Vì thế, một số khu vực được thiết kế độc đáo nhưng vẫn yên tĩnh trong thư viện thường chính là môi trường học tập lý tưởng của nhóm Visual này.

Nhóm học thiên về âm thanh: Lời khuyên cho nhóm này là khi bạn ở nhà, hãy thỏa sức sử dụng các dạng thức của âm thanh như âm nhạc, các giai điệu theo cách sáng tạo của riêng bạn để tăng cường khả năng ghi nhớ của não bộ. Nếu bạn đang ở trường thì địa điểm thích hợp là các phòng lecture, nơi mà bạn có thể tự mình diễn giải lại bài vở để nắm các khái niệm một cách rõ ràng hơn.

Với nhóm học bằng phương pháp truyền thống là đọc và viết thì chắc chắn là không có khó khăn gì trong việc tìm kiếm không gian học tập cho riêng mình rồi. Đó có thể là giữa những kệ sách dài tít tắp và yên tĩnh hay một chiếc ghế lười trong thư viện, hay là chiếc bàn học với đầy đủ sách vở và tài liệu tham khảo tại nhà.

Với nhóm cuối cùng, vận động, thì sao? Khi ở nhà, những người thuộc nhóm Kinesthetic – học tập theo xu hướng vận động đươc khuyên nên viết ra tất cả các nội dung lên các mảnh giấy nhớ, xếp chúng theo thứ tự rồi đặt dưới sàn nhà để có thể nhìn thấy và đi qua chúng theo nghĩa đen và hành động này sẽ giúp bạn ghi nhớ lâu hơn. Ở trường, những phòng thí nghiệm thuộc từng chuyên ngành khác nhau sẽ là nơi mà bạn có thể ôn lại và kiểm tra các lý thuyết mà mình đã học một cách tốt nhất.


Share