Du học ở Úc (146) Bài thi cuối kỳ đặc biệt

Different Final Exams for Arts Students

Different Final Exams for Arts Students Source: Pixabay

Thay vì cắm cúi vào những quyển sách và các bài luận, sinh viên các ngành thiên về âm nhạc hoặc quản lý và ứng dụng nghệ thuật có những bài thi cuối kỳ hết sức đặc biệt và mang đậm dấu ấn cá nhân. Không những thế, với các du học sinh theo học những ngành này, đó còn là dịp để các bạn giới thiệu những nét độc đáo của văn hóa Việt Nam đến các bạn bè quốc tế.


Không phải là những bài luận dài hàng ngàn chữ hay các câu hỏi trắc nghiệm, thi cuối kỳ đối với sinh viên các khối ngành nghệ thuật vô cùng đặc biệt, kỳ công và cũng lắm thú vị. Mời xem phần chia sẻ của Nguyễn Minh Luân, du học sinh đang theo học ngành Quản lý và ứng dụng Nghệ thuật tại Đại học Macquarie, Sydney về những bài thi cuối kỳ rất đặc biệt của mình.

Sinh viên những ngành khác đến cuối kỳ thì tất bật với các bài luận, các công trình nhóm… ngành học của Luân thì có gì khác biệt?

Bên cạnh những bài luận, Luân có tham gia vào những dự án sáng tạo, gọi là “creative projects” và những môn học như “vocal study” - học về thanh nhạc. Assignment cuối kỳ sẽ là biểu diễn, hay môn sáng tác nhạc thì project cuối kỳ sẽ là sáng tác ca khúc nào đó, chứ không phải chỉ là đi vào phòng thi, trả lời câu hỏi, và đánh giá theo đúng hoặc sai nữa.

Sáng tác có phải là một phần bắt buộc trong chương trình học của Luân không?

Về mảng sáng tác, đây cũng từng là một dạng assignment, một phần bắt buộc trong chương trình học của Luân. Năm 2, khi Luân học môn sáng tác và tác quyền, yêu cầu của môn học là cuối kỳ, sinh viên phải cho ra mắt một ca khúc tự mình sáng tác, và đi kèm với ca khúc sáng tác đó là một nhật ký hàng tuần, được viết từ tuần đầu tiên của học kỳ cho đến tuần cuối cùng, tức là tổng cộng 12 tuần, mỗi tuần phải viết một entry, trong đó nói về quá trình sáng tác của mình, để người ta đánh giá được ca khúc này mình đã ấp ủ, làm và viết nó như thế nào, cả một công đoạn trước khi ra mắt ca khúc người ta muốn biết để có thể đánh giá được ca khúc đó, và cho điểm theo những tiêu chí của môn học.
Luan Nguyen
Source: Supplied
Ở trường học có đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ cho việc sáng tác, ghi âm của Luân không?

Đối với Luân, trường Macquarie có cơ sở vật chất rất tốt cho những công việc học về sáng tạo, ví dụ như môn sản xuất âm nhạc sẽ có phòng Music Production, chuyên để cho các bạn học môn này có thể thoải mái sử dụng từ sáng đến tối, có trang bị những cái iMac, đi kèm là một dàn mixer, hay là những đàn keyboard điện tử để có thể soạn nhạc trên đó. Với những môn thanh nhạc, có những phòng để sinh viên có thể vào đó sử dụng micro, piano và các nhạc cụ của trường để luyện tập cho phần biểu diễn cuối kỳ.

Để tiện cho việc học tập, cá nhân Luân cũng phải chuẩn bị cho mình những thiết bị này ở tại nhà, để mình không phải mắc công đi lên trường, hay quá phụ thuộc vào những thiết bị ở trường. Ví dụ như phần mềm sản xuất âm nhạc ở trường cũng có thể sử dụng, nhưng cá nhân Luân cũng phải tự sắm cho mình phần mềm đó, với giá rất đắt, nhưng nó có thể giúp đỡ mình lâu dài, nên mình cũng không ngại mà bỏ tiền mua. Những phần mềm Luân có ở nhà là phần mềm làm nhạc Cubase, hay một cây đàn keyboard để mình có thể soạn nhạc và cũng có một micro ở mức độ nghiệp dư để tự thu âm.
Từ đâu Luân có ý tưởng sáng tác nên bài “Thiêu Thân” cho phần thi cuối kỳ của mình?

Luân viết bài Thiêu thân là để đánh dấu cột mốc của mình. Đối với Luân, hành trình ba năm học ở Macquarie không có gì tuyệt vời hơn để mình có thể đánh dấu kết thúc của nó bằng một bài hát bằng tiếng việt, để chứng minh cho người khác thấy rằng mình là người Việt Nam, có chất riêng về âm nhạc, và mình tự hào về điều đó, không cần phải ngại ngùng che giấu.

Sau hai năm Luân đã hát những bài hát tiếng Anh trong trường lớp, nên Luân muốn thi cuối kỳ bằng một bài hát tiếng việt, do chính Luân tự sáng tác, để thể hiện cái tôi của mình, vì bài mình tự viết tất nhiên sẽ dễ dàng thể hiện cái tôi của mình tốt hơn là mình hát một bài của người khác.

Bài Thiêu thân viết về một loại côn trùng như mọi người cũng đã biết, có vòng đời rất ngắn ngũi, việc duy nhất nó làm là bay vào nguồn sáng rõ nhất, khi lao vào rồi thì nó sẽ chết vài giờ sau đó. Đối với Luân, những người nghệ sĩ cũng giống như những con thiêu thân, họ sống vì ánh đèn sân khấu, và lên sân khấu tỏa sáng trong vài phút ngắn ngủi. Cảm giác đó sẽ trôi qua, nhưng họ vẫn làm vì họ lao vào ánh sáng đó cũng như những ước mơ hoài bão để họ được cống hiến cho đời những đam mê của họ. Họ cống hiến những bài hát, những ấp ủ trong tim của họ bằng cái nghệ thuật của mình.
Bài hát này và phần thể hiện của Luân được các thầy cô đánh giá như thế nào?

Đến bây giờ, bài Thiêu thân vẫn chưa có kết quả, nhưng bạn bè của Luân đều thích bài hát này vì khi biểu diễn, Luân có đính kèm cho thầy cô và các bạn bản dịch của bài hát, để mọi người có thể hiểu về bài hát rõ hơn.

Luân có giới thiệu sơ nét về bối cảnh của bài hát đó, vì Luân muốn mọi người hiểu rằng trong văn hóa Việt Nam có rất nhiều bài hát mượn hình ảnh con vật để nói về tính chất của con người Việt Nam, giống như những bài hát Con cò, Giăng tơ, Con Ốc, Con Tò vò, Con Tằm…

Những bài thi cuối kỳ hết sức đặc biệt, qua đó, du học sinh theo học những ngành này có dịp để giới thiệu những nét độc đáo của văn hóa Việt Nam đến các bạn bè quốc tế.


Share