Du học ở Úc (150) Chuyện sinh con ở Úc

Pregnant and going to college

Pregnant and going to college Source: Pixabay

Việc sinh con và chăm con bình thường đã khó rồi, sinh và chăm con khi đang là du học sinh thì còn khó hơn gấp nhiều lần như vậy nữa. Khi mang thai và sinh con ở Úc (dù có theo kế hoạch của mình từ trước hay không), các bạn du học sinh cần phải có những sự sắp xếp như thế nào?


Mời nghe chia sẻ của bạn Thu Thảo ở Sydney về những trải nghiệm của mình khi mang thai tại Úc, cụ thể là việc sử dụng bảo hiểm y tế và việc thăm khám trong quá trình mang thai.

“Suốt thời gian mang bầu và sinh đẻ có dùng bảo hiểm cho nên cũng được chăm sóc như người mua bảo hiểm từ bên này, thậm chí có thể đi đẻ ở bệnh viện tư nữa.

“Việc thanh toán, claim bảo hiểm không có khó khăn gì hết, chỉ có điền form lâu thôi chứ sau đó khoảng 2-4 tuần là được trả tiền lại hết.

“Mình thấy khi sinh đẻ ở Úc có bảo hiểm thì đỡ lo các chi phí phát sinh, nhưng đa số thì họ bắt mình đẻ thường, chỉ được đẻ mổ trong những trường hợp đặc biệt hoặc có nguy hiểm ở phút chót thôi nên hồi đó mình có hơi lo lo. Với lại đi khám thai mỗi lần ngồi chờ 1-2 tiếng thấy ngán, rồi lại không được siêu âm nhiều nữa. Người ta chỉ siêu âm vào những cột mốc quan trọng và cần thiết như là 8 tuần, 12 tuần, 18-19 tuần gì đó rồi đến lúc đẻ luôn mình không đươc siêu âm nữa. Mình không biết những người khác thì sao chứ riêng mình thấy mỗi khi khám thai, họ cũng chỉ đo nhịp tim thai vậy thôi chứ không kiểm tra gì nhiều.

“Có một cái mình thấy hơi bất tiện là làm gì cũng phải đợi xếp lịch này nọ rất mất thời gian. Ví dụ như hồi mình mang bầu được 29 tuần thì mình bị hội chứng ngứa dữ dội, nổi mề đay nữa, do thay đổi hormone thai kỳ gì đó mà phải đợi họ đưa giấy cho specialist khám. Chờ đến ngày mình đi đẻ luôn thì họ mới xếp lịch cho mình đi khám. Cũng may là sau đó nó tự nhiên hết, nếu không thì cũng không biết phải làm sao luôn.”

Về người ở bên cạnh chăm sóc mình trong lúc thai nghén và sinh nở, Thu Thảo cho biết:

“Chồng mình là người support chính cho mình trong suốt khoảng thời gian mang thai. Sau khi sinh xong thì ba mẹ của mình mới thay phiên nhau qua phụ, mỗi người qua 3 tháng rồi “đổi ca”, chỉ tính riêng tiền vé máy bay thôi đã đủ… ngán rồi.

“Đẻ xong ở nhà chăm con đến hết tháng thứ 6 thì mình đi làm lại, mỗi tuần làm 2-3 ngày, mỗi ngày 4-5 tiếng thôi để còn thời gian chăm con. Lúc đi làm thì có ba hoặc mẹ trông con dùm nên cũng yên tâm.”
Có hai câu hỏi mà khá nhiều bạn đặt ra trên các diễn đàn sinh viên: Sinh con sẽ ảnh hưởng đến visa du học của mình như thế nào? Đứa bé sinh ra có được mang quốc tịch Úc hay không?

Sinh con sẽ ảnh hưởng đến visa du học của mình như thế nào?

Trong trường hợp bạn mang thai, điều kiện sức khỏe không cho phép mình tiếp tục các khóa học, các bạn có thể nộp đơn xin tạm hoãn khóa học của mình (Leave of Absence). Bạn có thể vẫn ở lại Úc hoặc về nước trong thời gian Leave of Absence. Và do có thời gian tạm hoãn này nên chắc chắn là bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành khóa học so với kế hoạch ban đầu và buộc lòng phải gia hạn visa du học của mình.

Nếu các bạn mang thai, không cần nghỉ hẳn một khoảng thời gian dài như vậy thì không cần phải nộp đơn xin Leave of Absence. Tuy vậy, có thể là trong một vài trường hợp, bạn không khỏe và không thể hoàn thành được các bài kiểm tra đúng hạn hoặc là không thể tham gia buổi thi nào đó theo lịch của nhà trường thì bạn hoàn toàn có thể nộp đơn xin tạm hoãn, và tất nhiên là bạn cũng cần giấy tờ chứng minh về tình trạng sức khỏe của mình.
Du học sinh sinh con tại Úc thì đứa bé có được mang quốc tịch Úc hay không?

Trẻ em sinh ra tại Úc sau ngày 20/08/1986 không tự động được quốc tịch Úc. Để em bé được trở thành công dân Úc thì phải có ít nhất một trong hai người bố hoặc mẹ là công dân hoặc thường trú nhân của Úc vào thời điểm đứa trẻ ra đời.

Nếu cả bố và mẹ đều giữ visa tạm trú thì em bé cũng sẽ chỉ có visa tạm trú, và subclass trùng với subclass của bố mẹ. Tuy vậy, đứa bé có thể được trở thành công dân Úc vào lần sinh nhật thứ 10 của mình nếu như trong khoảng 10 năm đó, đứa bé sinh sống chủ yếu tại Úc. 

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share