Mặc dù có chất lượng chăm sóc sức khỏe thuộc hàng đầu thế giới, nhưng hệ thống y tế của Úc lại rất khác với Việt Nam, đặc biệt là các phương cách chi trả thông qua bảo hiểm y tế.
Một trong những điều kiện Bộ Di Trú bắt buộc trước khi cấp chiếu khán du học tại Úc, là ứng viên phải mua bảo hiểm y tế dành cho du học sinh (OSHC: Overseas Student Health Cover) cho suốt thời gian học.
Lý giải điều này, ông Giles Newmarch, đến từ tập đoàn Medibank AHM cho biết trên chuyên mục Giáo Dục của báo mạng Zing News:
"Theo thống kê, mỗi năm có gần 19 ngàn du học sinh theo học tại Úc. OSHC là loại hình bảo hiểm y tế dành riêng cho du học sinh nước ngoài đến Úc học tâp và sinh sống. Đây là một trong những quy định bắt buộc của Chính phủ Úc. Visa đi du học đòi hỏi du học sinh phải có OSHC và phải duy trì bảo hiểm này trong suốt thời gian cư ngụ và theo học tại Úc. OSHC giúp du học sinh trang trải chi phí điều trị y khoa và điều trị tại bệnh viện trong trường hợp bị ốm đau hoặc bị tai nạn trong thời gian sinh sống và học tập tại Úc.
"Thêm một lý do khác nữa, dịch vụ y tế ở Úc rất đắt đỏ. Nếu không có OSHC, bạn phải trả hết chi phí điều trị tại bệnh viện, với mức phí có thể lên đến hàng ngàn đô la. Điều này sẽ tăng thêm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và du học sinh. Trong khi, có sức khỏe, bạn mới có thể đảm bảo được việc học, đặc biệt tại một đất nước có khí hậu chưa thể thích ứng được với bản thân.
"Vì vậy, OSHC sẽ mang lại cho bạn những quyền lợi để được chăm sóc sức khỏe. Khi bắt đầu cuộc sống độc lập ở nước ngoài, với OSHC, bạn sẽ được hưởng các chế độ phúc lợi y tế hiện hành ở nước sở tại. Chi phí y tế ở nước ngoài rất cao, nếu không có bảo hiểm gánh đỡ, bạn rất khó kham nổi."
Theo tổ chức Study Melbourne, Bảo Hiểm Y Tế dành cho Du Học Sinh chi trả cho:
- Các cuộc thăm khám bác sĩ
- Một số điều trị tại bệnh viện
- Xe cứu thương và một số loại thuốc theo quy định.
Thế nhưng, đôi lúc học sinh chỉ có thể được hưởng một phần phí y tế từ bảo hiểm. Sự chênh lệch giữa phí y tế và số tiền nhận được từ bảo hiểm gọi là phí chênh lệch.
Ví dụ, học sinh chỉ có thể được chi trả 85 phần trăm mức phí được Chính phủ khuyến nghị từ bảo hiểm y tế cho các dịch vụ y tế như bệnh lý và bức xạ. 15 phần trăm còn lại là chi phí mà người bệnh phải tự trả.
Nếu bạn bị trầm cảm hoặc lo âu, thì hầu hết các trường đại học tại Úc sẽ có chuyên viên bí mật (counselor) tư vấn miễn phí cho bạn. Nhiều tổ chức du học sinh cũng cung cấp những dịch vụ tư vấn tương tự, chẳng hạn như Study Melbourne hay Study NSW.
Trầm cảm là một vấn đề không thể xem nhẹ trong cộng đồng du học sinh, do những tác động từ rào cản ngôn ngữ, thiếu ngủ, kiệt sức vì công việc, hay cảm giác cô đơn.
Tạp chí Kilala xếp khoảng thời gian từ 1 tuần đến 3 tháng đầu tiên của hành trình du học vào "thời kỳ trăng mật:, tức là với du học sinh, mọi thứ đều mới mẻ, từ ẩm thực, kiến trúc đến mọi vật xung quanh.
Còn từ 3-4 tháng đến nửa năm sau đó thì sẽ chuyển qua thời kỳ căng thẳng tâm lý, các bạn dễ có cảm giác chán nản, thất vọng, kém tự tin vào bản thân, thậm chí bỏ học hoặc quay về nước giữa chừng.
Ở Úc có những tổ chức lo về vấn đề sức khỏe tinh thần, không phân biệt sắc tộc, chẳng hạn như Lifeline, số 131 114, hoặc Beyond Blue, số 1300 224 636.
Đối với các du học sinh nữ kết hôn và có em bé, Dịch vụ Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em là một dịch vụ quốc gia có sẵn cho các gia đình có con nhỏ từ 0 đến 5 tuổi. Ngoại trừ chủng ngừa, các dịch vụ đều miễn phí cho du học sinh.
Hội đồng địa phương có thể cho bạn biết địa chỉ trung tâm gần nhất. Các dịch vụ bao gồm chủng ngừa, đánh giá và tư vấn việc nuôi, phát triển, thị lực và thính lực của trẻ.
Đường Dây Sức Khỏe Bà Mẹ và Trẻ Em là một dịch vụ qua điện thoại 24 giờ, hãy gọi đến 13 22 29 nếu bạn cần giúp đỡ.
Xin lưu ý: Tiêm vắc xin và chủng ngừa không bắt buộc tại Victoria, nhưng một vài nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em và trường học sẽ không tiếp nhận trẻ trừ khi các em đã được tiêm ngừa.