Đối với những người phụ nữ sắp đến thời kỳ sinh nở thì câu hỏi sinh thường hay sinh mổ luôn là câu hỏi thường trực và làm các bà mẹ phải băn khoăn. Trước nay chúng ta vẫn thường nghe các bác sĩ khuyên rằng những gì tự nhiên luôn tốt nhất, không chỉ tốt cho sức khoẻ người mẹ mà cho cả đứa trẻ. Tuy nhiên phương pháp sinh mổ, tiếng Anh gọi là cecarian section hay còn gọi là C section, ngày càng trở nên phổ biến với các bà mẹ vì lợi ích lớn nhất đó là giúp giảm sự đau đớn trong quá trình sinh nở.
Câu chuyện của chị Nam Phương, một bà mẹ có ba cô con gái. Sau khi trải qua ba lần sinh nở vừa sinh thường và sinh mổ, chị chia sẻ với SBS:
“Lần đầu tiên mình được bác sĩ chỉ định chọn sinh mổ vì em bé không quay đầu. Lúc đó mình chưa có kinh nghiệm, nhưng sau khi sinh mình hồi phục rất nhanh, chỉ sau một tuần mình đã quay trở cuộc sống bình thường.
“Lần thứ hai thì không có vấn đề gì trong quá trình mang thai nên mình đã chọn sinh thường, vì nhiều người đều nói sinh thường tốt cho cả bà mẹ lẫn em bé. Thế nhưng lần sinh thứ hai không tốt đẹp, chuyển dạ rất lâu và sinh nở rất khó. Mình hồi phục lâu hơn lần đâu rất nhiều và đau đớn nhiều hơn. Mình đã mất sức và stress nên ảnh hưởng đến sữa cho em bé.
“Cho nên đến lần thứ ba mình đã chọn cách sinh mổ, mình cảm thấy nhẹ nhàng và hồi phục nhanh hơn.”
Hương Lan đã hỏi chuyện thêm bác sĩ Trần Thị Xuyên, để hiểu chính xác hơn về hai phương pháp này.
Mời quý vị nghe thêm phần trò chuyện với bác sĩ Trần Thị Xuyên trong audio
Source: common wikimedia
1. Khi nào bắt buộc phải thực hiện sinh mổ
- Thai nhi quá to hoặc nằm ở vị trí không thuận lợi.
- Người mẹ không đủ sức để sinh thường, trong trường hợp này các bác sĩ bắt buộc phải mổ lấy thai nhi ra đề phòng thai nhi bị ngạt.
- Giảm nguy cơ tử vong cho thai nhi trong trường hợp thai nhi bị nhau quấn cổ, bị bất thường…
- Người mẹ bị nhiễm HIV, bị tiểu đường, bị herpes (giời leo) ở âm đạo nếu sinh thường sẽ lây sang con.
- Người mẹ mang đa thai.
2. Tác hại của việc sinh mổ
- Thời gian phục hồi lâu: thời gian các bà mẹ phục hồi sau sinh thường là hai ngày, riêng sinh mổ là 4 ngày.
- Nguy cơ nhiễm trùng tăng cao, hoặc phản ứng với thuốc tê, thuốc mê.
- Phải chờ ít nhất 2 năm sau mới được sinh con thứ hai nếu không muốn nguy cơ vết sẹo cũ nơi tử cung bị thương tổn.
- Tỷ lệ tử vong của phụ nữ sinh mổ cao hơn những người sinh thường ba lần.
- Thai nhi sau này có tỷ lệ bệnh suyễn, béo phì cao hơn.
3. Tại sao nên sinh thường
- Thời gian hồi phục nhanh
- Giảm nguy cơ tử vong cho mẹ: tỷ lệ mẹ bầu bị tử vong do sinh thường thấp hơn sinh mổ, đặc biệt mẹ bầu cũng không phải lo việc vết mổ bị nhiễm trùng hãy có các biến chứng khác.
- Khi thai nhi được sinh thường qua đường âm đạo, toàn bộ nước trong phổi sẽ bị ép ra ngoài, điều này tốt cho thai nhi, đồng thời bé sẽ có sức đề kháng và hệ miễn dịch tốt hơn nhờ các vi khuẩn có lợi trong ống sinh sản
4. Bất lợi của việc sinh thường
- Nguy cơ bị rách tầng sinh môn.
- Nhiều phụ nữ dễ bị tình trạng són tiểu, nguyên nhân một phần do bị rách âm đạo trong quá trình sinh nở. Bệnh tuy không đe dọa tính mạng nhưng ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống do nước tiểu thường bị són ra ngoài, không kìm chế được sau ho, hắt hơi hoặc một cử động gắng sức đột ngột.
Những phụ nữ trước khi sinh nên tham gia các lớp học dạy kiến thức về sinh nở và tập luyện những bài tập tập trung vào vùng xương chậu. Có thể đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn cách tập luyện.
Nên mua bảo hiểm trước khi sinh để giúp các bà mẹ có sự lựa chọn phương pháp sinh thường hay sinh mổ tuỳ vào hoàn cảnh của mình.
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại