Cô Chen Huang đã ước muốn có một đứa con từ rất lâu. Thế nhưng Chen vẫn độc thân ở tuổi 30 và đang sống ở Thượng Hải. Cô tình cờ đọc được một bài viết về các ngân hàng tinh trùng nước ngoài và nhận ra rằng cô có thể có một đứa con của riêng mình, mà không cần kết hôn.
Vấn đề là Chen không thể làm điều này ở Trung Quốc.
"Ở Trung Quốc, không thể nào có chuyện chính phủ cho phép phụ nữ độc thân có con bằng cách sử dụng các phương pháp nhân tạo, vì vậy các bệnh viện sẽ không nhận làm các dịch vụ này. Do đó không có cách nào để tôi có thể sử dụng ngân hàng tinh trùng hoặc tinh trùng của một người bạn để mang thai. Việc này không được phép, tôi phải có một giấy chứng nhận kết hôn."
Cô Chen Huang đã tham gia một nhóm trò chuyện trực tuyến với những người phụ nữ Trung Quốc có hoàn cảnh tương tự.
"Tôi đã rất ngạc nhiên khi có rất nhiều phụ nữ có cùng ý tưởng như tôi."
Sau một thời gian nghiên cứu, cô quyết định đến Úc, nơi cô từng đi du học.
Cô cho biết luật pháp Úc về việc sử dụng tinh trùng của người hiến tặng là một giải pháp.
"Ở Úc, vấn đề thụ tinh nhân tạo không bị thương mại hóa, và ở Úc, có một quy trình pháp lý chặt chẽ. Úc bảo vệ quyền của đứa trẻ. Trong tương lai, họ có thể liên hệ với cha đẻ, trong khi tại Mỹ và Thái Lan, theo như tôi biết, việc hiến tặng tinh trùng là hoàn toàn vô danh. "
Cô Chen Huang đã chọn bác sĩ Andrew Kan, có phòng khám tại Sydney, người có thể nói tiếng Quan Thoại và Quảng Đông.
Bác sĩ Kan chia sẻ việc kinh doanh của ông đang ngày một phát đạt.
"Yêu cầu tư vấn thụ tinh nhân tạo rõ ràng đang tăng lên rất nhiều. Chúng tôi đang thực hiện các buổi tư vấn qua Skype. Thay vì mất từ 1-2 năm cho việc quyết định, nay thì các bệnh nhân Trung Quốc chỉ cần bay từ Trung Quốc qua đây ở trong vòng 1-2 tháng".
Nghiên cứu của tổ chức y tế BIS Hoa Kỳ cho biết nhu cầu thụ tinh trong ống nghiệm của Trung Quốc vào năm ngoái trị giá 670 triệu đô la Mỹ và dự kiến sẽ tăng lên 1,5 tỷ đô la vào năm 2022.
Các phòng khám thai ở Úc, gần với các nước châu Á, đang kiếm được nguồn lợi tức hấp dẫn từ thị trường này. Các phòng khám đã thực hiện các trang web bằng tiếng Trung và hợp tác với các công ty Trung Quốc giúp phụ nữ muốn mang thai lên kế hoạch điều trị và đi du lịch.
Wang Hongxia, thuộc tổ chức hỗ trợ Phụ nữ Thượng Hải), nói rằng đi nước ngoài để thụ tinh nhân tạo không phải là lựa chọn cho hầu hết phụ nữ ở Trung Quốc.
"Đối với nhóm phụ nữ ra nước ngoài để thụ tinh nhân tạo, họ có trình độ học vấn cao hơn, từng đi học ở phương Tây và có tư duy tiến bộ hơn, vì vậy những phụ nữ này tin rằng họ có quyền lựa chọn xem có nên có con hay không và việc này không liên quan đến việc kết hôn. "
Bác sĩ Kan cho biết các bệnh nhân của ông từ Trung Quốc thường rất trẻ trung và giàu có, so với các bệnh nhân trong nước.
"Các cô gái này đến từ những gia đình chỉ có một con mà thôi, do đó họ chịu rất nhiều áp lực từ cả hai bên, từ cha mẹ của họ, về việc sinh đẻ. Họ trẻ trung, tiền không phải là vấn đề. Họ lại có sự hỗ trợ tài chính từ cả hai bên gia đình".
Tháng trước, Chen Huang đã sinh một bé gái khỏe mạnh tên là Alice tại Sydney.
"Đây là thành quả lớn nhất, niềm vui lớn nhất của cuộc đời tôi. Tôi nghĩ cuộc đời tôi đã rất trọn vẹn và đứa bé đã thay đổi cuộc đời tôi mãi về sau".
Cô Chen Huang nói, trong khi một số phụ nữ trong nhóm trò chuyện trực tuyến của cô cảm thấy bị xã hội đánh giá hoặc phân biệt đối xử vì quyết định của họ, cô may mắn hơn nhiều. Cô luôn có sự hỗ trợ của bạn bè, đặc biệt là cha mẹ cô, người đã cùng cô vượt cạn tại Úc.
"Họ ủng hộ tôi bằng mọi cách, và tôi thực sự biết ơn gia đình vì đã hiểu biết, cảm thông và hỗ trợ tôi trong suốt hành trình mang thai."