Neil Prakash, một người có quốc tịch Úc được cho là đã gia nhập đội quân Thánh chiến của Nhà nước Hồi Giáo và được xem là "người Úc nguy hiểm nhất" vừa bị chính phủ Úc tước quốc tịch và đưa danh sách những người song tịch bị tước quốc tịch bao gồm 12 người.
Neil Prakash không phải là dân nhập cư như nhiều người nghĩ mà sinh ra ở Melbourne tuy nhiên giữ song tịch Úc và Fiji.
Prakash hiện đang bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ vì nhiều tội danh và đã được nhận thông báo về việc bị tước quốc tịch trong nhà tù tại đây.
Chính phủ Úc nói rằng đang xem xét những trường hợp song tịch nào bị điểm danh là đã tham gia vào những đội quân tay súng nước ngoài để lấy lại quốc tịch Úc mà chính phủ đã ban cho họ.
Tổng trưởng Nội vụ Peter Dutton nói rằng ông sẽ làm tất cả những gì cần thiết để vô hiệu hóa những nguy cơ khủng bố.
"Thông điệp được đưa ra rất rõ ràng rằng những ai có hành vi làm hại nước Úc thì sẽ bị tước quốc tịch. Chúng tôi kiên quyết không để cho những ai đã dính líu tham gia vào các tổ chức khủng bố hay thành viên của các nhóm này mà còn có thể còn nắm quốc tịch Úc. Chúng tôi không muốn những mối đe dọa như vậy hiện diện ở quốc gia này.
"Chúng tôi có đủ những việc cần phải lo trong lúc này và không muốn có thêm những mối lo ngại chồng thêm từ những kẻ như vậy. Sự thật là những người này là những tội phạm nguy hiểm và và lũ côn đồ giết người. Thực tế này không tự biến mất đi được."
Prakash được chú ý rất nhiều trong những video clip tuyên truyền liên quan đến những vụ tấn công khủng bố của Nhà nước Hồi Giáo.
Lưc lượng an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ Prakash vào hồi tháng 10/2016 khi anh ta định vượt biên vào Thổ từ biên giới Syria.
Vào hồi đầu năm thì Úc đã định dẫn độ tay súng thánh 27 tuổi quốc tịch Úc về nước vì liên quan đến một số bản án khủng bố nghiêm trọng tại Úc, thế nhưngThổ Nhĩ Kỳ đã từ chối đề nghị dẫn độ của chính phủ Úc.
Ông Dutton nói Úc cũng không cần có thêm một người như Prakash để làm gì.
"Nước Úc an toàn hơn khi không có Neil Prakash ở đây. Ông Prakash tham gia một cách gắn bó với việc điều hành ISIL ở Trung Đông và rõ ràng rằng ông ấy đã không trung thành với nước Úc. Ông ta sẳn sàng giết người Úc nếu có cơ hội, và tốt hơn cho tất cả chúng ta là ông ta đừng trở về nước chúng ta nữa."
Chính phủ Úc nói rằng Prakash bị nghi là có liên hệ với những vụ tấn công khủng bố ở Úc bao gồm vụ hai nhân viên cảnh sát bị đâm ở bên ngoài một đồn cảnh sát ở Melbourne.
FBI cũng đã cáo buộc Prakash liên quan tới một vụ tấn công không thành vào tượng Nữ Thần Tự Do ở New York.
Prakash có quốc tịch vì sanh ra ở Melbourne và có quốc tịch Fijian từ người cha của mình.
Các chuyên gia về chống khủng bố đang lo ngại khi bị tước quốc tịch Úc thì đảo quốc Fiji sẽ ứng xử như thế nào với tay súng khủng bố đầu trò những âm mưu ở nơi này nơi kia trên thế giới.
Chuyên gia chống khủng bố Greg Barton, từ Đại học Deakin University, nói Prakash thuộc trách nhiệm của Úc .
"Khó mà hình dung làm sao Úc có thể đẩy cục nợ cho Fiji, chỉ đơn giản cái chuyện chi phí cho tăng cường an ninh, nhà tù và tòa án cũng lên đến hàng triệu dollars trong khi Fiji chả làm điều gì sai trong chuyện này để lãnh hậu quả như vậy. Sự liên hệ với Fiji chẳng qua là vô tình và ngoài ý muốn. Dù muốn dù không thì Neil Prakash cũng là một sản phẩm của Úc và Úc phải chịu trách nhiệm."
Giáo sư Barton nói tước quốc tịch không phải là biện pháp tốt nhất để làm khi mà nó đẩy gánh nặng lên Fiji, vốn chẳng giàu có gì để gánh thêm một cục nợ để giải quyết vấn đề này.
Ông nói thông báo tước quốc tịch Prakash của chính phủ chẳng qua là một màn trình diễn lấy phiếu tín nhiệm của cử tri trong nước.
"Nó xóa đi cơ hội nhỏ nhoi là có thể dẫn độ Neil Prakash về nước đưa ra trước công lý để thẩm vấn về những vấn đề liên quan đến tình báo và gián điệp ở Úc.
Việc tước quốc tịch chỉ thêm cớ cho sự diễn giải của Nhà nước Hồi Giáo và nó làm phức tạp thêm mối quan hệ với các cộng đồng vốn đã giảm sút sự tín nhiệm vào chính phủ cho dù biện pháp tước quốc tịch rất ít khi được áp dụng. Khó tìm thấy cái gì hay ho từ cách làm này và nó khiến người ta tự hỏi tại sao phải làm vậy?
Câu trả lời không gì khác hơn là động cơ chính trị. Nó giúp cho chính phủ nhìn thì có vẻ cứng rắn với khủng bố khi mà thật ra chỉ làm sự việc tệ đi mà thôi. Cứ theo dõi thì sẽ thấy, nó chắc chắn là chả thu được điều gì hay."
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Prakash phải ra trước tòa để nghe phán quyết sau đó phải chấp hành xong bất kỳ bản án nào mà tòa tuyên phạt thì mới có thể được dẫn độ.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung