Nhiều người dân Úc lâu nay có thể không nhìn thấy rõ ánh mặt trời, vì khói bụi từ cháy rừng đang bao phủ.
Tuy nhiên phi thuyền thăm dò Mặt trời Parker của NASA, phóng vào không gian từ năm 2018, đã được nhìn Mặt trời rõ ràng hơn bất kỳ đối tượng nào khác trong Hệ Mặt trời. Phi thuyền Parker đang tiến vào phạm vi 25 triệu cây số tính từ bề mặt của Mặt trời.
Trong sáu năm tới, phi thuyền thậm chí có thể tiến lại gần hơn nữa, đi vào quỹ đạo chỉ cách Mặt trời sáu triệu cây số.
Từ những thông tin ban đầu thu nhận được từ phi thuyền Parker, NASA cho biết sứ mệnh lần này đã có những khám phá đáng kinh ngạc.
Khoa học gia tại NASA, Tiến sĩ Eric Christian hy vọng những quan sát về gió mặt trời có thể giúp lên kế hoạch cho các sứ mệnh khám phá không gian trong tương lai.
“Trên Trái đất, chúng ta được bảo vệ bởi từ trường và khí quyển của Trái đất, nhưng một khi ra ngoài vũ trụ, ra khỏi từ trường của Trái đất, thì những cơn gió mặt trời có thể gây nguy hiểm cho không chỉ phi hành gia mà còn cho các các phi thuyền vũ trụ. Phi thuyền thăm dò Mặt trời Parker đang cố gắng tìm hiểu những căn cứ khoa học nhất, để giúp chúng ta trong tương lai có thể dự đoán được gió Mặt trời, giống như những chuyên gia về khí tượng dự đoán thời tiết trên Trái đất”.
Các nhà nghiên cứu cũng nói cuối cùng họ đã có bằng chứng về một khu vực không có bụi bao quanh mặt trời.
Tiến sĩ Aleida Higginson, một nhà khoa học tại phòng Thí nghiệm Vật lý Ứng dụng thuộc trường Đại học John Hopkins nói.
“Những hạt bụi này thật sự chuyển động xoắn ốc về phía Mặt trời, chúng va vào nhau và bị vỡ ra thành nhiều mảnh nhỏ hơn. Những vật chất nhỏ nhoi đó có thể bay đến rất gần Mặt trời, cuối cùng có thể chúng hoàn toàn tan biến, hoặc có thể áp lực từ ánh sáng Mặt trời đủ lớn để thổi chúng bay ra khỏi Mặt trời. Vì vậy, phi thuyền Parker có thể bắt đầu nhìn thấy những chỉ dấu về một khu vực gọi là “vùng không có bụi” bao quanh Mặt trời”.
Cho tới nay phi thuyền Parker đã hoàn thành ba quỹ đạo quanh Mặt trời, trong sứ mệnh quay quanh Mặt trời 24 lần.
Phi thuyền đã đi sâu vào vành nhật hoa.
Các khoa học gia lâu nay thường thắc mắc về gió mặt trời, vốn ban đầu xoay tròn quanh vành nhật hoa – họ đặt câu hỏi bắt đầu từ chỗ nào thì gió mặt trời ngừng xoay tròn và bắt đầu di chuyển theo đường thẳng.
Tiến sĩ Christian nói phi thuyền thăm dò Mặt trời Parker sẽ giúp họ tìm được câu trả lời.
“Tìm hiểu ở chỗ nào quá trình chuyển hướng đó bắt đầu xảy ra là rất quan trọng, bởi vì hoạt động của vành nhật hoa thật sự giúp Mặt trời quay chậm lại. Tất cả các hành tinh cũng quay chậm hơn khi chúng già đi. Phi thuyền thăm dò Parker nhìn thấy sự chuyển hướng từ chỗ quay xung quanh vành nhật hoa sang chỗ đi theo đường thẳng, đã xảy ra ở khoảng cách xa từ Mặt trời hơn so với những gì chúng ta nghĩ. Và điều này thật sự đã ảnh hưởng tới bất kỳ hành tinh nào trong vũ trụ, và việc chúng đã quay chậm lại như thế nào. Điều này thật sự quan trọng đối với sự tồn tại của sự sống của các hệ mặt trời ở những hành tinh xa xôi”.
Phi thuyền Parker sẽ lướt qua Kim Tinh vào ngày 26/12, sau đó sẽ bắt đầu quỹ đạo thứ tư quanh mặt trời vào tháng Giêng năm 2020.
Phi thuyền Parker di chuyển với vận tốc gần 700,000 cây số một giờ, với vận tốc này trên Trái đất nó có thể đưa bạn đi từ Chicago tới Bắc Kinh trong khoảng thời gian chưa tới 60 giây.
Đây là tốc độ nhanh nhất mà một thiết bị nhân tạo có thể đạt tới.
Phi thuyền Parker sẽ tiến đến gần Mặt trời nhất trong ba quỹ đạo cuối cùng, dự định xảy ra vào năm 2024 và 2025.