Nuôi con ở Úc: “Đứa trẻ bị cho là hư hỏng chính là đứa trẻ cần giúp đỡ và yêu thương nhất”

Thu Ha

Chị Thu Hà. Source: FB Sydney Di Ha

Khi những đứa trẻ bắt đầu trở tính, thích nép vào một góc riêng, ít nói, ít tâm sự, lại hay cãi lời cha mẹ và có những hành vi bột phát, thì cũng là lúc phụ huynh bước vào một giai đoạn thách thức lớn. Làm thế nào để giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì?


Cũng như nhiều trẻ em tuổi mới lớn, con trai của chị Thu Hà từ thời điểm tuổi 11, 12 trở lên bắt đầu ít nói hơn trước, thường xuyên ở trong phòng riêng đóng chặt cửa để chơi game, rất hay phản đối ý kiến của phụ huynh và thậm chí có lúc cải lời mẹ khiến chị cảm thấy buồn lòng.

Nhiều lúc chị cảm thấy rất bực vì cố gắng giải thích với con nhiều lần mà con không chịu nghe. Vì thế có lúc chị đã lớn tiếng với con.

Chị Thu Hà tâm sự rằng chị từng trải qua một giai đoạn thực sự khó khăn đến nổi chị cứ ngỡ mình là một người mẹ thất bại.

“Mình có thể ra ngoài làm việc tốt nhưng có khi trong nhà mình lại là một người mẹ thất bại.”

Thời điểm đó chị phải làm việc căng thẳng trong môi trường mới tại Úc, với một công việc đòi hỏi sự chuẩn mực về chuyên môn, nhưng về nhà thì con không nghe lời mẹ. Là người mẹ đơn thân, chị vừa làm mẹ, làm cha, làm bạn, làm cô giáo của con. Chị đồng thời vừa đi làm, vừa đi học, vừa chăm sóc con. Tất cả tạo nên áp lực khiến chị ức chế. Chị nói rằng nhiều lần chị bực mình với con và mắng con.

Nhưng sau đó chị hiểu vấn đề và bắt đầu dành thời gian gần gũi con, chơi với con, tham gia các hoạt động mà con thích như đi bơi, đánh cờ, đi dã ngoại... Tất cả nỗ lực của chị nhằm mục đích kéo con ra khỏi môi trường mà con đóng chặt cửa để chơi game. 

Khuyến khích con ra ngoài đi làm thêm

Đặc biệt chị Thu Hà có một giải pháp rất hay. Chị biết con là đứa trẻ rất thông minh, và chị muốn con dùng trí tuệ và thời gian của con để làm những việc có ích, thay vì suốt ngày chơi game. Thế là chị khuyến khích con đi làm thêm từ năm con 14 tuổi.

“Khi đi làm thì con tự tin hơn, ít dành thời gian chơi game hơn, đồng thời con chia sẻ với mẹ nhiều hơn.”

“Con chị làm ở Oporto từ năm 14 đến 18 tuổi. Cũng kiếm được khá nhiều tiền và làm được nhiều trò hay lắm.”

Tham gia các khóa học làm cha mẹ

Nói về khủng hoảng giai đoạn tuổi dậy thì, chị Thu Hà tin rằng giáo dục con ở tuổi dậy thì thực sự là một thách thức đối với cha mẹ. 

Để tìm cho mình giải pháp hiệu quả, trước tiên chị nói chuyện với bác sĩ gia đình (GP). Từ đó chị được giới thiệu tham gia lớp học mang tên “Anger management”, nghĩa là lớp học tự kiềm chế sự nóng giận. Đó là lớp học không chỉ dành cho các bậc cha mẹ mà còn dành cho toàn cộng đồng, nhằm giúp mọi người kiểm soát được cơn nóng giận và giữ gìn sức khỏe tinh thần.

Trong lớp học nêu trên, chị tìm thấy được rất nhiều kỹ năng hữu ích, không chỉ áp dụng cho việc giáo dục con cái mà còn cho nhiều tình huống xã hội khác.

Là một bác sĩ nhi khoa, chị Thu Hà biết rõ trẻ ở tuổi mới lớn có sự thay đổi về tâm sinh lý. Sự thay đổi đó do hoạt động chức năng trong cơ thể tạo ra các hóc-môn điều khiển suy nghĩ và hành vi của trẻ. Vì thế trẻ vị thành niên thường có hành vi bột phát, đôi khi là trầm cảm, bực tức, hưng phấn hoặc quá khích, thiếu tập trung trong học tập, hay quên, hay cải lời người lớn. Điều này dễ dẫn đến xung đột giữa cha mẹ và con cái.

Chị Thu Hà chia sẻ rằng có lúc chị cũng hoảng sợ, không biết nên tìm giải pháp như thế nào, làm thế nào để giáo dục con đi đúng hướng.

Sau đó chị tìm đến trung tâm đào tạo kỹ năng làm cha mẹ. Tại đó, chị không đơn độc, bởi vì có rất nhiều phụ huynh đến chia sẻ và có người hướng dẫn. Khóa học trong 6 tuần, mỗi tuần hai buổi, mỗi buổi hai tiếng. Đến với lớp học, các bậc cha mẹ được hướng dẫn cách để hiểu trẻ, hiểu nguyên nhân dẫn đến hành động và suy nghĩ của trẻ, cách xử lý tình huống khi trẻ sai, cách dùng ngôn ngữ như thế nào để trẻ nghe lời và không cải lại, và cách giữ đúng chức năng của cha mẹ để không vi phạm quyền trẻ em.

“Trong ngôn ngữ giao tiếp với trẻ thì có rất nhiều cách, nói trực tiếp hoặc có thể nói qua tin nhắn, viết giấy để ở bàn học hoặc trên giường của trẻ, viết thư... và dùng những lời lẽ nhẹ nhàng. Và khi nói với trẻ thì đừng quên nói rằng mình rất yêu con.”

Chị Thu Hà nói rằng lớp học kỹ năng làm cha mẹ được cung cấp ở các thư viện địa phương, nơi có rất nhiều chương trình giáo dục trẻ. Phụ huynh có thể đến liên hệ để tìm chương trình phù hợp với nhu cầu của mình.
Thu Ha
"Cha mẹ mỗi khi nói với trẻ thì đừng quên nói rằng mình rất yêu con"- chị Thu Hà. Source: FB Sydney Di Ha
Những thay đổi sau nhiều nỗ lực

Trong một lần đi làm về tới nhà gần ba bốn giờ sáng mà thấy con vẫn còn chơi game, chị Thu Hà đã áp dụng các kỹ năng được trang bị từ các khóa học. Thay vì như các lần trước là đến đập cửa phòng và lớn tiếng bảo con phải tắt điện thoại ngừng chơi game, lần đó chị chỉ nhắn tin cho con.

“Con ơi, đã ba giờ sáng rồi, mẹ vẫn chưa ngủ được. Sáng mai mẹ phải đi làm. Nếu con tiếp tục chơi, sáng mai mẹ sẽ ốm, mẹ sẽ bỏ làm. Mẹ vẫn yêu con, nhưng hành vi của con là không thể chấp nhận được.”

Biện pháp của chị nhẹ nhàng nhưng thực sự có hiệu quả. Chỉ mấy phút sau con của chị ngừng chơi game và đi ngủ.

Sau vài lần như vậy, con của chị đã sửa đổi, dù vẫn còn chơi game nhưng không còn thức quá khuya như trước.

Chị Thu Hà nhận ra rằng chị đã kiểm soát được sự bực tức nóng giận của mình, đồng thời chị vận dụng tốt kỹ năng về ngôn ngữ, biết rằng nói chuyện trực tiếp ngay lúc đó thì chị sẽ khó kiềm chế, nên chị dùng tin nhắn. Và chị cũng tự nhủ rằng nếu dùng tin nhắn mà không đạt kết quả tốt thì chị sẽ tìm biện pháp khác.

Chia sẻ với phụ huynh có con đang tuổi mới lớn

Qua chương trình Nuôi con ở Úc, chị Thu Hà muốn chia sẻ đôi điều với các phụ huynh đang gặp khó khăn khi giáo dục con ở tuổi vị thành niên. Chị nói rằng thứ nhất là không dùng bạo lực đối với trẻ, và hai là phải chấp nhận rằng sự thay đổi tính cách của trẻ là giai đoạn chuyển giao, một quá trình bắt buộc phải có trong sự hoàn thiện để trưởng thành.

Cha mẹ cũng nên luôn tìm được điểm mạnh của con để khuyến khích động viên con phát huy để con trở thành người tốt đẹp. Và nên luôn thể hiện tình yêu với con, bởi “đứa trẻ bị cho là hư hỏng chính là đứa trẻ cần sự giúp đỡ và tình yêu nhiều nhất.” Vì thế, phụ huynh nên sắp xếp công việc để có thể dành thời gian cho con, trò chuyện và chơi cùng con, hoặc có thể cùng đọc các mẫu chuyện để có chung suy nghĩ và chia sẻ.

Kính mời quý vị vào phần Audio để nghe cuộc phỏng vấn chị Thu Hà trong chương trình Nuôi con ở Úc.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 



Share