Nuôi con ở Úc: Kiên trì và lạc quan giúp con vượt qua bệnh tự kỷ

Chi Hai

Chân dung chị Hải qua tranh vẽ của con trai. Source: Supplied_Ms Hai

Nuôi con bị tự kỷ thường song hành với những nỗi buồn, lo và nhiều áp lực. Mấy ai có thể giữ được sự lạc quan để làm chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con, giúp con vượt qua bệnh tật?


Nhìn dáng vẻ trẻ trung và năng động của chị Hải, ít ai nghĩ rằng chị đã bước vào tuổi thất thập. Và cũng không ai nghĩ rằng chị đã trải qua muôn vàn nỗi gian truân trong đời như bao người khác. Đặc biệt chị là một người mẹ đơn thân nuôi con bị tự kỷ nặng.

Khi được hỏi về bí quyết giữ gìn sự trẻ trung năng động, chị Hải chia sẻ những điều rất căn bản.

“Mình ăn uống lành mạnh, ít dầu-mỡ-đường-muối. Mình tập thể dục, giao lưu sinh hoạt với bạn bè, hát karaoke, khiêu vũ... có những hoạt động giải trí riêng cho mình.”

Những điều đơn giản đó chắc hẳn ai cũng biết, nhưng không dễ thực hiện, nhất là những phụ huynh có con bị tự kỷ.

Ba mươi năm trước, khi nhận thấy con trai của mình đã hai tuổi mà vẫn chưa biết nói, chị đưa con đi khám và sau đó bác sĩ nói rằng con của chị bị tự kỷ nặng. Lúc bấy giờ chị vẫn chưa biết bệnh tự kỷ là gì. Chị chỉ hình dung đó là tình trạng con bị khiếm khuyết khả năng nói. Hành trình chăm sóc và giúp đỡ con vượt qua bệnh tật cũng bắt đầu.

Chị đưa con đi gặp chuyên gia trị liệu về ngôn ngữ (speech therapist) để giúp con phát triển khả năng diễn đạt bằng lời nói.

Chị mang đến cho con niềm tin vào tôn giáo, để con có chỗ dựa tinh thần.

Chị dạy con lòng biết ơn mỗi khi được sự giúp đỡ. Chị cũng nói rằng con sinh ra ở Úc, được chính phủ tài trợ giúp đỡ về mọi mặt để con phát triển thành người bình thường, con cần biết ơn vì điều đó và phải cố gắng để khỏi bệnh.

Biết rằng hầu hết trẻ tự kỷ đều thiếu tự tin, cái gì cũng sợ, sợ người khác chọc ghẹo, chê cười..., chị đã gieo cho con niềm tự tin đầu tiên bằng cách cho con học đàn và động viên con biểu diễn trước toàn trường vào buổi chào cờ ngày thứ Hai đầu tháng. Chị nghĩ rằng khi con có thể biểu diễn thì con sẽ được bạn bè tôn trọng hơn.

“Khi con biểu diễn xong, chị thấy cả trường vỗ tay rần rần và con nhảy cẫng lên vì vui mừng, lúc đó chị đã khóc. Chị khóc vì chị biết con đã vượt qua mặc cảm thua kém mọi người, khi trước đó con không dám chơi với ai, chỉ rúc vào trong cõi riêng của con.”

Kết quả của việc gieo cho con niềm tự tin đầu tiên từ thời tiểu học, con của chị Hải được thầy cô, bạn bè quý mến hơn, con thích đến trường hơn.

Đó là thành quả bất ngờ sau nhiều nỗ lực của chị Hải. Bởi vì con của chị bị tự kỷ nặng, với những biểu hiện rất khác người bình thường.

Chị Hải giúp con khắc phục nỗi sợ hãi, căng thẳng và những cơn nóng giận bằng cách kiên nhẫn, dịu dàng với con, nhẹ nhàng khuyên bảo, giải thích và chỉ dẫn cho con.

“Mỗi lần con cảm thấy con bị nóng giận, trong lòng ức chế... thì con nên uống một ly nước, rồi con ra chỗ thoáng để hít thở, ngắm trời đẹp, hoa đẹp...chứ con nóng giận phá đồ đạc thì không giải quyết được gì.”

Mỗi khi mẹ dạy như vậy, con của chị ghi chú và dán trong phòng ngủ để con thường nhìn thấy và nhớ.

Mọi lúc mọi nơi chị đều luôn ân cần khuyên nhủ con, để có sự thay đổi cần cả một thời gian dài.

Hiện con của chị đã ngoài 30 tuổi, có cuộc sống độc lập,  tự tin, có thể tự lái xe, đi làm 3 ngày/tuần, và sắp tới có thể đi làm toàn thời gian.

Giờ đây chị đã có thể dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, tận hưởng cuộc sống vui vẻ mà chị nói rằng “mẹ vui thì con cũng vui.”
Chi Hai
Chị Hải (giữa) trong một tiết mục múa cùng nhóm Bách Việt. Source: Supplied_Ms Hai
Chị tham gia nhóm múa Bách Việt đi biểu diễn ở nhiều nơi, tham gia ca đoàn nhà thờ, thường xuyên gặp gỡ giao lưu với bạn bè. Mọi người xung quanh đều rất khâm phục năng lượng tích cực của chị.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi con bị tự kỷ với các phụ huynh có hoàn cảnh tương tự, chị Hải nói rằng cần cho con thấy lúc nào mình cũng quan tâm chăm sóc yêu thương con, hiểu con, nhẹ nhàng khuyên bảo con mỗi khi con mắc lỗi. Quan trọng nhất là chị luôn giữ cho mình sự lạc quan, dù hoàn cảnh khó khăn thế nào.

“Sức khỏe về mặt thể chất, tinh thần và tâm linh giống như kiềng 3 chân mới ổn. Cơ thể mình phải khỏe, phải đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, ăn uống điều độ, ngủ nghỉ đầy đủ, tinh thần phải lạc quan. Họp nhóm bạn bè cũng rất quan trọng, bạn nào làm cho mình vui thì mình tiếp xúc, ngược lại thì mình tránh. Về tâm linh thì mình có thể cầu nguyện theo tôn giáo của mình.”

Chị Hải cũng nói rằng chị luôn sẵn lòng chia sẻ những gì chị biết trong việc chăm sóc và dạy con bị tự kỷ. SBS Tiếng Việt sẵn sàng làm cầu nối giữa chị với các phụ huynh quan tâm.

Mời quý vị bấm vào biểu tượng Audio trong hình ở đầu bài để nghe toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn chị Hải.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share