Nuôi con ở Úc: Bảo vệ con khỏi nguy cơ bị xâm hại và bạo hành

home

Source: Pixabay

“Tất cả trẻ em đều có quyền được cảm thấy yên ổn và an toàn ở bất cứ nơi đâu, dù là ở nhà, ở trường học hay trong cộng đồng", theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ em. Thế nhưng ở đâu đó quanh chúng ta vẫn còn những câu chuyện thương tâm về ngược đãi hoặc xâm hại trẻ em. Mỗi lần nghe những chuyện như vậy, các bậc cha mẹ càng quan tâm hơn đến trách nhiệm chăm sóc và dạy con của mình.


Chị Phương và chồng đều là giáo viên ở Adelaide. Làm việc trong ngành giáo dục, anh chị thường xuyên được học hỏi những vấn đề liên quan đến trẻ em, từ đó tích lũy được nhiều kiến thức về chăm sóc nuôi dạy con. Và cũng nhờ tiếp xúc nhiều với trẻ em, chị nhận ra một điều là cả vợ và chồng đều đồng quan điểm nuôi dạy con thì sẽ thuận lợi hơn cho cả cha mẹ lẫn con cái.

Chia sẻ với SBS Việt Ngữ, chị Phương cho biết ngay từ lúc gửi con đi childcare, chị đã bắt đầu dạy con biết tự bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ bị bắt nạt. Khi đó con của chị vẫn chưa nói được nhiều tiếng Anh, chị chỉ dặn con chơi với bạn phải “lịch sự”. Khái niệm “lịch sự” này được bé hiểu đơn giản là “không xô đẩy hay đánh bạn”. Chị cũng dặn con nói "Stop it! I don't like it" và đi méc cô giáo mỗi khi con nhận thấy bạn làm điều gì không “lịch sự” với mình.  Đó là một ví dụ của việc chị dạy con không nên bắt nạt bạn và biết cách tự bảo vệ mình.

Giáo dục giới tính cho con theo lứa tuổi

Đến khi con vào tiểu học, chị Phương cho con dự các buổi học giáo dục giới tính. Lớp học này cần được phụ huynh ký tên đồng ý cho con tham gia. Trong các buổi đó các em được dạy cách gọi tên các bộ phận trên cơ thể người bằng thuật ngữ chính xác nhất chứ không dùng uyển ngữ. Đây cũng là cách giúp các em có thể kể lại sự việc một cách chính xác nhất nếu chẳng may xảy ra tình trạng bị xâm hại.

Đối với một số phụ huynh còn tâm lý ngại cho con học về giới tính khi con còn quá nhỏ, chị Phương nói rằng các buổi học về giới tính được tổ chức phù hợp theo lứa tuổi và rất có lợi cho trẻ. Các chuyên gia nghiên cứu đã kết luận rằng, nếu trẻ được dạy từ sớm thì có thể tự bảo vệ bản thân tốt hơn trước nguy cơ bị xâm hại.

Dạy con cách cư xử đúng mực

Để phòng tránh nguy cơ bạo lực ở bên ngoài, chị Phương dặn con khi ra đường phải biết tự bảo vệ mình trước, và trong trường hợp bị người khác bắt nạt thì phải biết kiềm chế, biết cư xử đúng mực để không xảy ra bạo lực.

Thường xuyên trò chuyện với con

Năm nay con của chị Phương đã bước vào tuổi thiếu niên, độ tuổi hầu hết các em đều trở nên ít nói ít bày tỏ với cha mẹ. Để tạo cơ hội cho con nói, mỗi khi đưa đón con đi học, chị thường hỏi “Hôm nay ở trường con có gì vui không?” Nhiều lúc câu trả lời của con chỉ là “Cũng như thường”, nhưng chị vẫn cố gắng hỏi han và quan sát để biết con có gặp vấn đề gì ở trường hay không.

Nói chuyện với thầy cô

Khi nhận thấy biểu hiện gì khác lạ ở con, chị Phương liên lạc với thầy cô của con ở trường để tìm hiểu xem con có gặp chuyện gì khó khăn hay không và có thể kịp thời hỗ trợ con giải quyết vấn đề.
“Theo kinh nghiệm mình thấy, cần có mối quan hệ ba chiều giữa cha mẹ - nhà trường - con cái.” – chị Phương chia sẻ.
Cha mẹ có thể dùng kỷ luật với con ở mức nào?

Có một số ý kiến cho rằng cha mẹ ở Úc không thể dùng kỷ luật nghiêm khắc với con, chẳng hạn như la mắng con lớn tiếng, vì chỉ cần hàng xóm nghe thấy thì phụ huynh có thể gặp rắc rối. Chị Phương cho rằng điều đó không hoàn toàn đúng, bởi vì “ở Úc mình vẫn có thể dùng kỷ luật nghiêm khắc, miễn là ở ‘mức độ vừa phải’, đó là mình dịch chữ ‘reasonable’ dùng trong luật”.

Nhưng la mắng lớn tiếng hay đánh con là có thể bị phiền phức không chỉ với hàng xóm mà còn với cả nhà trường. Nếu thầy cô giáo nghi ngờ một đứa trẻ có dấu hiệu đang bị bạo hành, cho dù về thể chất hay là tinh thần, họ bắt buộc phải trình báo với cơ quan chức năng. Cơ quan bảo vệ trẻ em sau khi nghe có người trình báo như vậy sẽ có quyết định tiếp theo.

Nói chung, ở Úc, không chỉ cha mẹ và nhà trường, mà cả cộng đồng và xã hội cũng có trách nhiệm giáo dục và bảo vệ trẻ em. Trẻ em được học cách tự bảo vệ bản thân trước các nguy cơ gây hại. Còn những người có trách nhiệm bảo vệ trẻ em thì phải biết cách bảo vệ và phải thực hiện hành động bảo vệ trẻ như được xã hội phân công.

Chia sẻ thêm với các phụ huynh về giáo dục và bảo vệ con trước những nguy cơ gây hại, chị Phương nói rằng “Con học làm người thì bố mẹ cũng phải học làm phụ huynh.” Đối với chị, việc học hỏi kinh nghiệm và tích lũy kiến thức nuôi dạy con là quá trình liên tục và lâu dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực của các bậc cha mẹ.

Mời quý vị bấm vào phần Audio để nghe toàn bộ nội dung cuộc trò chuyện với chị Mỹ Phương trong chương trình Nuôi con ở Úc. 

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share