Sống độc thân hoặc kết hôn muộn đang trở thành một xu hướng của giới trẻ hiện nay. Khoảng 29% trong số 60,000 người tham gia cuộc Khảo sát Quốc gia Australia Talks 2021 cho rằng hôn nhân là một điều lỗi thời mà họ không mong muốn, với tỷ lệ phụ nữ (33%) cảm thấy như vậy cao hơn so với nam giới (24%).
Nhìn nhận về xu hướng đang trở nên phổ biến này, chị Thu Hà, mẹ của một chàng trai ngoài 30 tuổi chưa lập gia đình, nói rằng chị nhận thấy cuộc sống độc thân ở tuổi trẻ rất thú vị. Bởi vì ít bị ràng buộc nên người độc thân có thể làm được rất nhiều điều họ thích. Nhưng cuộc sống độc thân khi lớn tuổi, khoảng từ 60 tuổi trở lên, thì không thú vị lắm. Vì thế, khi được các bạn trẻ hỏi ý kiến, chị thường nêu ra điểm mạnh và điểm yếu của cuộc sống độc thân và để cho các bạn tự lựa chọn cuộc sống mà mình mong muốn.
“Vì mình đã có tuổi, đã trải nghiệm cả cuộc sống gia đình và cuộc sống độc thân, mình có một số kinh nghiệm và mình muốn nói với các bạn trẻ là cuộc sống nào cũng có những giá trị riêng của nó, độc thân có giá trị của cuộc sống độc thân, cuộc sống gia đình có hạnh phúc riêng trong việc hi sinh chia sẻ.” – Chị Thu Hà cho biết.
Còn người mẹ của cô con gái ở tuổi hăm mà vẫn chưa nói gì đến chuyện yêu đương, chị Phương Trinh, nói rằng chuyện kết hôn cũng là do duyên số. Chị nghĩ nếu có duyên gặp người cùng chí hướng, có quan điểm tương đồng, có công việc ổn định thì mới nên tiến đến hôn nhân.
Chị Phương Trinh và hai con gái. Source: Phuong Trinh
“Hồi xưa người lớn sợ con bị ế nhưng bây giờ thì thanh niên có thể lập gia đình trễ và người ta chỉ lập gia đình khi cảm thấy có sự nghiệp vững vàng.” - Chị Phương Trinh nhận định.
Nhưng đối với một số người, cần một khoảng thời gian không ngắn để tìm được người hợp ý, nếu đợi đến lúc có công việc ổn định, tài chánh vững vàng mới tiến đến hôn nhân thì liệu có quá muộn? Nhất là phụ nữ khi qua độ tuổi sinh sản được giới khoa học khuyến cáo thì việc sinh con thực sự không dễ dàng.
Vậy cha mẹ có thể gợi ý con nghĩ đến chuyện hôn nhân ở độ tuổi nào?
Khi nghe con trai nói rằng đến lúc con học xong, có việc làm ổn định và chắc chắn có khả năng lo cho một gia đình thì con mới kết hôn, chị Thu Hà không hoàn toàn đồng ý với con. Chị cho biết:
“Việc học và kiếm tiền là việc cả đời. Đừng hi vọng khi mình có đầy đủ hết rồi mới lập gia đình, chỉ cần biết mình có một thái độ đúng đắn với cuộc sống gia đình là đủ.”
Chị cũng khuyên con nên kết hôn trong độ tuổi sinh sản, để có đứa con khỏe mạnh về mặt nhân chủng học và nhiều yếu tố khác.
Cha mẹ thời nay làm sao định hướng chuyện hôn nhân của con?
Muốn con chọn bạn đời theo một tiêu chuẩn nào đó chắc chắn là điều không dễ, bởi con có quan điểm, sở thích và nguyện vọng riêng. Người phù hợp với con chưa hẳn phù hợp với cha mẹ. Thế nhưng cha mẹ vẫn có thể gợi ý, tạo điều kiện cho con tìm hiểu, quen biết những người bạn có nền tảng giáo dục tốt chẳng hạn.
Chia sẻ về điều này, chị Phương Trinh nói rằng chị có gợi ý bằng cách phân tích, giải thích với con về một số tiêu chuẩn cần thiết để chọn bạn đời như có công việc ổn định để mang lại kinh tế cho gia đình. Chị cũng hướng con chọn bạn có hoàn cảnh tương đồng, chẳng hạn như thuộc gia đình trí thức, có việc làm, chăm chỉ, có định hướng trong cuộc sống. Chị nói rằng lúc đầu con có thể không nghe ý kiến của phụ huynh, nhưng chị vẫn nói nhiều lần để con hiểu mong muốn của mẹ và tiếp thu ý kiến của mẹ.
Chị Thu Hà cũng có một cách khéo léo để góp ý về bạn gái của con. Chị luôn đóng vai trò là một người mẹ ủng hộ con, sẵn sàng chào đón bạn của con về nhà dùng cơm, hoặc mời các con ra ngoài ăn. Đó là dịp để chị quan sát và nhận xét về bạn của con. Dù có những điều chưa hài lòng, chị vẫn không nói gì. Đến khi con hỏi ý kiến của mẹ thì chị nói lời khen trước, rồi mới nói những điểm mà con cần tìm hiểu thêm. Chị không phản đối mà chỉ nêu các điểm cần tìm hiểu thêm, từ đó con có thể tự tìm hiểu, nhận xét và quyết định phù hợp.Ngoài ra, chị Thu Hà cũng tạo cơ hội cho con gặp gỡ giao lưu với nhóm bạn mà chị biết. Chị hiểu rõ con trai của mình có tính hướng nội, ít cơ hội gặp gỡ bạn bè, trong khi chị thì có nhiều bạn có con cũng đồng trang lứa với con của chị. Vì thế chị thường rủ con dự các bữa tiệc của bạn bè chị, để con trai của chị và con của các bạn chị được gặp gỡ nhau trong môi lành mạnh.
Chị Thu Hà, một người mẹ luôn sẵn lòng chia sẻ cách tạo môi trường lành mạnh để con giao tiếp với bạn bè. Source: FB Sydney Di Ha
Nhưng làm thế nào để con đồng ý đi theo mẹ đến các bữa tiệc mà con không có ý định tham gia? Chị Thu Hà không bảo con hãy đi cùng để mẹ giới thiệu bạn, mà chị nhờ con đi theo để giúp mẹ làm một việc nào đó, ví dụ như nhờ con giúp chị chuẩn bị cho tiệc nướng. Khi được mẹ nhờ thì con sẽ sẵn lòng giúp, một điều để con tạo thiện cảm với mọi người. Và đó sẽ là dịp để con biết thêm nhiều người từ mối quan hệ của mẹ, có thêm cơ hội gặp gỡ các bạn cùng trang lứa.
Chị Thu Hà nói rằng nếu con tìm được một người bạn trong nhóm bạn mà chị gợi ý thì chị rất yên tâm, bởi vì chị biết rõ các bạn đó có nền tảng giáo dục tốt, và trong môi trường đó hi vọng con sẽ học hỏi được những điều hay. Chị nghĩ rằng tạo cơ hội để con giao tiếp với bạn tốt là tác động tích cực của cha mẹ đối với con mà không tạo áp lực cho con. Thiết nghĩ đó cũng là một cách khéo léo mà một số phụ huynh có thể áp dụng để định hướng cho con chọn bạn đời phù hợp.
Mời quý vị vào phần Audio để nghe toàn bộ cuộc trò chuyện thú vị với chị Thu Hà và chị Phương Trinh trong chương trình Nuôi con ở Úc.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại