Cách đây không lâu, chủ đề trường công hay trường tư của chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm của thính giả. Rõ ràng, việc chọn trường cho con luôn là bài toán và nỗi trăn trở với các bậc phụ huynh gốc Việt tại Úc, những người luôn đặt việc giáo dục cho con cái là ưu tiên hàng đầu.
SBS Vietnamese đã liên lạc với các bậc phụ huynh Việt, từ khắp các tiểu bang để lắng nghe họ chia sẻ câu chuyện chọn trường cho con và sẽ gửi đến quý thính giả trong loạt bài tiếp theo của tiết mục Nuôi con ở Úc.
Trong tuần này, mời quý vị cùng gặp gỡ với chị Lily Trương, đang sống ở Melbourne, một người mẹ có ba người con. Con gái đầu của chị Lily theo học một trường tư và hai con sau theo học trường đạo.
“Cha mẹ hãy cân nhắc khi chọn trường tư”
Với chị Lily Trương, việc cho con gái lớn vào học một ngôi trường tư của nữ là một “lựa chọn sai lầm”. Cô con gái đầu của chị năm nay đã 25 tuổi.
Là một người mẹ, chị đặt nhiều tâm tư vào con đường học vấn của con gái cả, với ước mong gửi gắm con vào “một môi trường giáo dục xuất sắc, có những người bạn tốt và các mối quan hệ xã hội rộng mở”.
Trước đó, chị Lily có ý định cho con vào học trường đạo ở gần nhà. Đây là ngôi trường giảng dạy từ vỡ lòng lên đến lớp 12, với hai cấp lớp. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, chị muốn con theo học một ngôi trường dành cho nữ giới nên quyết định gửi con vào trường tư dành riêng cho các em gái.
“Mình suy nghĩ lại và muốn con chỉ học trường cho nữ thôi. Vì mình lo lắng rằng con sẽ có bạn trai sớm”.
Tuy nhiên, những kinh nghiệm tại ngôi trường tư không hề như ý nguyện của gia đình. Theo mô tả của chị Lily Trương, môi trường học khiến cả mẹ và con đều áp lực.
“Trường thường xuyên gọi điện gây quỹ. Môi trường này toàn là những người giàu, những người có khả năng đều cho con vào đây học. Trong khi mình chỉ là một người mẹ bình thường đi làm, mình muốn cho con có nền giáo dục tốt nên vào đây. Học sinh của trường là con của bác sĩ, nha sĩ, những người có địa vị trong xã hội.
Đến khi con mình đi học, nó hết sức căng thẳng, còn mình thì cảm thấy tội nghiệp con mình.
Trường tư tổ chức rất nhiều tiệc tùng, sự kiện, phải sắm đồ có giá trị, đắt tiền. Trường tổ chức các chuyến đi du lịch nước ngoài với chi phí khoảng $5000.
Đa số bạn bè của con toàn là người da trắng, người Úc giàu có. Môi trường hết sức cạnh tranh, nhưng không phải cạnh tranh học, mà cạnh tranh về phong cách sống, mua sắm, quần áo.
Khi mình cho con học, mình không nghĩ đến những chuyện này. Nhưng vào môi trường này thì là một tầng lớp khác hẳn, tiệc tùng đủ thứ hết", chị Lily nói với SBS.
Chia sẻ với SBS Việt ngữ, chị Lily kể lại những ngày tháng vô cùng căng thẳng với hai mẹ con.
“Nếu mà con thua thì sẽ mất mặt với bạn bè. Con mình căng thẳng, rồi quay về nhà áp lực lên mình. Lúc đó mình rất thương con, mình lỡ đưa con vào môi trường đó rồi, mình phải ráng cho nó học.
Con mình muốn gì mình cũng cho hết, để con vui vẻ. Con mình thấy đứa bạn có đôi giày hiệu đó, mình phải mua hiệu đó. Con muốn mua hiệu khác đắt hơn, chứ không thể thua bạn.
Đồng phục trường tư rất đắt, thay đổi liên tục khiến mình chóng cả mặt. Nếu mình thuộc tầng lớp có địa vị thì không nói. Có một điều đáng chú ý là trường tư thường nhận một vài học sinh tuyển, trao học bổng để trường trở nên nổi tiếng.Lúc mình chọn trường cho con, mình chỉ nghĩ đến tiền trường thôi, nhưng còn rất nhiều khoản tiền phát sinh khác.
Môi trường hết sức cạnh tranh, nhưng không phải cạnh tranh học, mà cạnh tranh về phong cách sống, mua sắm, quần áo. Source: Pixabay
Mình phải mướn tutor dạy kèm cho con mình học, nhưng nó cũng không chịu học. Tốn tiền mà con không học thì mình đầu tư lỗ rồi.
Tiền học một năm là $17.000/ năm. Mình còn phải cho con tiền đi dự tiệc. Trường tư mở ra rất nhiều tiệc tùng, sự kiện, như sinh nhật, phải sắm đồ có giá trị, đắt tiền.
Trường tổ chức các chuyến đi du lịch nước ngoài với chi phí khoảng $5000, mình cho con tiền mang theo tiêu xài khoảng $7000. Mình bằng lòng với khoản phí này. Dù học trường đạo hay trường tư, mình vẫn muốn cho con đi ngoại khóa để con mở mang, học thêm nhiều kiến thức, ra thế giới bên ngoài”, chị Lily kể lại với SBS.
Đến lớp 10 thì con gái lớn của chị đòi chuyển qua trường khác, chị vô cùng lo lắng và tiếc nuối. Những ký ức không mấy vui vẻ được chị kể lại với SBS.
“Mình nói con sắp thi VCE rồi, qua trường khác thì rất tội nghiệp cho con, con phải bắt đầu lại từ đầu, rồi bạn bè mới".
Chị Lily không còn cách nào khác ngoài động viên con tiếp tục, cố gắng học: “Mẹ đi với con bao nhiêu năm rồi, con cố gắng học đi..."
Theo chị Lily, số tiền đầu tư cho con học trường tư là một bài toán thua lỗ nếu so với việc mua bất động sản.
"Trường đạo - lựa chọn đúng với gia đình tôi"
Từ kinh nghiệm của con gái đầu, chị Lily Trương quyết tâm cho người con thứ hai vào một ngôi trường đạo gần nhà, mặc dù trước đó đã đóng tiền thế chân cho cô con gái thứ hai vào học trường tư giống con đầu. Cầm trên tay kết quả VCE của con gái, chị thay đổi quyết định.
“Mới đầu, con gái thứ hai của mình rất khó chịu. Con nói tại sao mẹ lo cho chị học trường tư, mà mẹ không cho con học. Con gái mình đấu tranh dữ lắm. Nhưng mình nghĩ học trường tư mà kết quả VCE lại không bằng các bạn học trường công, không đáng.Rồi mình giúp con bình tĩnh vào học ngôi trường đạo. Kết quả VCE năm vừa rồi của con thật xuất sắc, con gái thứ hai của mình đang theo học cử nhân Luật, bắt đầu tuần học thứ hai tại đại học.
Nếu con cái có khả năng, thì hãy cho con tự thi vào trường tuyển. Đó là điều mình vẫn nói với các cha mẹ khác. Source: Pixabay
Điều mình muốn nói là trường tư hay đạo không quan trọng, quan trọng là con có nắm bắt cơ hội để học hay không.
Nếu con muốn học, thì trường nào cũng sẽ học. Đứa thứ ba của mình cũng học trường đạo.
Nếu con cái có khả năng, thì hãy cho con tự thi vào trường tuyển. Đó là điều mình vẫn nói với các cha mẹ khác.
Chị Lily chia sẻ trường đạo có rất ít tiệc tùng, trường tập trung vào việc giáo dục đạo đức
“Đứa thứ hai của mình rất khiêm nhường, thương người, đồng cảm với người da đen, thể hiện sự xúc động khi xem các bộ phim và luôn nghĩ đến sự công bằng. Có lẽ trường đạo dạy cho con nhiều giá trị tốt đẹp.Khi con mình sống trong nhóm trung lưu, nhóm thu nhập trung bình trong xã hội, con sẽ biết sống như thế nào, thương người, sống đến đâu thì dừng lại, không đòi hơn. Con biết mình phải cố gắng học. Những bạn bè của con mình rất dễ thương. Trong khi cô lớn có mấy đứa bạn Tây đến nhà mình không vừa ý được ai.
"Nếu như mình không phải là một người có địa vị cao trong xã hội, hãy nghĩ lại việc cho con học trường tư". Source: Pixabay
Cho đến giờ con đầu của mình vẫn rất sang trọng, thích gì thì mua, tiền không quan trọng, không thích thì vứt đi. Mình đã đưa con vào môt môi trường sai lầm và hối tiếc. Nếu thời gian quay lại, mình sẽ không cho con vào trường tư”.
Chị Lily chia sẻ chị theo đạo Phật và ăn chay trường, tuy nhiên chị vẫn tin tưởng những giá trị đạo đức mà trường công giáo mang lại cho con của mình
Khi con mình sống trong nhóm thu nhập trung bình trong xã hội, con biết sống như thế nào cho phải, sống đến đâu thì dừng lại, không đòi hơn.
“Từ nhỏ đến lớn con gái thứ hai của mình đều học trường đạo. Mình may mắn có nhà ở trong khu vực có trường đạo. Học không hề tốn kém nhưng con gái của mình rất thành công.
Trường không chỉ chú trọng dạy giáo lý mà tập trung vào các môn học căn bản theo hệ thống giáo dục Úc, cũng không ép buộc con theo đạo hay rước lễ.
Nếu như mình không phải là một người có địa vị cao trong xã hội, hãy nghĩ lại việc cho con học trường tư. Hãy suy nghĩ về việc cho con học trường tư, nếu như quý vị không thật sự giàu có”, chị LiLy nói với SBS.
Chị Lily Truong, nhân vật chia sẻ kinh nghiệm với SBS. Source: Supplied
Mời quý thính giả nhấn vào audio để nghe phỏng vấn với khách mời Lily Trương.
Tấm lòng, ước mơ, và hy vọng của cha mẹ cho con cái là vô giá. Mỗi phụ huynh chắc chắn có những kinh nghiệm khác nhau. Có thể kinh nghiệm và suy nghĩ của quý vị sẽ khác với chị Lily Truong, nhưng tin chắc đây là tấm lòng quý giá của người làm mẹ, và cũng là một góc nhìn để chúng ta cùng bàn luận, hội thoại, chia sẻ để học hỏi trong hành trình làm cha mẹ và nuôi dạy con cái tại Úc.
Trong tuần sau, chúng tôi tiếp tục mời các phụ huynh ở Tây Úc, Nam Úc chia sẻ kinh nghiệm của họ về hệ thống giáo dục tại các tiểu bang này. Mời quý thính giả tiếp tục đón nghe.
Nếu quý vị muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình với các phụ huynh khác, gửi tin nhắn cho , hoặc email [email protected]