Học kèm: giải pháp bắt buộc
Các trung tâm học thêm mọc lên dày đặc ở những khu người Việt sinh sống tại Sydney hay Melbourne như Sringvale, St Albans, Cabramatta, Bankstown, Marrickville đa phần phục vụ cho con em của các gia đình gốc Việt.
Luật sư Đức Minh từ Sydney chia sẻ xu hướng cho con học kèm gia sư không chỉ bắt đầu trong thời gian gần đây, mà là một tâm thế mà các bậc phụ huynh gốc Việt đã mang đến Úc trong hành trình định cư và tị nạn.
“Người Việt chúng ta ảnh hưởng nhiều bởi các tư tưởng phong kiến như Lão tử, Khổng tử, nơi cuộc sống còn nghèo khó, do đó học vấn được coi là con đường duy nhất để thoát nghèo. Thêm vào đó, xã hội thường coi trọng những người có học. Do đó hầu hết người Việt đều ước mong cha mẹ không học được thì con phải học hành thành tài, giỏi hơn mình”.
Khi học vấn được cho là con đường dẫn tới điều kiện kinh tế khá giả và địa vị xã hội, nhiều cha mẹ Việt tại Úc làm việc vất vả tại hãng xưởng, công ty, nhiều gia đình cả hai vợ chồng cùng làm việc toàn thời gian để gửi con đến các lớp học thêm hay gia sư dạy kèm.
Trẻ em trong các gia đình Việt thường sống dưới áp lực vô hình về văn hóa, xuất phát từ tình cảm của con cái với cha mẹ. Chúng cảm thấy cha mẹ trông đợi vào mình quá nhiều, vì thương cha mẹ nên phải học để làm vừa lòng cha mẹ.
Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ thuộc nguồn gốc tị nạn không có trình độ về Anh ngữ và hiểu biết về chương trình giáo dục của Úc, đành phó thác con cho các trung tâm dạy kèm.
“Đưa con đi học thêm trở thành giải pháp bắt buộc, không còn cách nào hơn. Đây là sự khác biệt căn bản với các bậc phụ huynh người Úc bản xứ. Họ cũng đưa con đi học thêm, nhưng là các môn nghệ thuật, năng khiếu, thể thao. Trong khi đó, tiếng Anh, Toán, Khoa học là những môn học chủ lực mà các học trò gốc Việt thường được dạy kèm ngoài giờ học”, luật sư Minh nói với SBS.
Luật sư Đức Minh chia sẻ gia đình của ông sống trong một khu vực có hơn 90% người Úc bản xứ, do đó ông chịu ảnh hưởng và chia sẻ quan điểm giáo dục của họ
“Hai cô con gái của tôi được khuyến khích học võ, học đàn, học bơi từ nhỏ. Chúng tôi muốn con phát triển tự nhiên và lựa chọn con đường học vấn của mình”.Thế nhưng chính luật sư Đức Minh sau đó vô cùng bất ngờ, khi chính hai cô con gái đề nghị cha mẹ cho học thêm Toán và tiếng Anh.
Tiếng Anh, Toán, Khoa học là những môn học chủ lực mà các học trò gốc Việt thường được dạy kèm ngoài giờ học. Source: Getty
“Khi còn học cấp 2, con gái lớn của tôi thích chơi hơn thích học. Nhưng khi vào cấp 3, cháu lại tỏ ra ham thích việc học tập. Chính con là người thảo luận với cha mẹ cho học thêm môn writing (viết tiếng Anh) và problem solving math, vốn là một dạng toán cao cấp đòi hỏi nhiều kỹ năng giải quyết và xử lý vấn đề, hơn là giải toán đố đơn thuần.
Bản thân tôi là người dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ Hai, các kỹ năng về toán được học tại Việt Nam cũng chỉ dùng để làm tính. Do đó, việc cho con đi học thêm là điều cần thiết”.
Học vì thương cha thương mẹ
Tuy nhiên, việc con cái được lựa chọn không phải là đáp án chung cho tất cả các gia đình gốc Việt. Theo luật sư Đức Minh, hầu hết các em chịu áp lực từ phụ huynh.
“Trẻ em trong các gia đình Việt thường sống dưới áp lực vô hình về văn hóa, xuất phát từ tình cảm của con cái với cha mẹ. Chúng cảm thấy cha mẹ trông đợi vào mình quá nhiều, vì thương cha mẹ nên phải học để làm vừa lòng cha mẹ.
Các con có ít lựa chọn. Bị điểm B thì cha mẹ nói con không thương mẹ à. Con thương cha thì con phải học. Con không muốn lao động tay chân như ba mẹ thì phải học.
Tôi chứng kiến các em học sinh gốc Á Châu rất cạnh tranh và thi đua học tập. Các em học sinh bản xứ đi học về là vất cặp chạy ra sân banh, nhưng các em gốc Việt là ngồi ngay vào bàn để làm bài tập, thậm chí còn mua thêm sách nâng cao về làm them", luật sư Minh chia sẻ.
Chi phí cho các lớp học thêm như vậy không hề rẻ, tùy theo số lượng người trong một nhóm mà có thể lên đến $60-$80 một giờ. Đây có thể là gánh nặng tài chính với khá nhiều phụ huynh, chưa kể đến việc dành thời gian đưa đón con đến các lớp học kèm sau giờ học.
Mỗi gia đình sẽ có lựa chọn riêng của mình. Một số trẻ có kết quả học tập chậm hơn các bạn, có thể sẽ tự tin hơn khi được kèm cặp và hướng dẫn riêng. Hoặc có những lớp học chuyên luyện vào trường tuyển, mà không theo học thì khó mà đậu được.Tuy nhiên, theo luật sư Đức Minh thì cha mẹ nên cân nhắc xem học thêm có thật sự hiệu quả hoặc cần thiết không nếu con có dấu hiệu mệt mỏi vì phải học quá nhiều, thiếu các kỹ năng xã hội, cần được rèn luyện thêm vể giao tiếp, vốn rất quan trọng trong cuộc sống.
Kết quả học tập trong nhà trường không quyết định sự thành công trong tương lai của trẻ. Source: AAP
“Kết quả học tập trong nhà trường không quyết định sự thành công trong tương lai của trẻ, sự thành công học thuật chưa bảo đảm con sẽ có cuộc sống hạnh phúc.
Luật sư Đức Minh cho rằng giúp con có cuộc sống hạnh phúc quan trọng hơn là theo đuổi các thành tích học thuật.
“Nếu cha mẹ có nhiều tiền, mà con không hạnh phúc, tiền đó để làm gì”, luật sư Minh đặt câu hỏi.
Mời quý thính giả nghe phần phỏng vấn với luật sư Đức Minh trong audio.