Nuôi con ở Úc: Nuôi bốn con không cần tốn kém

Gia đình của chị Nhật Nguyên, một người mẹ có 4 con đang sống tại Melbourne.

Gia đình của chị Nhật Nguyên, một người mẹ có 4 con đang sống tại Melbourne. Source: Nhật Nguyên

Làm cách nào để tiền sữa 0 đồng, tiền tã 0 đồng? Chị Nhật Nguyên, một mẹ Việt có 4 con nhỏ sống tại Melbourne chia sẻ có những khoản chi phí có thể giảm thiểu được hoặc không cần đầu tư khi chào đón đứa con đầu lòng.


Đào Vũ Nhật Nguyên tốt nghiệp chuyên ngành y tá, hiện là thông dịch viên và biên dịch viên NAATI trong lĩnh vực y tế.

Cô là chuyên viên tư vấn về sữa mẹ được cấp bằng và có kinh nghiệm 10 năm làm việc cho Hiệp hội Nuôi con bằng sữa mẹ Úc (Australian Breastfeeding Association), giúp đỡ hàng ngàn người mẹ tại Úc gặp khó khăn trong việc nuôi con và cho con bú sữa mẹ.

Nhật Nguyên còn là một trong những người điều hành Nhóm betibuti với hơn 250 ngàn thành viên, một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ.

Cô sáng lập và chia sẻ các kiến thức về việc nuôi con và kinh nghiệm làm mẹ tại Úc trên trang webcuame.com.


Hãy dành thời gian, tâm huyết, đừng tốn tiền bạc

Ngoài việc biên phiên dịch và tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, công việc chiếm phần lớn thời gian của chị Đào Vũ Nhật Nguyên (sinh sống tại Melbourne) là chăm sóc và nuôi dạy 4 cậu con trai.

Nhà đông con với các bé Rơm, Ron, Rô và Roy ở 4 độ tuổi khác nhau từ 2 đến 12 tuổi, nhưng việc này chưa bao giờ là gánh nặng kinh tế với gia đình chị Nguyên.

Khi mang thai, ngoài việc lên kế hoạch sinh con khỏe mạnh và nuôi dạy con nên người, chi phí nuôi con trong những năm đầu đời là điều cha mẹ nào cũng quan tâm.

Cụm từ “mẹ bỉm sữa” được dùng để gọi những bà mẹ có con sơ sinh nhấn mạnh hai yếu tố chiếm nhiều tiền bạc và cũng là nhu cầu quan trọng nhất với trẻ nhũ nhi: sữa và tã. Khác với nhiều bà mẹ trẻ khác khi nuôi con nhỏ sẽ phải tốn kém một khoản tiền lớn hàng tháng cho khoản này, chị Nhật Nguyên chia sẻ chị chỉ mất thời gian chăm sóc con.

Bà mẹ bốn con cho biết đây là 2 chi phí chị không phải lo nghĩ nhiều nhất. Theo chị, muốn con có một tuổi thơ thật đẹp, hãy tận tụy hướng dẫn con trong những năm đầu đời và đầu tư nhiều thời gian, tâm huyết chứ đừng tốn tiền bạc.

Nuôi con bằng sữa mẹ

Đây được xem là cách tiết kiệm nhất mà đem lại hiệu quả cao nhất. Sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng thiết yếu, hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của bé. Các bé được bú sữa mẹ sẽ tăng sức đề kháng và phát triển một cách toàn diện.

Việc cho con bú có thể tiết kiệm tiền sữa, mà còn có nhiều tác dụng với các loại bệnh con hay gặp (như dị ứng, eczema, đường tiêu hóa). Từ đó sẽ tiết kiệm được tiền mua kem dưỡng, thuốc bôi. Chi phí này thực tế là không nhỏ với các gia đình có con nhỏ.
Là một chuyên viên tư vấn về sữa mẹ tại Úc, mình biết rằng cộng đồng người Việt nằm trong nhóm nhập cư có tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp nhất. Dẫu rằng nuôi con bằng sữa mẹ là điều hết sức tự nhiên, nhưng là một kỹ năng cũng cần phải học, phải trang bị.
“Nhiều người tốn rất nhiều tiền cho sữa công thức. Là một tư vấn viên về sữa mẹ tại Úc, mình biết rằng cộng đồng người Việt nằm trong nhóm nhập cư có tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp nhất.

Dẫu rằng nuôi con bằng sữa mẹ là điều hết sức tự nhiên, nhưng là một kỹ năng cũng cần phải học, phải trang bị kiến thức”, chị Nguyên chia sẻ.

Điều này thúc đẩy Nhật Nguyên trở thành tư vấn viên về sữa mẹ nói tiếng Việt đầu tiên của . Chị Nguyên chia sẻ kinh nghiệm lần đầu tiên một mình tư vấn trực tiếp qua đường dây trợ giúp helpline cho một mẹ Việt gặp khó khăn cho con bú. Dẫu là người giúp đỡ cho người mẹ khác có kinh nghiệm nuôi con tốt hơn, nhưng chính chị Nhật Nguyên lại cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi được tiếp thêm sức mạnh trên con đường mình đã chọn.
Bốn anh em Rơm, Ron, Rô và Roy.
Bốn anh em Rơm, Ron, Rô và Roy. Source: Webcuame
“Mình muốn đem ngôn ngữ của mình giúp ích cho cộng đồng. Tiếng Anh của người mẹ gọi điện đến đường dây trợ giúp rất hạn chế nhưng bạn vẫn dám hỏi. Khi mình hỏi ngôn ngữ bạn ấy nói tại nhà là gì, bạn trả lời là tiếng Việt. Mình thấy hạnh phúc vỡ òa khi có thể giúp người mẹ ấy bằng chính ngôn ngữ của mình. Rõ ràng trong cộng đồng người Việt của chúng ta vẫn có rất nhiều người mẹ cầu tiến, không ngại hỏi để được nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách, tìm được sự trợ giúp phù hợp”, chị Nguyên nhớ lại.

Tiền sữa: 0 đồng

Trong khi nhiều người mẹ chuẩn bị sinh con dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu mua loại cũi nào, tã nào tốt cho con, thậm chí mua sẵn một hộp sữa công thức để dành phòng khi không có sữa, chị Nhật Nguyên chia sẻ một cách tiếp cận khác sẽ dẫn đến việc nuôi con hoàn toàn khác.

“Các mẹ chuẩn bị quần áo, thậm chí một cái phòng riêng cho con, mà không nghĩ mình cần trang bị kiến thức gì. Nếu như mình đổi câu hỏi thành tôi cần làm gì nếu không có sữa, liên hệ ai để tìm sự giúp đỡ, thay vì mua sẵn một hộp sữa công thức, thì cách mình đi sẽ khác.

Mình khuyến khích và thiết tha đề nghị các mẹ khi chào đón đứa con đầu đời, hãy chuẩn bị hành trang tốt nhất chính là kiến thức, sự giáo dục. Thay vì tìm mua loại sữa này sữa kia, hãy tìm nguồn giúp đỡ để nuôi con bằng sữa mẹ”.

Một người mẹ nuôi con bằng sữa công thức có thể tốn khoảng $300-$400 một tháng. Một hộp sữa công thức có giá khoảng $30, nhưng không hề dễ kiếm, nếu con của bạn chỉ quen uống một loại sữa khan hiếm hoặc ít sản xuất.

Thời gian chính là tiền bạc, hãy ôm con

“Bạn có thể tìm đến một người mẹ đã nuôi con bằng sữa mẹ thành công để hỏi thăm và nhờ giúp đỡ khi cần.

Những chi phí không đáng đầu tư như tiền mua máy hút sữa, bình sữa. Những công cụ này khiến người mẹ có xu hướng đong đếm lượng sữa cho con bú một cách không cần thiết.

Máy hút sữa còn có một biệt danh là máy tắc sữa, khiến nhiều người mẹ viêm tuyến sữa và từ bỏ việc nuôi con bằng sữa mẹ. Cơ chế của máy hút sữa khác với cơ chế của bé bú mẹ trực tiếp, vừa tạo thêm việc cho người mẹ vừa gây thêm áp lực”, chị Nguyên chia sẻ với SBS.
Những chi phí không đáng đầu tư như tiền mua máy hút sữa, bình sữa. Những công cụ này khiến người mẹ có xu hướng đong đếm lượng sữa cho con bú một cách không cần thiết
Theo chị Nhật Nguyên, thời gian hút sữa, đong đếm, cảm thấy áp lực khi nhìn sữa không giống như mình mong đợi, thì các mẹ hãy dành để ôm con.

“Sự căng thẳng là kẻ thù lớn của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Khi ôm con vào lòng, stress hormone giảm đi, việc thoải mái thư giãn giúp sữa tiết ra nhiều hơn, mẹ và con gắn kết hơn.

Thời gian bên con rất quý báu. Mình có 4 đứa con rồi mà vẫn rất ghiền mùi trẻ sơ sinh. Con lớn rồi mình lại thấy quý thời gian khi con còn nhỏ”.

Hội sữa mẹ Úc cung cấp nguồn trợ giúp miễn phí hoặc các mẹ có thể liên hệ trực tiếp với chị Nhật Nguyên.

“Với tấm lòng của một người mẹ, mình sẵn sàng trợ giúp cho những mẹ nào muốn nuôi con bằng sữa mẹ nhưng gặp khó khăn. Mình có những kỹ thuật để giúp các mẹ, như việc cho con bú đủ bú no đòi hỏi khớp ngậm phải đúng để không bị đau…”
Chị Nhật Nguyên chia sẻ dùng tả vãi vừa tiết kiệm chi phí lại không tạo gánh nặng cho môi trường
Chị Nhật Nguyên chia sẻ dùng tả vãi vừa tiết kiệm chi phí lại không tạo gánh nặng cho môi trường Source: Nhật Nguyên
Tiền tã: 0 đồng

Mua tã giấy sử dụng một lần là khoản chi có thể móc túi cha mẹ khoảng $1500-$2000 trong năm đầu đời của con. Đó là chưa kể một số bé còn dị ứng với tã giấy và thường xuyên bị hăm tã vì cảm giác bí bách khi phải mặc tã giấy cả ngày.

“Mình dùng tã vải cho bé thứ tư và cảm thấy rất tiếc nuối vì đã không dùng sớm hơn từ bé đầu tiên. Trước đó mình nghe nói rất nhiều về tả vãi, mình sử dụng trước tiên vì tò mò, nhưng rồi sau đó thấy thích quá và tự may tã cho con. Đối với tã vải mình chỉ cần thay cho con thoải mái rồi giặt.”

Chị Nhật Nguyên sáng lập ra nhóm Chung tay sử dụng tã vải trên Facebook như một cộng đồng tiến bộ để khuyến khích và lan tỏa thói quen sử dụng tả vãi cho con với các mẹ Việt.

“Sử dụng tã vải vừa tiết kiệm, lại không tạo gánh nặng cho môi trường. Việt Nam chưa có thói quen này như các nước đang phát triển.

Nhiều người nói rằng xài tã vải tốn công, mất vệ sinh, nhưng khi tạo thành thói quen, mình thấy không hề tốn thời gian như mọi người tưởng”, chị Nhật Nguyên nói với SBS.

Tả vãi thường an toàn cho làn da non nớt của con, sạch sẽ, thoáng mát, trẻ không bị phát ban hay ngứa ngáy.
Bộ sưu tập tã vải chị Nhật Nguyên may cho con và tặng các mẹ khác.
Bộ sưu tập tã vải chị Nhật Nguyên may cho con và tặng các mẹ khác. Source: Nhật Nguyên
Tiền giữ trẻ: 0 đồng

Chị Nhật Nguyên chọn ở nhà nuôi dạy và chăm con trong những năm tháng đầu đời. Các con của chị chỉ bắt đầu đi nhà trẻ từ 2 tuổi. Với chị đây là cách để tiết kiệm chi phí gửi con và có thời gian theo sát con trong những năm đầu đời.

“Nhiều người mẹ cảm thấy thiếu tự tin khi phải ở nhà, họ phải gửi con sớm để đi làm vì nghĩ rằng đi làm và kiếm ra tiền làm mình có giá trị.

Nhưng mình suy nghĩ khác, mình cho rằng những năm đầu đời của con trôi qua rất nhanh. Mình quý trọng những năm tháng đầu tiên của con.

Việc con ở nhà với mẹ giúp con phát triển ngôn ngữ rất tốt. Mình nhận được nhiều lời khen khi con giỏi tiếng Việt, vốn từ vựng phong phú, thoải mái nói tiếng Việt với ông bà ở Việt Nam”.

Những khoản tiền nên "chi mạnh tay"

Đối với chị Nhật Nguyên, những chuyến đi chơi xa trong ngày, qua các tiểu bang khác hay những bữa ăn trong nhà hàng cùng các con là khoản chi phí mà chị sẽ “chi mạnh tay”.

"Mình sẽ không tiếc tiền để các con được thưởng thức các nền ẩm thực khác ở nhà hàng Nhật hay các nhà hàng Tây, tức là những món ăn khác với các món con ăn ở nhà."

Đây là những kinh nghiệm, vốn sống quý báu cho các con. Cả gia đình mình cùng nhau đi núi tuyết, lái xe từ Melbourne đi Queensland, mình giải thích cho con múi giờ khác nhau, lá cây đổi màu như thế nào. Các con mình rất hạnh phúc và đây là những kỷ niệm không thể nào quên được”.

Mời quý thính giả nhấn vào audio để nghe phần phỏng vấn với khách mời Đào Vũ Nhật Nguyên.

Share