Sau cuộc điều tra bắt đầu cách đây 5 năm, Chánh Công Tố của Tòa án Hình sự Quốc tế đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ đối với nhà lãnh đạo quân sự Myanmar.
"Đây là đơn xin lệnh bắt giữ đầu tiên, đối với một viên chức cao cấp của chính phủ Myanmar, mà văn phòng của tôi đang nộp và sẽ có thêm nhiều đơn khác nữa”, Karim Khan.
Được biết Chánh Công tố Karim Khan nói rằng, văn phòng của ông đã điều tra các tội ác bị cáo buộc trong làn sóng bạo lực năm 2016 và 2017, tại bang Rakhine ở Myanmar và cuộc di cư sau đó của người Rohingya, từ Myanmar sang Bangladesh.
Các cuộc tấn công vào người Rohingya bắt đầu vào năm 2017, sau khi các chiến binh Rohingya tấn công hơn 30 đồn cảnh sát ở Myanmar.
Ông Khan cho biết, sau khi xem xét cẩn thận các bằng chứng thu thập được, văn phòng của ông đã đi đến kết luận này.
"Có căn cứ hợp lý để tin rằng, vị tướng lãnh cao cấp và là quyền Tổng Thống Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng quốc phòng Myanmar, phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội ác chống lại loài người, là trục xuất và đàn áp người Rohingya đã gây ra ở Myanmar và một số vùng của Bangladesh, từ ngày 25 tháng 8 năm 2017 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, do các thành viên của Lực lượng vũ trang Myanmar, Tatmadaw, được cảnh sát, cảnh sát biên phòng cũng như thường dân, không phải người Rohingya hỗ trợ”, Karim Khan.
Được biết các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc trước đây, đã mô tả những sự kiện này là một ví dụ điển hình về thanh trừng sắc tộc.
Họ cáo buộc binh lính, cảnh sát và cư dân theo đạo Phật, đã đốt cháy hàng trăm ngôi làng ở bang Rakhine xa xôi phía tây Myanmar, tra tấn cư dân, thực hiện các vụ giết người hàng loạt và hãm hiếp tập thể, khi gần một triệu người phải bỏ chạy.
Trong khi đó một Hội đồng gồm 3 thẩm phán của Tòa án Hình sự Quốc tế, hiện phải ra phán quyết về yêu cầu của ông Karim Khan.
Trong nhiều năm, người ta cho rằng khó có khả năng xảy ra một vụ truy tố, vì Myanmar không phải là bên ký kết Tòa án Hình sự Quốc tế và trong một email gửi cho hãng thông tấn Reuters, chính quyền quân sự Myanmar cho biết họ không công nhận các tuyên bố của ICC, vì họ không phải là thành viên của ICC.
Bộ thông tin nước nầy bổ sung rằng, Myanmar có chính sách đối ngoại tự do, không thiên vị và chung sống hòa bình với các quốc gia khác.
Thế nhưng các công tố viên tại ICC đã đánh giá lại vụ án và vào năm 2018 đã quyết định rằng, vì một số tội ác bị cáo buộc cũng xảy ra ở Bangladesh nên có căn cứ để khởi kiện.
Hầu hết những người tị nạn hiện sống trong cảnh tồi tàn, tại các trại tị nạn ở Bangladesh.
Người tị nạn Rohingya 52 tuổi là Mohammed Alam, hoan nghênh viễn cảnh nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar bị đưa ra tòa.
"Người đứng đầu quân đội Myanmar, người mà ICC muốn ban hành lệnh bắt giữ, là lý do khiến chúng tôi, tất cả những người tị nạn Rohingya phải đến đây, đến Bangladesh, rời bỏ quê hương và sống trong những túp lều làm bằng bạt".
"Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể trở về đất nước của mình, sau khi ông ta bị bắt".
"Vì vậy, tôi rất vui về điều đó”, Mohammed Alam.
Người họ hàng và cũng là người tị nạn của ông là Shomsu Alam cũng có cảm nghĩ như vậy.
“Đã khá lâu kể từ khi vụ án được đệ trình lên ICC và chúng tôi, với tư cách là một trong những cộng đồng bị đàn áp nhiều nhất ở Myanmar, không thể tự an ủi mình về lý do, tại sao công lý vẫn chưa được thực thi và chúng tôi nghĩ rằng ICC đã từ bỏ vụ án này".
"Sau một thời gian rất dài, ngày nay ICC đang nỗ lực thực thi công lý cho chúng tôi, trước quân đội đã phạm tội diệt chủng đối với chúng tôi, chúng tôi vô cùng biết ơn ICC vì điều này”, Shomsu Alam.
Được biết Lãnh đạo quân đội Myanmar đã nắm quyền từ nhà lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi, trong một cuộc đảo chính vào năm 2021.
Việc nầy đã gây ra sự gia tăng chiến đấu với các lực lượng dân quân vũ trang lâu đời, do các nhóm dân tộc thiểu số của Myanmar tổ chức tại các khu vực biên giới, những nhóm đã đấu tranh trong nhiều thập niên để giành thêm quyền tự chủ.
Năm 2022, Tòa án Công lý Quốc tế, tòa án cao nhất của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một vụ kiện riêng chống lại Myanmar do Gambia đệ trình, cáo buộc quốc gia Đông Nam Á này chịu trách nhiệm về tội diệt chủng đối với người Rohingya.
Có 5 quốc gia châu Âu và Canada, đã yêu cầu tòa án ủng hộ Gambia trong tiến trình tố tụng.