Nghiên cứu mới hứa hẹn bước đột phá trong vắc xin ngừa cúm

flu vaccine

Source: Getty / Getty Images

Một nghiên cứu quan trọng, do Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty dẫn đầu, đã xác định được các phần không thay đổi của siêu vi khuẩn cúm B, từ đó đưa ra mục tiêu đầy hứa hẹn về loại vắc-xin có thể ngừa mọi dạng cúm B. Trong khi đó, giới chức y tế tiếp tục khuyến cáo việc tiêm phòng cho mùa cúm năm nay.


Một nhóm các nhà khoa học, dẫn đầu là Giáo sư Katherine Kedzierska, Trưởng Phòng thí nghiệm tế bào T ở người, tại Viện Doherty, đã xác định được 9 điểm tương đồng mới giữa các loại siêu vi cúm B khác nhau.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications hôm 29/4, tập trung vào các tế bào T CD8+, đóng vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch chống siêu vi, khám phá ra cách tế bào này nhắm mục tiêu vào siêu vi cúm B để chống nhiễm trùng.

Tiến sĩ Carolien van de Sandt từ Đại học Melbourne, là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Doherty và đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết nghiên cứu này cung cấp những hiểu biết có giá trị về phản ứng miễn dịch liên quan đến tuổi tác đối với siêu vi cúm B.

Tiến sĩ van de Sandt cho biết, nghiên cứu cũng cho thấy trẻ em có nguy cơ mắc bệnh cúm B cao hơn người lớn và người già.

Giáo sư Kedzierska giải thích rằng nghiên cứu này có ý nghĩa lâm sàng quan trọng, và là bước đầu tiên hướng tới việc phát triển vắc-xin mới ngừa cúm B nhằm làm giảm đáng kể các trường hợp bệnh nặng và tử vong do cúm B, đặc biệt là ở trẻ em, đồng thời giảm bớt gánh nặng của dịch cúm theo mùa.

Các nhà chức trách đã ghi nhận 42.000 trường hợp mắc cúm được xác nhận ở Úc tính đến năm 2024 và hơn 289.000 trường hợp vào năm 2023.

Hiện tại, thuốc ngừa cúm được khuyến cáo cần phải cập nhật hàng năm do sự đột biến của siêu vi khuẩn, và thuốc ngừa cúm cho mùa đông năm nay đã có sẵn.

Bác sĩ Eric Hưng Trần từ Sydney giải thích tầm quan trọng của việc tiêm phòng cúm hàng năm:

"Bất cứ ai ở trên hành tinh này mà từ 6 tháng tuổi trở lên đều nên chích ngừa cúm vào mỗi độ đông về. Chích ngừa cúm là cách phòng ngừa cúm một cách hiệu quả nhất. Bởi vì một khi mình bị cúm thì đôi lúc mình phải nằm liệt giường, mệt mỏi cả tuần."

"Siêu vi khuẩn cúm thay hình đổi dạng liên tục. Vì vậy, thuốc ngừa cúm năm nay chỉ có hiệu lực cho năm nay thôi. Năm tới thì các công ty dược khác sẽ sản xuất loại vaccine phù hợp với những chủng loại cúm trong năm tới. Tức là siêu vi cúm mỗi năm mỗi thay đổi, nên mình phải cập nhật, mình phải chích ngừa cúm mỗi năm một lần."
 
Bác sĩ Eric nói rằng bệnh cúm nghiêm trọng hơn cảm lạnh thông thường, và các trường hợp nặng có thể dẫn đến khó thở và tử vong.

“Cả hai đều là siêu vi lây lan qua đường hô hấp. Nhưng bị cảm thì không có sốt hoặc sốt nhẹ. Một người bị cảm có các triệu chứng như nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, ho một chút… nhưng họ vẫn đi học hoặc đi làm việc được. Nhưng người bị cúm thì mệt mỏi rất nhiều, nằm liệt giường liệt chiếu và bị sốt cao nữa."
Khi bị cúm, đôi lúc có thể dẫn tới biến chứng, có thể dẫn tới viêm phổi, viêm màng não, đôi lúc có thể gây tử vong. Vì vậy, bất cứ ai trên 6 tháng tuổi đều nên chích ngừa cúm mỗi năm một lần.
Bác sĩ Eric Hưng Trần
Vắc-xin cúm hàng năm được khuyến nghị cho tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên. Nhưng chỉ những nhóm có nguy cơ cao mới đủ điều kiện chích ngừa cúm miễn phí theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Những người khác có thể chích ngừa theo chỉ định của bác sĩ gia đình hoặc từ hiệu thuốc.

Bs Eric nhấn mạnh những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh cúm được chích ngừa miễn phí theo chương trình tiêm chủng quốc gia, bao gồm trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi và người có bệnh nền.

"Chính phủ Úc có tài trợ chích ngừa cúm miễn phí cho nhiều đối tượng. Ví dụ như là trẻ em từ 6 tháng tới năm tuổi được chính ngừa miễn phí, người từ 65 tuổi trở lên, người bị những bệnh lý nền như bệnh tim, bệnh phổi, bệnh thận, bệnh tự miễn dịch, cũng được chích ngừa miễn phí. Phụ nữ có thai cũng được chích ngừa miễn phí. Bởi vì phụ nữ có thai mà bị cúm nặng có thể bị tử vong cho cả mẹ lẫn con."

Trong một số trường hợp, người đã chích ngừa vẫn có thể bị bệnh sau khi tiêm phòng cúm, bởi vì vắc xin không có tác dụng tuyệt đối trong mọi trường hợp. Nhưng Bác sĩ Eric khẳng định, việc tiêm vắc-xin cúm không khiến người ta bị cúm.

"Thuốc ngừa cúm không bao giờ gây ra một cơn cúm. Nó không có chứa siêu vi khuẩn sống nên không thể nào tạo ra một cơn nhiễm cúm. Có thể nó có những phản ứng phụ, ví dụ như nhức đầu hoặc mệt mỏi, hoặc chỗ vết tiêm bị đau nhức một chút, hoặc bị sốt nhẹ. Nhưng nó không thể nào gây ra một đợt nhiễm trùng cúm."

"Ví dụ như một người chích ngừa cúm xong, họ nói họ bị đau cổ họng, bị nghẹt mũi, bị ho, thì đó là do nhiễm trùng. Ho, nghẹt mũi, đau cổ họng là do nhiễm trùng gây ra, chứ phản ứng phụ của thuốc ngừa cúm không bao gồm những triệu chứng này. Vì vậy thuốc ngừa cúm lúc nào cũng an toàn, từ 6 tháng tuổi là có thể được chích ngừa cúm."

Giới chức y tế khẳng định, vắc-xin ngừa cúm hiện tại chủ yếu dựa vào kháng thể nhắm vào các chủng cúm cụ thể, cần phải cập nhật thường xuyên do sự đột biến của siêu vi khuẩn.

Nhưng nghiên cứu mới  do Viện Doherty dẫn đầu, cho thấy việc xác định các bộ phận không thay đổi của siêu vi cúm, có thể mở ra hi vọng về loại vắc-xin có thể ngừa mọi dạng cúm B.

Share