Hoa kỳ đang bắt đầu siết chặt những yêu cầu về xét nghiệm đối với du khách quốc tế, đối với cả người đã và chưa tiêm chủng, trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lan rộng.
Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh đang tập trung vào việc yêu cầu mọi hành khách đi bằng đường hàng không đến Mỹ phải xét nghiệm COVID-19 một ngày trước khi lên máy bay.
Tại sân bay quốc tế Dulles bên ngoài thủ đô Washington, bà Swati Kuthiala nói bà ủng hộ biện pháp mới của chính phủ
“Tôi làm trong lĩnh vực y tế, cho nên tôi nghĩ việc quan trọng là phải cập nhật những quy định bắt buộc xét nghiệm một cách thường xuyên và nhất quán, đặc biệt đối với du khách quốc tế, bởi vẫn có sự nhầm lẫn về chuyện biến chủng xuất hiện. Chúng tôi chắc chắn đồng ý với biện pháp này của chính phủ. Chúng tôi đã xét nghiệm và húng tôi đã sẵn sàng để tiêm mũi tăng cường.”
Tại thành phố New York, từ các ngân hàng lớn trên phố Wall cho đến những tiệm tạp hoá nhỏ, mọi doanh nghiệp tư nhân giờ đây bắt buộc phải yêu cầu nhân viên đi tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19.
Đây là quy định mới nhằm phủ rộng vắc-xin và là quy định khắt khe hơn bất kỳ tiểu bang hay thành phố lớn nào ở Hoa Kỳ, Thị trưởng Bill de Blasio tuyên bố các doanh nghiệp ở thành phố New York phải yêu cầu mọi nhân viên đi tiêm chủng trước ngày 27 tháng 12.
“Đây là cách chúng tôi đặt an toàn và sức khoẻ lên hàng đầu, bằng cách bảo đảm việc tiêm chủng bắt buộc tiếp cận được tất cả người dân trong lĩnh vực tư nhân. Có rất nhiều người trong lĩnh vực tư nhân đã nói rằng họ tin vào tiêm chủng nhưng họ không chắc họ có thể tự làm. Thế thì chúng tôi sẽ làm giúp họ. Chúng tôi làm điều này để mọi doanh nghiệp đều cùng một sân chơi, cùng một tiêu chuẩn chung, và bắt đầu từ ngày 27/12. Chúng tôi sẽ làm việc với mọi doanh nghiệp trên toàn thành phố, và có gần 200,000 doanh nghiệp đã nhận được hướng dẫn.”
Ông nói quy định bắt buộc mới này nhằm vào việc ngăn chặn sự lây lan đang tăng vọt trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và trong mùa đông.
“Đây không phải là thứ chúng ta không quản lý được, chúng ta có công cụ, nhưng chúng ta phải sử dụng công cụ này triệt để và chúng ta phải hành động nhanh. Chúng ta phải hành động trước khi sự việc nghiêm trọng hơn, và sử dụng những công cụ hiệu quả, đó chính là tiêm chủng. Chúng tôi cũng có những công cụ khác, nhưng tiêm chủng sẽ là vũ khí trung tâm trong cuộc chiến chống COVID-19. Đó là thứ duy nhất hoạt động hiệu quả mọi lúc mọi nơi.”
Ông De Blasio nói ông hi vọng quy định này sẽ không vướng phải những thách thức về mặt pháp lý.
Mark Jaffe, Chủ tịch Phòng Thương mại New York, bao gồm khoảng 30,000 doanh nghiệp lớn và nhỏ, ông nói ông ủng hộ những biện pháp siết chặt.
“Đây là vì sức khoẻ và sự an toàn cho cộng đồng và cũng để giúp nền kinh tế tăng trưởng, chúng ta phải làm cho du khách cảm thấy an toàn khi họ đến đây. Chúng tôi không muốn là một ví dụ xấu, thành phố New York dẫn đầu cả nước về COVID. Chúng tôi không muốn dẫn đầu về tỷ lệ nhiễm COVID, và đây là một quyết định quan trọng.”
Thành phố New York có trung bình gần 2,000 ca nhiễm mới mỗi ngày, tăng từ khoảng 820 ca mỗi ngày vào thời điểm đầu tháng 11.
Chuyển sang Anh quốc, thủ tướng Boris Johnson nói chính phủ ông sẽ không thay đổi những quy định hướng dẫn về coronavirus cho đến khi, nói theo lời của ông là có thể hiểu “mức độ nguy hiểm thực sự” mà biến chủng Omicron đem lại.
“Tôi không nghĩ là chúng ta cần phải thay đổi hướng dẫn hay lời khuyên y tế về Omicron trong quốc gia này. Chúng ta vẫn đang chờ xem chính xác thì biến chủng này nguy hiểm như thế nào, ảnh hưởng như thế nào đến các ca tử vong và nhập viện.”
Dù Thủ tướng Borris cũng tuyên bố sẽ không loại trừ khả năng ban hành thêm các biện pháp hạn chế, nhưng ông nói mùa Giáng sinh năm nay sẽ tốt hơn năm ngoái.
“Như tôi đã nói, tôi đã nói rất nhiều lần, rằng tôi nghĩ là Giáng sinh năm nay sẽ tốt hơn rất nhiều so với năm ngoái.”
Tại Nga, quốc gia này đã xác nhận có hai ca biến chủng Omicron từ những người từ Nam Phi trở về Nga.
Cơ quan y tế cộng đồng cho hay có 10 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhưng biến chủng mới Omicron chỉ được phát hiện ở hai trường hợp, ngoài ra họ cũng đang chờ thêm kết quả phân tích những mẫu xét nghiệm khác.
Nga đã siết chặt việc nhập cảnh đối với người từ các quốc gia phía nam châu Phi, đồng thời yêu cầu công dân Nga từ Nam Phi và các quốc gia láng giềng trở về phải cách ly trong 14 ngày vì lo ngại biến chủng Omicron.
Tổng thống Nam Phi Cyril Rammaphosa nói ông rất thất vọng vì phương thức mà nhiều quốc gia đang làm để đối phó với coronavirus.
“Cá nhân tôi rất thất vọng vì phương thức mà các quốc gia giàu có đang làm để đối phó với coronavirus. Đầu tiên họ trữ vắc-xin, họ đặt mua vắc-xin nhiều hơn số lượng họ cần và khi chúng tôi muốn có vắc-xin thì họ giữ lại, chỉ cho chúng tôi một nhúm giống như vụn bánh thừa trên bàn. Lòng tham đó đã thể hiện ra ai cũng có thể thấy, và đó là điều đáng thất vọng, đặc biệt là khi họ nói họ là đối tác của bạn. Bởi vì chúng tôi sống ở châu Phi, mạng sống của chúng tôi không quan trọng bằng mạng sống những người ở châu Âu, Bắc Âu.”
Croatia cũng xác nhận có hai ca nhiễm Omicron ở quốc gia này.
Giới chức y tế cho biết họ đang cố gắng xác định nguồn lây nhiễm khi hai người bị nhiễm Omicron chưa từng ra nước ngoài.