Một nửa số người Úc Thổ dân và dân đảo Torres trên 45 tuổi đang chết vì bệnh liên quan đến hút thuốc, theo một nghiên cứu mới từ Đại học Quốc gia Úc.
Phân tích dữ liệu từ 1.388 người trong khoảng thời gian 10 năm, nghiên cứu cho thấy việc hút thuốc lá đang giết chết 50% số người cao niên, và những người hút thuốc có nguy cơ tử vong sớm hơn bốn lần so với những người chưa từng hút thuốc.
Đồng tác giả nghiên cứu, Phó Giáo sư Raymond Lovett, cho biết đây là một vấn đề lớn hơn so với dự đoán.
“Chúng tôi nhận thấy ước tính từ công trình nghiên cứu trước đây cho rằng 1/5 số người Thổ dân tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến hút thuốc, nhưng con số thực tế lên tới khoảng 37% , gần gấp đôi so với ước tính.”
Ông Lovett nói rằng người Thổ dân và dân đảo Torres đã hút thuốc từ thời thuộc địa, khi thuốc lá được sử dụng như một phương thức thanh toán.
“Ngay từ thập niên 70, người ta đã được trả công hoặc được chia phần bằng thuốc lá. Một số người nhớ rằng thuốc lá đã được phân phối cho 100% dân số. Chúng ta đang thừa kế di sản đó, và chúng ta biết rằng việc sử dụng thuốc lá phổ biến hơn ở những người không có trình độ học vấn cao và ở những nơi có hoàn cảnh nghèo khổ.”
Tuy nhiên từ năm 2007, tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng Thổ dân và dân đảo Torres đã giảm 11%.
“Cho đến năm ngoái chúng tôi đã thấy con số giảm xuống còn khoảng 39 hoặc 40%, tức là giảm 11% trong khoảng thời gian đó. Chúng tôi cũng thấy sự sụt giảm tương tự trong dân số không phải thổ dân.” - Ông Lovett cho biết.
Nhà hoạt động chống hút thuốc lá Chanel Webb hiểu rõ tác động tàn phá của việc hút thuốc đối với cộng đồng thổ dân.
“Chúng tôi lớn lên vào thời điểm mà việc hút thuốc được coi là rất bình thường và được chấp nhận.”
Sau khi một người dì của mình qua đời vì bệnh ung thư phổi, Webb tham gia vào các sáng kiến để giúp đỡ thế hệ trẻ.
“Rất buồn vì tôi đã mất một người dì cách đây vài năm. Dì ấy đã hút thuốc khoảng 50 năm và trong mười năm cuối đời đã phải chống chọi với căn bệnh liên quan đến thuốc lá. Dì ấy nhiều lần cố gắng bỏ thuốc lá nhưng không thành, và đã qua đời vì bệnh ung thư phổi.”
Đây là lời nhắn nhủ của Webb với những người thổ dân trẻ tuổi về việc bỏ thuốc lá:
“Tôi muốn nói với những người trẻ tuổi là đừng thử hút thuốc, đừng tập hút thuốc. Tôi muốn nói với những người trong cộng đồng đang hút thuốc rằng có những người sẵn sàng giúp đỡ các bạn cai thuốc lá, vì mọi điếu thuốc đều có hại.”
Khói thuốc lá chứa hơn 7000 chất hóa học, trong đó có hơn 70 chất gây ung thư. Những người muốn bỏ hút thuốc được khuyến khích liên hệ với Chương trình Cai thuốc lá miễn phí theo số 1800 282 624 hoặc có thể gọi Đường dây Bỏ thuốc lá qua số 13 78 48.
Nhưng không chỉ hút thuốc lá mới làm giảm chất lượng cuộc sống của người Thổ dân và dân đảo Torres. Một báo cáo khác của Trung tâm Nghiên cứu Độc lập, Chương trình Nghiên cứu người thổ dân cho thấy các cộng đồng thổ dân vùng hẻo lánh gặp bất lợi nghiêm trọng so với các cộng đồng còn lại ở Úc.
Jacinta Nampijinpa Price là một phụ nữ thổ dân Warlpiri-Celtic từ Alice Springs. Bà là Nhà tư vấn đa văn hóa trong gần 20 năm qua để tạo ra sự hiểu biết giữa người Thổ dân và người không phải Thổ dân. Bà đã soạn thảo báo cáo có tên Worlds Apart, xem xét bối cảnh kinh tế xã hội của các cộng đồng Thổ dân xa xôi về giáo dục, việc làm, tội phạm, bạo lực gia đình cũng như sức khỏe và hạnh phúc.
“Báo cáo thể hiện rõ sự khác biệt lớn giữa người Úc thổ dân có hoàn cảnh khó khăn ở các cộng đồng xa xôi với phần còn lại của nước Úc, bao gồm cả những người Úc thổ dân khác ở các thành phố và khu vực đô thị.”
Nghiên cứu cho thấy trình độ học vấn ở các cộng đồng Thổ dân xa xôi thấp hơn rõ rệt so với các cộng đồng khác. Trong 28 mã bưu chính trên khắp nước Úc có hơn 50% dân số là người Thổ dân, bình quân chỉ có 7% có bằng cấp Cử nhân hoặc cao hơn.
Báo cáo cũng cho thấy thất nghiệp là một vấn đề lớn đối với người Thổ dân trên khắp nước Úc, với con số gấp ba lần so với người không phải Thổ dân.
Các chỉ số sức khỏe của người Úc Thổ dân cũng thấp hơn nhiều so với phần còn lại của dân số Úc. Ở các vùng xa xôi hẻo lánh, phụ nữ Thổ dân có tuổi thọ bình quân là 69,6, còn đàn ông là 65,9. Những con số này tương đương ở các nước thuộc thế giới thứ ba như Yemen, Eritrea và Gambia.
Các yếu tố khác được nêu trong báo cáo bao gồm số liệu thống kê tội phạm, với hành vi phạm tội nhiều nhất là hành hung và bạo lực gia đình.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại