Nghiên cứu cho thấy người Thổ dân Úc phải chịu sự kỳ thị vô ý thức

Author and academic Dr Stephen Hagan says it is exhausting to constantly be on the receiving end of racial biases.

Author and academic Dr Stephen Hagan says it is exhausting to constantly be on the receiving end of racial biases. Source: SBS News

Cứ 4 người Thổ dân Úc thì có 3 người phải chịu sự thiên vị sắc tộc một cách vô thức, đó là một trong những rào cản vô hình mà họ phải đối mặt. "Quốc gia này vẫn còn sự kỳ thị sắc tộc", đó là sự thật phũ phàng mà nước Úc phải thẳng thắn nhìn nhận.


Ông Stephen Hagan, một cư dân ở Queensland, một người không xa lạ gì với chuyện phân biệt sắc tộc.

Gần đây nhất, ông đã bị một nhân viên trạm xăng yêu cầu ông phải trả tiền trước khi đổ xăng.

“Anh ta nói trạm xăng từng gặp vấn đề với chuyện bơm xăng xong lái xe bỏ đi, và đòi tôi phải trả tiền trước. Tôi bất ngờ và hỏi lại, ‘anh nói cái gì? Anh có yêu cầu những khách hàng da trắng khách phải trả trước không?’ Trong đầu anh ta chỉ nghĩ rằng tôi là một người Thổ dân và chuyện này xảy ra ngay vào năm 2020.”

Ông nói những chuyện tương tự đã xảy ra với ông suốt bao nhiêu năm qua khiến ông rất nản lòng.

“Thật sự mệt mỏi, rất mệt mỏi. Cứ như đó là điều mặc định gán ghép cho những người Thổ dân ở quốc gia này. Đó là một thực tế phũ phàng, nước Úc là một quốc gia kỳ thị.”

Và trường hợp của ông Hagan không phải là chuyện đơn lẻ.

Số liệu mới từ Đại học Quốc gia Úc cho thấy cứ 4 người thì có 3 người Úc có định kiến thiên vị về sắc tộc đối với người Thổ dân và người dân đảo Torres.

Nam giới thiên vị nhiều hơn nữ giới, và người ở Tây Úc và Queensland thì có mức độ định kiến cao hơn người dân ở các vùng khác.

Tác giả của cuộc nghiên cứu này là ông Siddharth Shirodkar, ông nói cuộc nghiên cứu đã được thực hiện trên 11,000 người Úc trong suốt 10 năm từ năm 2009. Cuộc nghiên cứu xem xét thời gian một người phản ứng lại khi nhìn thấy hình ảnh của người da trắng và người Thổ dân.

“Cuộc nghiên cứu đã cho thấy người ta thường có khuynh hướng ngay lập tức liên hệ những điều tích cực với gương mặt của người da trắng và những điều tiêu cực với gương mặt Thổ dân, đó là cách cuộc nghiên cứu này xem xét sự thiên vị vô ý thức.”

Cuộc nghiên cứu này là một phần trong dự án hợp tác giữa Dự án Project Implicit, một dự án được thành lập bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard, Đại họ Washington và Đại học Virginia, và một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Sydney.

Số liệu của Úc chưa từng được công bố trước đây.

Ông Shirodkar cho biết, kỳ thị không lúc nào cũng công khai, mà kỳ thị tồn tại dưới dạng thiên vị vô ý thức chẳng hạn như cho điều tra phạm tội vì sắc tộc của họ.

“Nếu sự thiên vị vô ý thức không được nhận biết thì nó có thể len lỏi và ảnh hưởng đến việc ra quyết định hàng ngày và cách chúng ta giao tiếp với người khác. Chẳng hạn chúng ta có thể nói chuyện hơi cộc lốc, hơi thô lỗ khi nói chuyện với người này nhưng khi nói với một người quen thì chúng ta lại lịch sự hơn.”

Những người Úc Thổ dân thì nói đã đến lúc người Úc phải có hành động.

Bà Summer May Finlay là một phụ nữ ở Yorta Yorta đồng thời là giảng viên tại Đại học Wollongong, bà nói:

“Người Thổ dân chỉ chiếm 3% dân số nên không thể trông chờ chúng tôi làm được gì mà phần 97% dân số còn lại phải có nghĩa vụ bắt đầu thay đổi. Từng bước thực hiện và sau đó có những cuộc biểu tình, chỉ ra những chuyện kỳ thị sắc tộc đã xảy ra ở mọi nơi như tại quán rượu, trên Twitter, chuyện xảy ra với bạn bè.”

Cuối tuần qua, hàng chục ngàn người đã xuống đường biểu tình phản đối việc có những người Thổ dân tử vong khi đang bị giam, và tỷ lệ bắt giam người Thổ dân tăng cao.

Tổng trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg nói đây là một vấn đề đòi hỏi Chính phủ phải can thiệp tìm ra giải pháp.

Và ông Stephen Hagan thì hi vọng sẽ không cần phải mất cả đời người để giải quyết.

“Tôi đã già rồi, đáng lẽ giờ tôi không nên xuất hiện trước truyền thông nói về kỳ thị chủng tộc. Tôi muốn những người trẻ phải chiến đấu và làm gì đó nhưng cuối cùng tôi chỉ thất vọng khi thấy chúng ta chưa có gì tiến triển, chúng ta chưa phát triển theo hướng đi của một xã hội.”

 


Share