Thủ tướng Scott Morrison và Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang vừa kết thúc một năm 'lạnh nhạt' trong quan hệ giữa Úc và Trung Quốc, tại cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Singapore.
Đây là lần đầu tiên thủ tướng Úc và nhà lãnh đạo Trung Quốc gặp nhau trong thời điểm này , sau những căng thẳng về luật can thiệp nước ngoài mới của Úc và những quan ngại liên tục về hãng công nghệ Huawei.
Ông Li nói rằng cuộc họp này là một bước ngoặt sau điều mà ông gọi là những thăng trầm trong mối quan hệ giữa hai nước.
Ông Morrison cho biết ông muốn nuôi dưỡng một mối quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc.
"Chúng ta đang hợp tác giao thương với Trung Quốc. Đó là điều tôi đã nói tối qua. Và đó không chỉ là mối quan hệ thương mại mà còn là mối quan hệ rộng rộng lớn. Chúng ta có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, và đây là cơ hội để chúng ta cùng tham gia như tối qua , bao gồm thảo luận một loạt các vấn đề trong phạm vi bảo mật của quan hệ đối tác . Đó là một cuộc họp rất tích cực, như bản phúc trình mà quý vị đã xem qua đã đề cập , và chúng ta sẽ tiếp tục giao thương theo cách đó."
Sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về việc thống trị ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng dường như trở nên gay gắt hơn tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Trong một phát biểu được hiểu như là lời ám chỉ đến sự gia tăng của Trung Quốc, phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã nói với các nhà lãnh đạo rằng không có chỗ cho sự xâm lược trong khu vực này.
"Chúng tôi tìm kiếm ở toàn khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, có thể phát triển và thịnh vượng, an toàn về chủ quyền, tự tin vào các giá trị của chúng ta và cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn. Chúng ta đều đồng ý rằng chế độ đế quốc và xâm lược không có chỗ ở Ấn Độ- Thái Bình Dương."
Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng đang cạnh tranh trong một cuộc chiến thương mại, khi cả hai áp đặt các mức thuế ngày càng ở mức nghiêm trọng đối với hàng nhập khẩu của mỗi bên.
Hoa Kỳ là đồng minh quân sự gần nhất của Úc, và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, nhưng ông Morrison nói rằng Úc sẽ không phải lựa chọn giữa hai nước.
"Mối quan hệ của chúng tôi có với từng đối tác trọng yếu này đều khác nhau, và cả hai đều thành công. Nước Úc không phải lựa chọn, và chúng tôi cũng sẽ không lựa chọn. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc tích cực với cả hai đối tác, dựa trên cốt lõi của những mối quan hệ này."
Một mối quan hệ quan trọng khác đối với Úc là với Indonesia.
Hai quốc gia này đã ký một thỏa thuận mậu dịch tự do bên lề ASEAN, nhưng thỏa thuận này đã bị trì hoãn kể từ khi ông Morrison đưa ra ý tưởng chuyển đại sứ quán Úc tại Israel tới Jerusalem.
Indonesia, quốc gia có cộng đồng Hồi Giáo đông nhất thế giới, rất tức giận về khả năng di chuyển tại điểm đặt đại sứ quán từ Tel Aviv vì họ xem tình trạng của Jerusalem là rất quan trọng đối với giải pháp hai bang giữa Israel và Palestine.
Scott Morrison cho biết sẽ xem xét địa điểm đặt đại sứ quán Úc vào dịp Giáng sinh.
Tuy nhiên, lãnh đạo đối lập Bill Shorten nói rằng nước Úc không thể chờ đợi cho đến lúc đó để xác nhận vị thế của mình.
"Tôi nghĩ rằng ông Morrison đã phạm sai lầm lớn khi ông thả mồi trước cuộc bầu cử Wentworth , và nói rằng , chúng ta sẽ di chuyển đại sứ quán của Úc từ Tel Aviv đến Jerusalem. Điều này đãphá vỡ 70 năm đứng trên lập trường của giải pháp hai nhà nước và không giúp gì vào tiến trình hòa bình Trung Đông. Ông Morrison đã phạm sai lầm, nói thẳng ra là ông đang tự biến mình thành kẻ ngốc và khiến đất nước này cũng trở nên ngu ngốc theo. Nếu ông ta quyết định không chuyển đại sứ quán đi , thì vì lòng tốt, , hãy nói với chúng tôi để chúng tôi có thể lo toan cho những chuyện khác."
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cũng cảnh báo ông Morrison Australia về nguy cơ kích động chủ nghĩa khủng bố với bất kỳ kế hoạch nào về việc di chuyển đại sứ quán Israel.
"Tôi tin rằng đó là vấn đề. Quý vị thấy đấy, tôi đã chỉ ra rằng, trong việc đối phó với chủ nghĩa khủng bố, người ta phải biết nguyên nhân của nó. Đổ dầu vào lửa cho chuyện này sẽ chằng giúp ích gì cả. Tôi đã chỉ ra rất rõ. Và nước Úc vẫn chưa đưa ra quyết định nào. Họ đang xem xét nó."
Nhưng ông Morrison nói ông sẽ tiếp tục theo kế hoạch của mình để xem xét việc di chuyển, và cho biết thêm rằng không có xung đột giữa Úc và Indonesia.
"Tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ đặt câu hỏi, chúng tôi sẽ giải quyết câu hỏi này. Chúng tôi có một quy trình để thực hiện điều đó thông qua việc đệ trình lên nội các, và một khi chúng tôi đã kết luận xong, thì chúng tôi sẽ đưa ra quan điểm của mình và chúng tôi sẽ tiếp tục từ đó. Các vấn đề này không liên quan đến nhau. Chúng không được nêu ra trong cuộc họp của chúng ta ngày hôm qua. Tất nhiên, tôi vừa có thêm một cơ hội nữa , để nói chuyện với Tổng thống (Joko) Widodo kể từ cuộc họp đó, cũng như Bộ trưởng Ngoại giao (Retno) Marsudi, và những cuộc nói chuyện đó đều được đón nhận nồng nhiệt."
Trong khi thỏa thuận với Indonesia đang bị trì hoãn, Úc và Hồng Kông đã hoàn tất thỏa thuận mậu dịch tự do riêng, trong đó nông gia Úc, các nhà sản xuất hải sản và các nhà sản xuất rượu được kỳ vọng rằng sẽ hưởng lợi nhuận.
Chính phủ cho biết thỏa thuận này sẽ thực thi vĩnh viễn với mức thuế bằng 0 trên tất cả mặt hàng xuất khẩu của Úc sang Hồng Kông.
Ông Morrison nói thỏa thuận này là một chiến thắng cho nền kinh tế Úc.
"Điều đó có nghĩa là việc loại bỏ thuế đối với hàng xuất khẩu của Úc vào Hồng Kông. Và đó chỉ là một ví dụ nữa về việc kế hoạch kinh tế của chúng tôi hoạt động tốt. Chúng tôi cam kết với những vấn đề này. Khi nói đến chính sách ngoại giao, chúng tôi đưa ra chính sách này dựa vào niềm tin và các giá trị chung của cả quốc gia."
Các nhà lãnh đạo thế giới đã chuyển từ Singapore sang Papua New Guinea cuộc họp thượng đỉnh APEC tức Diễn đàn Hợp tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương vào cuối tuần này.
Ông Morrison nói rằng nước Úc sẽ chiến thắng trong lãnh vực thương mại tự do và cởi mở tại các cuộc đàm phán.
Các quốc gia ASEAN nêu quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông nhưng vẫn không chỉ đích danh Trung Quốc.
Trang tin của đài truyền hình Nhật Bản NHK trích dẫn tuyên bố của Chủ tịch ASEAN vào ngày thứ tư 14/11/2018 tại Singapore, tiếp sau hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Nam Á họp tại đảo quốc này.
Theo NHK, tuyên bố hồi năm ngoái tại Philippines không có từ quan ngại này. Tuy nhiên năm nay ASEAN cũng không đề cập tới tên Trung Quốc, quốc gia xây dựng bồi đắp nhiều đảo nhân tạo và thiết lập căn cứ quân sự trên Biển Đông trong thời gian qua.
Bên cạnh đó các nhà lãnh đạo ASEAN cũng công nhận rằng có tiến triển trong việc tiến tới thiết lập một bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông giữa Bắc Kinh và ASEAN.
Trung Quốc là quốc gia tuyên bố đến 90% diện tích Biển Đông, tranh chấp với một số các quốc gia ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei.
Trong thời gian qua người ta thấy có một số các nước ASEAN như Campuchia, Philippines có khuynh hướng thiết lập quan hệ nồng ấm hơn với Bắc Kinh.
Tuyên bố của Chủ tịch thượng đỉnh ASEAN lần này cũng đề cập đến hai sáng kiến kinh tế khu vực, một là Ấn Độ Thái Bình Dương rộng mở do Mỹ và Nhật dẫn đầu, hai là Vành đai con đường do Trung Quốc khởi xướng. ASEAN cho biết sẵn sàng sẽ hợp tác với cả hai sáng kiến đó.