Kế hoạch cải táng người Thổ dân cổ đại tại Hồ Mungo bị tạm hoãn

Lake Mungo

Lake Mungo Source: Jason Kelly

Kế hoạch cải táng gây tranh cãi đối với một số bộ hài cốt lâu đời nhất thế giới, tại Hồ Mungo, một Di sản Thế giới của New South Wales đã bị trì hoãn vì cần thời gian tham vấn với cộng đồng Thổ dân.


Tổng trưởng Môi sinh Sussan Ley hồi đầu tháng đã yêu cầu một cuộc kiểm tra chính thức về kế hoạch cải táng này, đòi hỏi phải tham vấn thêm cộng đồng Thổ dân.

Theo đề xuất hiện tại trong kế hoạch, thì 108 bộ hài cốt Thổ dân cổ đại - bao gồm những hài cốt của người Mungo Nam và Mungo Nữ - sẽ được chôn cất trong những ngôi mộ không được đánh dấu xung quanh Hồ Mungo.

Trưởng lão người Paakantji Maraura, Dì Dottie Lawson rất ủng hộ một cuộc cải táng.

Cách duy nhất là đưa họ về với đất, để họ yên nghỉ, và không chạm vào họ một lần nào nữa.

Tuy nhiên đây là kết quả không được các thành viên cộng đồng và Những Người giám hộ truyền thống hoan nghênh.

Ông Michael Young là người Paakantji và Pirindji, ông là cựu thành viên của Nhóm Cố vấn Thổ dân Hồ Willandra.

Ông chỉ trích biện pháp tham vấn của chính phủ.

Chúng tôi hầu như không có bất kỳ thông tin nào về toàn bộ kế hoạch cải táng hoặc phá hủy cho đến khi kế hoạch này đi đến thời điểm quan trọng vào tháng trước, thì khi đó chúng tôi mới có, bạn biết đấy, một khoảng thời gian ngắn để hồi đáp trước một khối lượng tài liệu rất lớn. Bởi vì đề xuất chôn cất ở đây thì căn bản là họ khoan một cái lỗ, tại nơi được cho là địa điểm chôn cất, rồi thả mọi thứ xuống đậy lại - mà chúng tôi thì không thể xem đó là một sự tôn trọng hay đi theo truyền thống được.

Tuy nhiên theo các tài liệu lưu trữ trước đây thì kế hoạch vạch ra có nói đến việc xây dựng một Nơi lưu giữ, ở đó các bộ hài cốt được đặt xuống để yên nghỉ nhưng vẫn được giữ trong một khả năng để sau này có thể phục vụ nghiên cứu khoa học.

Jason Kelly, một người đại diện của các thành viên Mutthi Mutthi Wamba Wamba trong Nhóm cố vấn thổ dân Hồ Willandra Lakes, nói cuộc cải táng sẽ tước đi nguyện vọng của những Người giám hộ truyền thống trong suốt 30 năm qua.

 

Có một tầm nhìn chung rằng người cổ đại Mungo Nam và Mungo Nữ phải quay trở lại và được đưa về Đất Nước, nhưng không phải với mục đích là chôn họ xuống khiến họ trở nên vô hình với thế giới. Bà tôi mô tả Mungo Nữ sẽ trở lại như một sứ giả từ thời sâu thẳm để nói với thế giới về sự phức tạp của xã hội Thổ dân, và chỉ có các nhà khoa học mới có thể giúp kể lại câu chuyện đó, để công bố rằng chúng ta là nền văn hóa còn tồn tại liên tục lâu đời nhất trên thế giới.

Hiện nay có ba trong số 108 hài cốt Thổ dân cải táng đã được nghiên cứu.

Phó giáo sư về Khảo cổ Michael Westaway thuộc trường Đại học Queensland nói họ vẫn chưa thể chạm tới bề mặt của những điều mà các hài cốt có thể tiết lộ, về niên đại và văn hoá của người Thổ dân Úc cổ đại.

Nhằm cung cấp những sự hiểu biết khác nhau về sự biến đổi của dân số cộng đồng này trong một khoảng thời gian kéo dài từ ít nhất 42.000 năm trước, cho đến khi kết thúc kỷ băng hà cách đây 10.000 năm. Bây giờ, đây chính là tiềm năng mà những di tích tổ tiên này có thể kể thậm chí còn lâu đời hơn thế nữa.

Mặc dù có thể hiểu biết sâu sắc hơn về vấn đề khoa học, nhưng không phải tất cả các thành viên của cộng đồng đều đồng ý rằng nghiên cứu thêm nữa đối với các hài cốt là điều phù hợp, quan điểm của họ được Trưởng lão Dottie Lawson tổng kết.

Hãy để họ yên. Bạn biết đấy. Hãy làm điều đúng đắn. Đưa họ trở lại nơi họ bị lấy đi và hãy để họ ở yên đó ngay bây giờ. Vậy là đã quá đủ rồi.

Cuối cùng, Bộ Môi Sinh sẽ quyết định xem đề xuất cải táng hiện tại có được thực hiện hay không.

Trong một tuyên bố hồi đầu tháng, Tổng trưởng Sussan Ley nói các quyết định của bà được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến ​​của Nhóm Cố vấn Thổ dân Hồ Willandra.

Các Chủ sở hữu Truyền thống hiện nay chỉ có chức năng cố vấn tại chỗ, và điều này dẫn đến một câu hỏi lớn hơn về việc ai sẽ có quyền kiểm soát quản lý và quyền ra quyết định cuối cùng.

Ông Michael Young nói Nơi lưu giữ là một cơ hội để các Thổ dân có quyền sở hữu thật sự khi câu chuyện của họ được kể lại, qua công trình nghiên cứu các hài cốt.

Vì vậy, nơi này sẽ được điều hành bởi chính những người Thổ dân. Chúng tôi muốn người Thổ dân của chúng tôi, những người Thổ dân được học hành, đi xuống đây và thực hiện các nghiên cứu về nền văn hóa của chính mình. Và điều này sẽ mang lại cho chúng tôi một vị trí độc nhất ở Úc, và cả ở trong giới học thuật. Vì vậy, chúng ta không cần phải hủy hoại di sản văn hóa của chúng ta, vốn đã được chính phủ xác nhận, bởi vì điều này sẽ chỉ càng chôn vùi câu chuyện lịch sử Thổ dân thêm một lần nữa.

Bên cạnh đó, tất cả các bên đều đồng ý rằng những hài cốt này nên được bảo vệ và lưu giữ tại Đất Nước Thổ dân, đây là một vấn đề ưu tiên trong kế hoạch.

Trưởng lão người Paakantji và là cựu thành viên của Nhóm Cố vấn Thổ dân, bà Patricia Johnson nói các hài cốt là vô giá và cần được bảo vệ.

và cách duy nhất để làm điều này là đưa họ đến một nơi an toàn. Nơi người ta muốn chôn cất các hài cốt bây giờ không phải là một nơi an toàn. Bất cứ ai cũng có thể đến và đào chúng lên! Và vì vậy các hài cốt này phải có mặt trong Đạo Luật Thổ dân. Đây là những gì chúng tôi đang làm. Chúng tôi bảo vệ tổ tiên của mình, giống như họ đang bảo vệ chúng tôi.


Share