Bác sĩ James Lawler từng chứng kiến các bác sĩ trẻ bị kiệt sức.
Ông là đồng chủ tịch Ủy ban Huấn luyện Bác sĩ của NSW. Ông biết rằng nguy cơ tự tử trong giới y khoa là có thật.
“Khi họ làm việc, họ hứng chịu một áp lực lớn lao từ hệ thống y khoa, phải bảo đảm sự chăm sóc bệnh nhân có chất lượng cao – nhưng phải thật hiệu quả - tuy nhiên họ lại không được giao những công cụ và môi trường thích hợp để có thể đạt được chất lượng hay sự hiệu quả đó. Thường thì các bác sĩ phải tự mình gánh lấy trách nhiệm và làm mọi thứ.”
Trong hai năm qua, tại Úc từng có những phúc trình về tình trạng các bác sĩ tập sự tự tử. Nghiên cứu mới vừa tung ra cung cấp thêm bằng chứng về số giờ làm việc không an toàn cho các bác sĩ trẻ này, khiến họ bị đặt trước nguy cơ mắc các căn bệnh về tâm thần. Đồng tác giả của nghiên cứu là Phó Giáo sư Samuel Harvey thuộc học viện Black Dog.
“Bác sĩ là một trong những nghề nghiệp dễ dẫn tới tự tử. Chúng tôi biết có rất nhiều nghiên cứu về các bác sĩ trẻ cho thấy họ bị mắc chứng trầm cảm và lo âu ở mức độ cao”.
Khoảng một phần tư số bác sĩ tham gia phỏng vấn trong nghiên cứu phải làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần, làm tăng gấp đôi nguy cơ dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực như tự tử và các chứng rối loạn tâm thần phổ biến.
Tuy nhiên học viện Black Dog nói bệnh nhân cũng là những nạn nhân tiềm ẩn nếu bác sĩ đang điều trị bệnh cho họ bị làm việc quá tải.
“Nếu bác sĩ của bạn bị kiệt sức, thì họ có thể không ra quyết định đúng đắn như lúc tỉnh táo. Không chỉ riêng gì bác sĩ. Chúng ta đã đặt ra những quy định rất nghiêm khắc cho phi công, như phải nghỉ ngơi và phải ngủ bao nhiêu giờ, trước khi họ có thể được bay chuyến tiếp theo. Bác sĩ cũng tương tự. Nếu họ mệt mỏi và có những dấu hiệu trầm cảm hay lo âu, thì điều này sẽ ảnh hưởng đến tinh thần làm việc và khả năng ra quyết định đúng đắn”.
Bác sĩ Lawler nói luật nghỉ ngơi 10 tiếng đồng hồ giữa các ca làm việc đã được áp dụng thường xuyên hơn nhằm giảm bớt sự căng thẳng.
“Trong những năm qua đã có một vài thay đổi tiến bộ. Chẳng hạn vài năm trước Bộ Y tế đã đưa ra luật 14/10 tại các bệnh viện, bắt buộc bác sĩ không thể làm việc quá 14 tiếng đồng hồ trong một ca. Cũng như giữa các ca họ phải được nghỉ ngơi 10 tiếng. Dữ liệu Bộ Y tế chia sẻ với chúng tôi năm ngoái cho thấy một số nơi đã bắt đầu áp dụng quy luật này”.
Hiệp Hội Y khoa Úc AMA từng khuyến khích các bệnh viện hãy mang lại sự cân bằng tốt hơn cho các bác sỹ đang trong thời kỳ huấn luyện.
Hồi tháng Ba năm ngoái, AMA đã yêu cầu các dịch vụ y khoa điều tra về những giờ làm thêm không kê khai mà nhân viên của họ phải gánh chịu.
Tuy nhiên bác sĩ Lawler nói ngoài ra văn hóa nơi làm việc cũng cần phải thay đổi.
“Thật không may là có quá nhiều sự cạnh tranh để có thể chen vô được một vị trí bác sĩ tập sự. Vì vậy thường thì họ giữ im lặng và không kê khai thời gian làm thêm giờ, chuyện này không ai nói ra nhưng ai cũng biết, vì hậu quả là nếu bạn không được phân công làm ngoài giờ, có nghĩa là bạn không đủ trình độ”.
Phó Giáo sư Harvey đồng ý rằng nếu điều kiện nơi làm việc ủng hộ tốt công việc của bác sĩ, thì sức khỏe của bác sĩ sẽ có sự thay đổi đáng kể.
Hội Sinh viên Y khoa Úc nói sức khỏe tâm thần của sinh viên y khoa là một trong những ưu tiên chủ chốt của tổ chức này.
Chủ tịch Hội đồng Huấn luyện Bác sĩ của AMA, bà Tessa Kennedy nói thường thì bác sĩ chỉ lo cho bệnh nhân mà quên đi tình trạng sức khoẻ của chính mình.
“Thỉnh thoảng điều này có nghĩa rằng các bác sĩ chỉ được ngưng làm việc một chút rồi lại làm việc tiếp, chứ không phải nghỉ ngơi thật sự, và như vậy họ không thể đi tập gym, không được về thăm nhà, không được làm bất cứ việc gì để giúp họ hồi phục, để họ có thể thoát ra khỏi những nhân tố gây stress trong công việc, chẳng hạn phải đối mặt với cái chết, sự đau đớn hay những bệnh nhân vô vọng”.
Bà khuyến khích các bác sĩ hãy lên tiếng nếu họ bị phân công làm việc thêm nhiều giờ, để văn hóa nơi làm việc của bác sĩ có thể thay đổi trong tương lai.
Nếu bản thân bạn hay một người quen của bạn cần sự giúp đỡ, xin liên lạc với Lifeline tại số điện thoại 13 11 14 hoặc Beyond Blue tại số 1300 22 4636.