Cuộc họp bàn về biến đổi khí hậu ở Glasgow sắp tới đây được cho là ‘cơ hội cuối cùng để cứu trái đất’.
Tại hội nghị sắp tới, nước chủ nhà Anh hy vọng thuyết phục các nhà lãnh đạo thế giới đạt được đồng thuận về một thỏa thuận khí hậu quan trọng và đang tìm kiếm sự ủng hộ từ các cường quốc đối với một kế hoạch triệt để hơn nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Cụ thể, nước Anh muốn xoá sổ năng lượng than đá, và hiện tại điều này đang được các quốc gia G7 ủng hộ thế nhưng Trung Quốc, Nga và Ấn Độ vẫn đang phản đối.
Về mục tiêu xe hơi, Anh quốc đã định ra hạn chót là năm 2030 sẽ là năm mà những chiếc xe chạy bằng xăng và dầu diesel cuối cùng được bán ra và họ muốn thế giới cũng phải đi theo hướng này.
Về tài chính, vào 12 năm trước, các quốc gia thịnh vượng đã cam kết huy động 100 tỷ đô la Mỹ mỗi năm để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong việc cắt giảm phát thải. Thế nhưng mục tiêu đó vẫn chưa bao giờ được hoàn thành.
Và mục tiêu cuối cùng là từ nay cho đến năm 2030 số lượng cây xanh được trồng thêm mỗi năm sẽ phải nhiều hơn số cây bị chặt đi.
Chỉ còn chưa đầy một tuần trước khi cuộc họp diễn ra, thế nhưng hội nghị có thể phải đối mặt với nguy cơ thất bại nếu các nước tham gia không đưa ra các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ là các quốc gia có mức độ ô nhiễm cao.
Ông John Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Hoa Kỳ, đã thể hiện sự sốt ruột trước tình hình thực hiện mục tiêu của các quốc gia.
“Chúng ta đang tụt lại phía sau, chúng ta phải hứng chịu hậu quả của việc nhiều quốc gia không đồng thuận thực hiện những gì mà nước Anh đưa ra. Chúng ta phải cam kết, Nhật Bản, Canada, châu Âu, phải cam kết mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trái đất ở mức1.5 độ.”
Theo Liên Hiệp Quốc, dựa trên những cam kết của 191 quốc gia đã đệ trình hiện nay, lượng khí thái sẽ tăng lên 16% từ nay đến năm 2030.
Bà Kate Blagojevic là chuyên gia phân tích khí hậu của tổ chức Greenpeace, bà nói:
“Chúng ta cần mọi quốc gia phải đưa ra cam kết của mình bảo đảm giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu trong 8 năm sắp tới, và khoảng thời gian đó không dài chút nào. Bên cạnh đó phải có những kế hoạch chi tiết làm thế nào mỗi quốc gia có thể đạt được những mục tiêu đó, và những chi tiết đó cũng phải được đệ trình. Nếu các quốc gia không làm như vậy hoặc có những lỗ hổng lớn trong các bản kế hoạch thì khi đó chúng ta có thể lo lắng là mục tiêu khí hậu sẽ không đạt được.”
Bên cạnh đó việc sẽ có nhiều lãnh đạo thế giới không đến Glasgow sẽ càng làm cho hội nghị lần này trở nên khó khăn hơn.
Như Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo họ sẽ không tham dự, ngoài ra còn có nhiều lãnh đạo của các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương nơi gặp nguy cơ rất lớn do biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Tập Cận Bình thì sẽ được các quan chức ngoại giao cấp cao đi đại diện.
Thủ tướng Scott Morrison sẽ đến Glasgow với cam kết phát thải ròng bằng 0, thế nhưng theo lời Giáo sư Lesley Hughes từ Hội đồng Khí hậu Úc thì ông không hài lòng về những gì nước Úc đã làm trong 8 năm qua
“Chúng ta hiện chỉ còn một tuần trước khi diễn ra hội nghị về khí hậu có thể xem là quan trọng nhất đời người, thế mà nước Úc thì vẫn còn đang loay hoay tìm ra giải pháp về chính sách. Họ có 8 năm để làm điều đó vậy mà giờ vẫn chưa đâu vào đâu.”
Sẽ không chỉ có các chính trị gia tham dự Hội nghị ở Glasgow, mà sẽ còn có hàng ngàn người biểu tình bên ngoài hội nghị. Nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg có khả năng sẽ là một trong số đó.
Và còn có các lãnh đạo doanh nghiệp cũng sẽ được mời vào bên trong, trong đó có tài phiệt khai khoáng người Úc Andrew Twiggy Forrest, người giờ đang cổ xuý cho khí hydrogen không thải khí carbon. Ông nói:
“Doanh nghiệp cũng phải được tham gia vào vấn đề khí hậu. Chúng tôi cho rằng đây là một trong những cuộc họp quan trọng nhất của một thế hệ. Từ vấn đề ấm nóng toàn cầu, chúng tôi có mặt ở đây, chúng tôi phải được mọi người trông thấy, và chúng tôi đến đây với một giải pháp thực tế hoàn toàn có thể thực hiện được.”
Các ngành kỹ nghệ chắc chắn có vai trò quan trọng trong mục tiêu khí hậu, nhưng các chính phủ quốc gia lại là người sẽ quyết định mục tiêu khí hậu cho những năm sắp tới.
Và thế giới đang dõi theo liệu các lãnh đạo thế giới có làm được điều đó trong Hội nghị lần này hay không.