Phần cuối cuộc trò chuyện của Mai Hoa với nhà văn Võ Đắc Danh về bút ký 'Chuyện Đời, Chuyện Nghề' của ông.
Trong cuốn sách mới của mình, chuyện đời và chuyện nghề' qua lời 'Tự sự của người nông dân cầm bút', đan lẫn vào nhau.
Mỗi trang sách như một nhát cuốc lật, phơi bày thực trạng bên dưới, một thực trạng trần trụi đau đớn.
Nếu phần đầu cuốn sách là mảng ký ức tuổi thơ sống động về đồng, một không gian thiên nhiên hoang dã, trù phú và phóng khoáng không khác mấy với những gì mà người đọc có thể hình dung như đã bắt gặp trong Đất Rừng Phương Nam của Đoàn Giỏi hay Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam, thì phần 'chuyện nghề' của Võ Đắc Danh là những số phận người, những nông dân đói ăn ngay trên cánh đồng của mình. Đó là những trang viết tàn nhẫn.
Sự đau đớn bất nhẫn từ trang sách xâm chiếm người đọc lừ lừ và chậm rãi, tàn nhẫn và chắc chắn.
Ngay từ nhát lật đầu tiên, nỗi kinh hoàng đã mở ra nhưng nó không dừng lại ở đó.
Người đọc muốn gấp sách lại nhưng người viết thì không.
Sự khốn cùng của mỗi nhân vật trong "Tự sự" của Lão Nông đủ bi đát để làm chất liệu cho cả một bộ tiểu thuyết dài, thế nhưng trong tập sách của Võ Đắc Danh nó nằm từ trang này sang trang khác, hiện ra ở mỗi một cú lật trang. Và đó là những người thật việc thật, không phải là hư cấu.
Những số phận người như cây cỏ, như hòn đất dưới chân để những kẻ nhân danh đồng chí đồng bào, nhân danh quốc gia và lý tưởng đá đi lúc nào cũng tiện vì rẻ rúng quá.
Đó là những câu chuyện của thế kỷ trước, sau ngày đất nước hoà bình.
Hôm nay, dù bước sang thế kỷ thứ 21, đồng bằng là "vùng trũng của cả nước" về mọi mặt.
Thật đáng sợ và đau buồn khi khái nhiệm "đồng bằng sông Cửu Long-vùng trũng của cả nước" đang trở nên quen thuộc.
Phải chăng nó được chấp nhận coi như điều bình thường và quên đi một thực tế rành rành trước mắt đó là toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng miền Tây Nam bộ đều thua sút so với nông thôn miền Bắc dù làm ra đến 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu của cả nước.
Và quên rằng miền Tây không chỉ là vựa lúa gạo, mà còn là cái nôi nuôi dưỡng tình cảm, văn hoá, ẩm thực và âm nhạc của cả miền Nam.
"Bắt đầu mùa mưa xuống, nhìn thấy dây bìm bìm leo hàng rào là nỗi nhớ quê nó bồn chồn, và tôi nhận ra cái gọi là 'bi kịch nơi chôn rau cắt rốn'.”
Giọng văn của Võ Đắc Danh thâm trầm, không hoa mỹ, không lên gân, không kết án. Ông cũng không tìm cách che đậy sự thật trần trụi. Nó giống như những thước phim. Phim thì không bình luận, chỉ có hình ảnh và góc nhìn. Võ Đắc Danh chọn những góc nhìn với góc máy toàn, phần còn lại để cho người đọc tự ngấm.
Mà cũng có lẽ với tính cách nông dân của mình, Võ Đắc Danh nhìn những sự việc như cách nhà nông nhìn đất. Dù hay hay dở, dẫu là bùn sình hay cây cỏ, dẫu hôi hám hay thơm tho thì cũng từ đất mà ra và rồi thì cũng về với đất.
Tuy vậy thì cũng không giấu được nỗi đau. Không khóc không kêu gào thì nỗi đau cũng vẫn hiện diện.
Trong Kinh Địa Tạng có nói Đất là Bồ Tát của chúng sinh. Chịu tất cả những nỗi đau không phản kháng, bị vùi dập bị rẻ rúng nhưng Đất luôn nâng đỡ ôm ấp nuôi dưỡng người bất kể khi nào người tìm về với Đất.
Cái buồn thâm trầm trọng giọng văn của Võ Đắc Danh là sự nhẫn nhịn của đất. Những trang viết của ông là chuyện kể của hạt phù sa chở nỗi đau của đất quê mình.
Tiếp tục phần hai câu chuyện về đồng bằng với nhà báo nhà văn Võ Đắc Danh.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại