Hàng ngàn người tầm trú tại Úc mắc kẹt do hệ thống thị thực “xử lý nhanh”

Piume Kaneshan (SBS).jpg

Cô Piume Kaneshan Source: SBS

Có khoảng 9.000 người tầm trú đến Úc hơn một thập kỷ trước và vẫn bị mắc kẹt do hệ thống được đưa ra dưới thời Liên đảng. Hàng ngàn người trong số họ còn là trẻ em khi mới đến Úc, giờ đây vẫn giữ visa tạm thời và sống trong nỗi lo sợ có thể bị trục xuất khỏi Úc bất cứ lúc nào.


Khi mới 7 tuổi, cô bé Piume Kaneshan cùng mẹ và chị gái đã lên thuyền chạy trốn khỏi đất nước nơi cô sinh ra, Sri Lanka, vì lo sợ bị đàn áp trong thời gian sau cuộc nội chiến năm 2009.

Hiện là sinh viên điều dưỡng 20 tuổi, nỗi lo lắng và bất an của tuổi trưởng thành tăng lên do sự thiếu an toàn về nơi ở tại Úc, nơi Piume Kaneshan đã sống phần lớn cuộc đời mình.

“Tôi thức dậy mỗi sáng đi học và biết rằng mình không có thị thực thích hợp. Tôi có thể bị đưa trở lại Sri Lanka bất cứ lúc nào. Tôi có thể phải rời đi vào tuần tới. Tôi có thể phải rời đi trong hai năm. Tôi lo lắng cho mẹ của mình, tôi lo lắng về tình hình thị thực của mình. Và rồi còn cả việc học đại học. Thế nên nhiều lúc tôi muốn nổ tung cái đầu.”

Cha cô buộc phải ở lại Sri Lanka khi cô cùng mẹ và chị gái đến Úc tị nạn.

12 năm sau và 2 năm trước, do điều kiện thị thực nghiêm ngặt đối với gia đình cô ở Úc, họ không thể về thăm ông khi ông qua đời vì bệnh ung thư gan.

“Chúng tôi tổ chức đám tang cho ông. Mọi người đều có mặt, tôi chỉ xem qua cuộc gọi video và cho đến giây phút cuối cùng khi ông ấy được chôn cất, tôi không thể ngừng khóc vì cho đến khi chết, tôi sẽ không thể nào nhìn thấy ông ấy nữa. Tôi không muốn bất cứ ai trải qua điều đó."

Cô Piume là một trong khoảng 9.000 người tầm trú đã đến Úc hơn một thập kỷ trước nhưng vẫn bị mắc kẹt trong hệ thống được tạo ra để “xử lý nhanh” yêu cầu tị nạn của họ.

Đó là một kế hoạch do chính phủ Liên đảng lúc bấy giờ thiết lập vào năm 2014 cho 31.000 người đến bằng thuyền trước năm 2012, những người bị ảnh hưởng sẽ được cấp thị thực tạm thời trong khi quá trình này diễn ra.

Đảng Lao động chỉ trích hệ thống này, thế nhưng kể từ khi lên nắm quyền, họ đã không đưa ra được giải pháp nào cho hàng ngàn người đang chờ đợi tình hình của họ được giải quyết.

Khoảng 19.000 người đã được công nhận là người tị nạn, nhưng vẫn còn tồn đọng số lượng visa đáng kể trong chương trình chưa được giải quyết.

Cô Jana Favero từ Trung tâm Nguồn lực Người tị nạn cho biết điều này đã đặt nhiều người vào tình thế vô cùng bấp bênh.

“Thật khó cho những người bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng, không thể tận hưởng những điều tương tự như những người cùng lứa tuổi của họ, phải chờ đợi và sống trong tình trạng bấp bênh. Họ đã sống trong cộng đồng này được 10 năm và đã đến lúc họ có thể chắc chắn xây dựng lại cuộc sống của mình."

Một số người phản đối, bao gồm Nghị sĩ độc lập Allegra Spender và thượng nghị sĩ độc lập David Pocock, đang kêu gọi chính phủ chấm dứt sự chờ đợi kéo dài hàng thập kỷ của những người này.
Rất nhiều người trong số này đã có những đóng góp to lớn hoặc nhiều người trong số họ đến đây khi còn là những đứa trẻ 7-10 tuổi. Họ tự xem mình là người Úc. Và tôi nghĩ đã đến lúc đưa ra quyết định và để mọi người tiếp tục cuộc sống của mình
Nghị sĩ độc lập Allegra Spender
Bộ trưởng Di trú đã từ chối trả lời phỏng vấn với SBS News, nhưng một phát ngôn viên cho biết "chính phủ cam kết đánh giá hiệu quả từng yêu cầu bảo vệ" và "hệ thống bảo vệ cũng như các hồ sơ tồn đọng sẽ mất thời gian để giải quyết."

Trong lúc chờ đợi chính phủ giải quyết, nhiều người di cư như cô Piume Kaneshan, người đã sống phần lớn cuộc đời ở Úc, đang phải đối mặt với khả năng bị buộc phải quay trở lại một đất nước mà họ không có mối liên hệ nào.

“Tôi lớn lên trong nền văn hóa Úc. Tôi quên cách nói ngôn ngữ của mình một cách chính xác. Tôi không biết cách viết và đọc bằng ngôn ngữ của mình. Tôi lớn lên ở đây. Tôi học tiểu học, trung học, cao đẳng và bây giờ là đại học. Mọi thứ tôi làm đều liên quan đến văn hóa Úc, tôi tin rằng tôi là người Úc. Vì vậy, thật khó tin khi bảo chúng tôi quay trở lại. Thật đáng sợ vì tôi không biết bất cứ điều gì liên quan đến Sri Lanka."

Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 

Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 

Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ hay 

 

Share