Bắc Hàn đã làm cho thế giới kinh ngạc khi hôm 21/4 tuyên bố chấm dứt các vụ thử phi đạn liên lục địa và phá bỏ một nơi thử nguyên tử, thay vào đó là theo đuổi hòa bình và mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ban đầu hoan nghênh quyết định của Bình Nhưỡng nhưng nói rằng còn lâu nữa cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Hàn mới kết thúc.
Ông Trump viết trên Twitter: "Có thể mọi chuyện sẽ có kết quả, và có thể không - chỉ có thời gian sẽ trả lời. Nhưng điều tôi đang làm đáng lẽ nên được làm từ lâu rồi."
Nhưng thông báo của Chủ tịch Kim Jong Un không nói đến cam kết phá bỏ các phi đạn và vũ khí nguyên tử hiện có, và có nghi ngờ rằng lãnh tụ Bắc Hàn sẽ không bao giờ từ bỏ kho nguyên tử đã phát triển suốt nhiều thập niên qua.
Nhưng Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres vẫn tỏ ra lạc quan.
"Tôi tin rẳng ở Bắc Hàn con đường đã mở ra cho việc phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên trong ôn hòa và điều đó chứng tỏ ngoại giao là con đường để giải quyết xung đột. Không phải chiến tranh mà phải qua ngoại giao."
Đồng minh chính của Bắc Hàn là Trung Quốc nói lời hứa của Bắc Hàn sẽ giúp cải thiện tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Thủ tướng Thụy Điển, Stefan Lofven nói ông cũng cảm thấy lạc quan.
"Tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã thay đổi rất nhiều chỉ trong vòng vài tháng. Điều đó cho thấy chúng ta có thể đạt được nhiều điều với một Hội đồng Bảo an đoàn kết."
"Nhưng đồn đoán chuyện gì sẽ xảy ra vào lúc này có phần nguy hiểm, nhưng có vẻ lạc quan nên chúng ta hãy làm việc trên cơ sở đó."
Bắc Hàn đang ở ngả tư đường. Họ sẽ bị các chế tài quốc tế bóp ngẹt thở khi mà cả Trung Quốc và Nga mới đây cũng tham gia.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley nói cuối cùng thì Bắc Hàn đã cảm nhận được áp lực của ngoại giao, chính trị và kinh tế.
"Hội đồng Bảo an đã thống nhất và đã có thể áp đặt các biện pháp chế tài lên Bắc Hàn, cô lập họ cho đến khi họ có thái độ tốt hơn, và nay thì chúng ta thấy họ đang muốn đàm phán."
Nhưng Ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói Bắc Hàn phải chứng tỏ là họ thật tâm trong việc từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử.
"Viễn ảnh hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn là chuyện chúng ta sẽ theo đuổi và đó là một dấu hiệu cho thấy Bắc Hàn có thể đang thực tâm muốn phi nguyên tử hóa về lâu về dài."
"Nhưng chúng ta cần nhớ rằng Bắc Hàn đã từng hứa hẹn nhiều lần cho nên chúng ta cần có những bước xác minh trước khi tỏ ra lạc quan về kết quả."
Bắc Hàn đã nhiều lần nuốt lời hứa
Năm 1994 họ đã cam kết với Mỹ là sẽ từ bỏ các lò phản ứng, nhưng sau đó vẫn bí mật tinh luyện uranium.
Mười năm sau, Bình Nhưỡng đồng ý với 5 quốc gia chấm dứt chương trình nguyên tử để đổi lấy viện trợ kinh tế, nhưng sau Bắc Hàn đã thực hiện vụ nổ nguyên tử đầu tiên của họ.
Năm 2007, một lần nữa Bắc Hàn cam kết hủy bỏ các cơ sở nguyên tử và cho phép giám sát viên quốc tế kiểm chứng, nhưng rồi lại tiến hành vụ nổ nguyên tử thứ nhì với lý do là vì Hoa Kỳ không giữ những gì đã hứa hẹn.
Gần đây nhất là năm 2012, Kim Jong Un đã đạt được thỏa thuận với Tổng thống Barack Obama đình chỉ chương trình nguyên tử và các vụ nổ để đổi lấy viện trợ, nhưng rồi Bắc Hàn đã bắn thử một phi đạn liên lục địa.
Nhưng phân tích gia về Triều Tiên, Tiến sĩ Leonid Petrov thuộc đại học ANU tin rằng cam kết lần này của Bình Nhưỡng khác với những lần trước.
"Kim Jong Un rất thành thực khi đưa ra lời cam kết bởi vì Bắc Hàn đang ở ngả tư đường. Họ sẽ bị các chế tài quốc tế bóp ngẹt thở khi mà cả Trung Quốc và Nga mới đây cũng tham gia."
"Đó là lý do tại sao Kim Jong Un cảm nhận được tác hại của các biện pháp chế tài."
Nhưng các phân tích gia khác nghĩ rằng đây là một nước cờ chiến lược của Kim Jong Un bởi vì nay ông ta đã có lá bài mặc cả trong tay.
Đó là cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in vào thứ sáu này 27 tháng Tư. Kim Jong Un cũng sẽ gặp Tổng thống Donald Trump vào cuối tháng 5 hay đầu tháng 6.