Cơm áo gạo tiền: Bạn có đang dạy con chi tiêu thông thái, bền vững và có trách nhiệm?

c8c98cdc-0b36-43d6-a488-1544cd7380a1.jfif

Trước khi quyết định mua một món đồ nào đó, con bạn có từng vẽ lại, ghi chú hay chụp ảnh món đồ để suy nghĩ kỹ hơn? Trà Hương chia sẻ phương pháp giúp trẻ cân nhắc mong muốn của mình một cách tự nhiên. Credit: Supplied

Làm sao để con không khóc lóc, đòi mua bằng được món đồ chơi trong cửa hàng? Khi trẻ bị cuốn vào trào lưu sưu tập, mua sắm, quảng cáo, làm sao để con không chạy theo những món đồ kém chất lượng? Một bà mẹ Việt có cách tiếp cận nhẹ nhàng mà hiệu quả, giúp con giải tỏa cảm xúc mà không cần nói "Mẹ không có tiền, nhà mình nghèo lắm!".


Các tham vấn dưới đây chỉ mang tính tổng quát, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, mời quý vị gặp các chuyên gia tài chính để có lời khuyên phù hợp trong từng trường hợp cụ thể.

Trà Hương (Evelyn Trần) làm mẹ toàn thời gian, đang sống ở Melbourne. Cô là giáo viên Montessori và quản trị viên của nhóm 'Cộng đồng cha mẹ gỡ rối, tích cực chia sẻ' và 'Montessori cùng con ở nhà'.

Con khóc lóc ăn vạ đòi mua đồ, cha mẹ biết làm sao?

Thật sự thì mình chưa gặp phải tình huống con khóc lóc, giận dỗi, ăn vạ quá khích khi bé rất muốn mua thứ gì đó mà mẹ lại không muốn. Hương cảm thấy mình thật may mắn khi mấy bé nhà mình rất hiểu chuyện. Còn những lúc các bé thích thứ gì đó khi đi trung tâm thương mại cùng mẹ, rồi mê say thích thú với hằng hà sa số đủ thể loại đồ đạc, không muốn rời khỏi quầy hàng, thì xảy ra thường xuyên. Mình đi mua sắm còn mê thì trẻ con cũng thế thôi.

Những lúc như vậy thì mình thường chú trọng vào việc công nhận cảm xúc của con vào thời điểm đó. Ví dụ như con mình muốn mua một chiếc xe hơi đồ chơi, say mê chăm chú không muốn rời quầy hàng đó. Mình sẽ chú tâm vào con, cùng con xem những chiếc xe đủ màu sắc trên quầy, hỏi con thích chiếc xe nào, màu gì, xe mui trần, xe cảnh sát, hay xe cần cẩu, tại sao.

Mình nhất định sẽ dành một chút thời gian để tìm hiểu mong muốn sở thích của bé. Rồi bé thích những chiếc xe nào thì mình sẽ đề nghị bé ôm chiếc xe yêu quý đó để mình chụp cho bé tấm hình, vài tấm hình cũng được. Có thể bé sẽ nói con muốn mẹ mua cho con chiếc xe này. Mình sẽ bảo là mình đã chụp hình con với những chiếc xe mà con rất thích rồi nè, mình về nhà rồi xem xét suy nghĩ lại xem mình có thật sự cần mua không nhé.

Rồi mình cho bé xem những tấm hình tươi tắn mà bé đã được chụp với từng chiếc xe bé thích. Lúc này thì cảm xúc ham muốn thích thú một thứ mới lạ của bé đã phần nào được giải toả, lại yên tâm khi thấy hình ảnh món bé thích trong máy của mẹ rồi, nên bé thường vui vẻ rời đi với mình. Mình rất hiếm khi nào mua luôn món đồ mà con xin khi cùng con đi mua sắm, trừ khi mấy mẹ con dự định đi mua món đó ngay từ đầu...
Nhiều khi não người lớn chúng ta thường đi hơi vội, nếu bé rất thích và dính lấy một món hàng gì đó, thì não người lớn chúng ta mặc nhiên xác định là trẻ đang đòi mua món hàng đó, rồi tự đưa mình vào thế phòng thủ, từ chối ngay lập tức rồi lôi kéo con đi chỗ khác.
Phản ứng quá khích của người lớn thường là nguyên nhân chính gây ra cảnh khóc lóc, ăn vạ ở trẻ trong những lần đầu tiên, chứ không hẳn là trẻ vì đòi mua không được mà quá khích khóc ầm lên đâu.

Trẻ khóc vì cảm xúc thời điểm đó chưa được giải toả thoả đáng, chứ không phải khóc lóc vì không được mua một món đồ. Chúng ta nên nhìn nhận công tâm điều này, để bình tĩnh xử lý giúp con vượt qua cảm xúc khó khăn. Cũng có khi vì con khóc lóc, làm mình làm mẩy quá nên cha mẹ đành chấp nhận mua thứ đó cho xong, chỉ để con thôi không khóc nữa. Nhưng đó lại là khởi đầu của vấn đề, thế là đến lần sau thì trẻ sẽ bị thói quen cũ điều khiển khi mong muốn một thứ gì, tiếp tục ăn vạ để đạt được thứ trẻ muốn. Đây không phải lỗi của trẻ, chỉ là khi cảm xúc chưa được giải toả nhẹ nhàng thì sẽ dễ bùng phát hơn, khi trẻ còn nhỏ chưa biết kiềm chế mong muốn và cảm xúc của mình.
Huong.jpg
Chị Hương Trần là giáo viên AMI Montessori 3-6 tuổi ở Úc, mẹ của ba bé Samantha, Olivia và Lucas.
Chọn thời điểm trung lập để dạy con và cách vào đề như thế nào?

Mình cũng không muốn nhắc đến tiền bạc với con khi mình không mua một món gì đó cho con. Mình tuyệt đối không nói "Mẹ không có tiền, mẹ hết tiền rồi" hay là "Nhà mình khó khăn, mình còn phải dùng tiền để trả tiền nhà, mua thức ăn..." Tại sao? - Thứ nhất, bởi vì đó không phải sự thật, mình thích nói thật với con chứ không bao giờ kiếm cớ lấp liếm viện lý do, trẻ cũng sẽ nhanh chóng nhận ra khi thấy mẹ đi mua thứ này thứ nọ, mẹ đặt hàng cái này cái kia gửi về nhà, chứ có phải mẹ hết tiền đâu. - Thứ hai, bởi vì đó không phải là thời điểm thích hợp. Mình sẽ dạy trẻ về đồng tiền và tài chính ở một thời điểm trung lập khác, chứ không phải lúc con muốn mua mà không được. Và mình lại càng không muốn khái niệm về đồng tiền đi vào tâm thức của con như vậy, rằng nhà mình nghèo, rằng mẹ không có tiền, rằng cần phải có nhiều tiền thì mình mới mua được thứ mình muốn. Nếu suy nghĩ ấy lỡ đi vào tâm trí trẻ mà dẫn đến một sự mặc cảm nào đó thì thật là không hay chút nào.
 
Mình cũng không giải thích gì với trẻ về nhu cầu và mong muốn ngay khi trẻ xin mua một món gì đó. Vẫn theo quan điểm cũ, mình cần chọn một thời điểm trung lập, vào một ngày khác, không liên quan gì đến việc trẻ muốn mua thứ này thứ nọ, để giải thích hay dạy con bất cứ điều gì. Mình được học điều này từ lớp giáo viên Montessori, dạy trẻ điều bạn muốn ở một thời điểm trung lập, chứ không phải ngay lúc trẻ mắc lỗi sai, hay là ngay lúc trẻ có nhiều cảm xúc đang cần giải toả. Như vậy thì sẽ khách quan hơn, trẻ sẽ sẵn lòng đón nhận bài học đó hơn, trong tâm trạng vui vẻ hơn. Cố gắng khuyên bảo, giảng giải khi người đối diện đang ùn ùn cảm xúc thì thường phản tác dụng. Người kia cảm thấy bị bắt lỗi, sinh ra phản xạ phòng thủ, chứ không vui vẻ sẵn sàng lắng nghe.

Phương pháp khuyến khích con suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định mua một món đồ?

Khi không phải ở trong cửa hàng mà bé nói với mình là bé thích món gì đấy, thì mình gợi ý bé vẽ hình ảnh món đó ra, viết chú thích cụ thể ý muốn của mình. Hoặc là nếu bé muốn nhiều thứ, thì có thể viết hết ra giấy liệt kê tất cả những thứ mà bé thích. Hai bé lớn nhà mình 9 tuổi và 6 tuổi, rất thích vẽ và đã biết viết, nên việc này hai bạn ấy làm được, và cũng thích làm.

Đồng thời việc này cũng tạo cơ hội cho bé mang suy nghĩ và ý tưởng trong đầu ra giấy, hiện thực rõ ràng những điều mình muốn thành chữ viết và hình ảnh, rất có lợi cho trẻ. Khi bé được vẽ và ghi chú tỉ mỉ, lập cả danh sách những món yêu thích thì bé sẽ phần nào giải tỏa được mong muốn, đam mê của mình. Danh sách này thay đổi từng ngày và mấy ẻm sẽ tự cập nhật, ghi chú, lâu lâu lại hỏi mẹ chữ này viết thế nào. Mình thấy vậy cũng là một cách hay để bé 6 tuổi vui vẻ tự tập viết chữ. 
dcb27ca8-a6d6-4dd8-ac8b-f760ebea14eb.jfif
Ba bạn nhỏ 9 tuổi, 6 tuổi và 3 tuổi đã có ý thức về việc lựa chọn các món đồ bền vững và thiết thực khi đi mua sắm với mẹ.
Khi đến dịp đặc biệt nào đó, như sinh nhật, giáng sinh, có khi mình tự chọn một món mình thấy hợp lý trong danh sách những món bé thích mà bí mật mua quà, gói thật đẹp và tặng cho bé. Lúc nhận quà bé rất chi là vui vẻ, sung sướng với đúng món quà mình thích và đã vẽ, ghi chú nhiều lần.

Cũng có những món bé muốn là cần thiết thật, ví dụ như giày thể thao, vì giày đang mang đã chật bé mang đau chân. Vậy thì mình sẽ sắp xếp nhanh chóng cùng đi mua đôi giày mới cho bé, tất nhiên là bé tự do chọn đôi bé thích.

Nói chung là mình tin tưởng là theo thời gian thì các con sẽ tự mình học được cách cân nhắc, suy nghĩ cẩn thận, phân biệt giữa nhu cầu quan trọng cần thiết và mong muốn nhất thời. Mình chỉ cần làm gương trong việc mua sắm có cân nhắc, và nhiều khi chia sẻ suy nghĩ của mình với bé khi bản thân mình thích món gì, thì bé sẽ nhanh chóng hiểu ý và tự áp dụng.

Ví dụ như mình đi với bé và nói mẹ thích cái bông tai này nè, màu này dễ thương quá nè. Nhưng không phải mình thích là mình phải mua liền đâu. Mẹ có nhiều bông tai rồi. Với lại mình sắp đi Nhật chơi nè, mẹ sẽ tiết kiệm để dành để cả nhà mình đi du lịch á.
Trẻ con thích cái mới liên tục, nhiều khi cũng ảnh hưởng từ bạn bè họ hàng xung quanh. Khi trẻ nói là trẻ rất thích một món gì đó, không có nghĩa là trẻ đang đòi hỏi phải có món đó. Chúng ta nên chú trọng vào cảm xúc của con và để cho con thấy là ba mẹ hiểu và luôn yêu thương con, chứ không phải là thoả mãn mong muốn vật chất của con mới là thương con.
Dạy con tiêu chí nào để đánh giá chất lượng và sự an toàn của sản phẩm?

Ở những thời điểm trung lập ở nhà, rảnh rỗi và vui vẻ, thì mình cũng hay bày cho con cách chọn sản phẩm chất lượng.

Ví dụ như với thực phẩm đóng hộp thì mình sẽ chỉ con cách đọc thành phần sau bao bì, không mua những món có chứa chất bảo quản, chất điều vị các kiểu mà đằng sau thường kèm theo những mã số hoá chất...

Các sản phẩm dưỡng da, dầu gội, sữa tắm cũng vậy. Mình cũng dạy con chọn các sản phẩm lành tính. Tên thành phần mấy thứ dưỡng da này thì khó đọc, nên mình chỉ cho con cách dùng App Yuka để scan các barcode sản phẩm và cho điểm an toàn của sản phẩm.  

Còn đồ chơi thì mình hướng con đến những món đồ chơi giáo dục, bằng chất liệu an toàn, và quan trọng là cách chơi mở, khơi gợi nhiều cách khác nhau mà trẻ có thể chơi. Cũng có khi có những xu hướng đồ chơi như các kiểu squishies mềm mềm đủ màu mà mình không thích, vì xuất xứ không rõ ràng, nguyên liệu không biết làm bằng cái gì, màu sắc sặc sỡ mà không biết màu có an toàn không. Mình chia sẻ cho con biết lo ngại của mình luôn.

Rồi về sau khi bàn về món đồ gì thì mấy mẹ con mình đều đem ra mổ xẻ phân tích, món này làm bằng chất liệu gì, bằng gỗ, nhựa hay vật liệu gì, từ nước nào, màu sắc này là từ sơn hay phẩm màu hay gì, có an toàn, uy tín không, có tên công ty sản xuất không, có xứng đáng để bỏ tiền ra mà mua không? Nếu câu hỏi là mấy mẹ con mình đều không biết món này làm từ nguyên liệu gì, và không có tên nhà sản xuất, thì kết luận là mình không biết món này có an toàn không, nên trẻ con thật sự không nên đụng tới. 
9a300813-dcb6-4d9a-84b8-bac73d0446ed.jfif
Các con được hướng dẫn các tiêu chí đúng đắn để đưa ra quyết định mua sắm.
Còn quần áo thì mình chỉ cho con đọc thành phần làm nên cái áo cái quần đó, là cotton, bamboo hay sợi tổng hợp polyester. Là cotton, hay tốt hơn nữa là cotton hữu cơ toàn phần đương nhiên sẽ mát và bền hơn vải tổng hợp. Nhưng nếu đi mua hàng chỉ chọn cái hình trên áo mà không đọc chất liệu vải, không sờ cảm nhận xem vải có mềm mại không, thì sẽ là rất thiếu sót, vì có thể mặc bị ngứa, khó chịu về sau, hoặc là vải sẽ nhanh sờn, nhanh bị xù lông...
 
Đối với mình thì trẻ con nên mặc quần áo đơn giản, dễ dàng tự mặc, vải mát mẻ và dễ chịu. Mình không bao giờ ép con phải mặc thứ mà mình muốn. Mình chỉ gợi ý, chứ không bao giờ ép con phải theo mình. Mình cũng chỉ cho con thấy là nếu con chọn cái váy có dây kéo sau lưng, con khó mà tự mặc được, vậy thì phải mất công nhờ người khác kéo lên dùm. Hoặc là với bé út 3 tuổi nhà mình, thì mình sẽ gợi ý bé chọn quần vải thun đơn giản màu bé thích, vì quần jeans vải thô cứng rất khó chạy nhảy, lúc đi vệ sinh cũng cần loay hoay lâu hơn để tự làm với bé nhỏ 3 tuổi.

Quần áo, giày cho trẻ nhỏ thực sự cần phải đơn giản, quần lưng thun mềm, giúp trẻ tự mình xử lý được. Còn những món váy cầu kỳ, sơ mi lịch sự chỉ cần có một hai cái để đi tiệc là đủ. Giày cho bé nhỏ dưới 6 tuổi nên là giày thể thao dễ mang, tránh các kiểu giày khó cho trẻ tự mang và các loại giày dép có đế dễ trượt ngã khi chạy nhảy, leo trèo. Nếu một đôi giày mà bạn cảm thấy nó hạn chế sự vận động của trẻ, thì bạn nên đổi đôi giày, chứ không phải liên tục nhắc bé không được vận động thế này thế nọ vì bạn lo sợ giày dép trơn dễ ngã... 

Với truyện tranh thì đa số là mấy mẹ con mình lên thư viện online chọn đặt sách mình muốn, rồi lúc thư viện họ có thì đi lấy. Thật là may mắn vì ở Úc có thư viện bao nhiêu là sách hay.
 
Áp lực của chủ nghĩa tiêu dùng và mua sắm thái quá

Đối với mình thì an toàn và chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố đi đầu. Cũng may là ở Úc mình cũng không có nhiều trào lưu cho lắm. Mình vẫn áp dụng những nguyên tắc như ban nãy mình đã kể, luôn trân trọng cảm nhận, mong muốn của con, khuyến khích con vẽ, ghi chép ra mong muốn của mình. Mình tin là khi con đầy đủ yêu thương, và được thể hiện ra giấy mong muốn của mình, thì bé chưa bao giờ "muốn mua cho bằng được" hay quá khích đòi hỏi cả.

Đôi khi chúng ta thật sự nên giúp trẻ nhìn nhận được sự dư thừa của xã hội ngày nay, và tác hại của thời trang nhanh, rác thải từ quần áo, đồ chơi, đủ thứ đồ đạc dư thừa thành rác rất khó phân hủy. Khi hiểu được vấn đề chung, bé sẽ giúp bạn chung tay góp phần nhỏ hạn chế đồ đạc không cần thiết. Mình cũng có khi mở YouTube hoặc Netflix cho các bạn nhỏ xem phim tài liệu về những chủ đề này. 

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe toàn bộ bài phỏng vấn.
'Cơm áo gạo tiền' phát thanh hàng tuần vào mỗi tối thứ Ba trên SBS Radio. Tại đây, các chuyên gia về tài chánh, tiền bạc, hưu bổng, thuế vụ, đầu tư, cho vay... sẽ chia sẻ với quý vị phương thức chi tiêu thông minh, cách đầu tư hiệu quả, tư duy đúng đắn về tiền bạc, cũng như những khái niệm căn bản về tiền bạc. Đón nghe và cho chúng tôi biết chủ đề bạn quan tâm bằng cách gửi email về cho SBS: [email protected]

Share