Phe quân nhân nắm quyền đã tuyên bố thiết quân luật sau khi các cơ sở kinh doanh của người Trung Quốc trong khu vực Hlaing Tharyar và quận Shwepyitha ở Yangon bị tấn công.
Bắc Kinh nói những người mang gậy sắt, rìu và xăng đã phóng hỏa làm hư hại 10 cơ sở kinh doanh của người Trung Quốc, hầu hết là các cơ sở sản xuất đồ may mặc hoặc nhà kho tại Yangon. Một khách sạn của người Trung Quốc cũng bị tấn công. Những người biểu tình tin rằng Trung Quốc đang hỗ trợ giới quân nhân Miến Điện.
Trên trang Facebook của mình, Đại Sứ quán Trung Quốc thúc giục nhà chức trách Myanmar "hãy có các biện pháp hiệu quả hơn nữa nhằm chấm dứt toàn bộ những hành động bạo lực, trừng trị thủ phạm phù hợp với luật pháp, và đảm bảo sự an toàn về tính mạng, tài sản của các các công ty và nhân sự Trung Quốc tại Myanmar".
Ngoài những người biểu tình bị giết chết tại Yangon hôm Chủ Nhật, đã có thêm các trường hợp tử vong và bị thương ở những nơi khác trên toàn quốc. Hiệp hội Hỗ trợ Các Tù nhân Chính trị (AAPP) nói số người tử vong trong ngày là 38.
Những người Miến ở Úc đang lo lắng theo dõi diễn biến ở quê nhà. Bà Sophia Sarkis 43 tuổi hiểu rõ cuộc sống dưới sự cai tri của chế độ quân phiệt như thế nào. Bà kêu gọi chính phủ Úc hãy chế tài thân nhân hiện đang sống ở Úc của giới lãnh đạo quân nhân Myanmar.
"Nếu chính phủ làm như vậy, mấy đứa con của giới lãnh đạo quân nhân sẽ thấm thía được nỗi đau khổ của người dân Myanmar đang phải chịu đựng."
Những người thạo tin trong cộng đồng ước đoán đang sống tại Úc phải có cả trăm con cái của giới lãnh đạo quân nhân Myanmar.
Dân biểu Đảng Xanh Janet Rice cũng ủng hộ lời kêu gọi chính phủ liên hãy ban hành các biện pháp chế tài.
"Các biện pháp chế tài có thể bao gồm hủy visa, cấm làm việc, và đóng băng tài khoản. Tuy vậy, chúng ta không nên cấm vận toàn bộ các thành viên của giới lãnh đạo quân nhân mà nên xem xét ai là thân nhân của những người trực tiếp chỉ huy cuộc đảo chánh để rồi có biện pháp chế tài phù hợp."
Hoa Kỳ đã cấm vận hai người con của lãnh đạo quân nhân Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing và 6 công ty của hai người này.
Chuyên gia về Myanmar của tổ chức Human Rights Watch, Manny Maung kêu gọi chính phủ hãy điều tra những mối liên kết về tài chánh giữa Úc và Myanmar.
"Chúng ta phải làm sao để các doanh nghiệp Úc không làm ăn với các tập đoàn do quân đội Myanmar kiểm soát."
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế Amnesty International đã xác nhận những đoạn phim quay bằng điện thoại cho thấy quân đội càng lúc càng sử dụng những biện pháp gây chết người đối với đám đông biểu tình.
Kayleigh Lond chuyên viên về Myanmar của Amnesty kết luận quân đội Myanmar đã có chủ đích giết người.
"Ban đầu họ sử dụng vừa đạn thật vừa đàn cao su, nhưng bây giờ thì chúng ta thấy có nhiều người chết hơn trước.”
Tin này đã được cảnh sát viên đào tị dấu tên xác nhận.
"Chỉ huy của tôi ra lệnh bắn vào đám đông biểu tình nhưng tôi không tuân lệnh vì tôi muốn đứng về phía nhân dân, tôi xin chỉ huy cho nghỉ phép thăm nhà và thế là tôi đào thoát luôn."
Tình hình ở Myanmar càng lúc càng căn thẳng cần có một giải pháp cấp thời, sau khi biểu tình liên tục nổ ra kể từ lúc có đảo chính quân sự, hôm 1/2.
Giới quân sự cầm quyền đã bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo dân sự của nước này và là người đứng đầu đảng Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (NLD).
NLD giành chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử năm ngoái, nhưng phe quân sự cáo buộc đã có tình trạng gian lận rộng khắp trong kỳ bầu cử đó.
Một số người trong các dân biểu bị lật đổ không chấp nhận cuộc đảo chính hồi tháng trước và đã ẩn náu.
Trong lần phát biểu công khai đầu tiên, lãnh đạo của những người này, Mahn Win Khaing Than, đã thúc giục người biểu tình hãy tự vệ trước sự trấn áp của phe quân đội trong điều ông gọi là "một cuộc cách mạng".