Phim quay bằng điện thoại cho thấy những xác người đẫm máu vì trúng đạn lúc xuống đường chống lại quân đội.
Theo các nhân chứng 8 người biểu tình bị hạ sát khi các binh sĩ nổ súng vào đám đông ở miền trung. Một số khác bị bắn chết ở thành phố Yangon.
Trong số các nạn nhân là Chit Min Thu, chồng của bà Aye Myat Thu.
“Anh ấy nói chuyện này đáng để hy vinh tính mạng. Anh ấy lo người dân không xuống đường vì nếu không đất nước sẽ mất dân chủ. Anh ấy lo lắng cho dân chủ. Nay thì chúng tôi phải trả giá bằng cái chết của anh ấy. Tôi vẫn chưa nhìn thấy xác của chồng."
Trước đó Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các bên kềm chế. Anh Quốc soạn thảo một thông cáo lên án việc quân đội đàn áp những người biểu tình ôn hòa, và yêu cầu quân đội hãy trả tự do ngay cho những người đang bị giam giữ.
Nhưng vì Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Việt Nam phản đối, trong tuyên cáo cuối cùng của hội đồng từ ngữ lên án quân đội đã không được ghi xuống.
Là đồng minh thân cận với quân đội Myanmar, Trung Quốc và Nga kêu gọi hai bên hãy hòa giải, nhưng ủy viên nhân quyền của LHQ phụ trách Myanmar, Thomas Andrews thúc giục các nước hãy áp đặt cấm vận đối với nhà cầm quyền quân nhân.
"Các mỏ khí đốt của Myanmar đem về cho giới lãnh đạo quân nhân khỏng 1 tỉ Mỹ kim trong năm nay. Nếu không có cấm vận, nhà cầm quyền bất hợp pháp ở Myanmar sẽ tiếp tục dùng số tiền đó để kinh doanh bất hợp pháp và đàn áp dân lành vô tội.“
Ông Thomas Andrews tố cáo quân đội đã giết chết 70 người kể từ khi đảo chánh, với phân nửa số nạn nhân dưới 25 tuổi. Vị cựu dân biểu Mỹ này cho biết quân đội Myanmar đã bắt giam 2,000 người.
"Có nhiều bằng chứng video cho thấy lực lượng an ninh đã đánh đập tàn nhẫn những người biểu tình, nhân viên y tế, và khách qua đường. Video quay được cảnh quân đội và cảnh sát đập phá nhà cửa, hôi của, và bắt người tùy tiện cũng như bắn bừa bãi vào nhà dân. Video quay được cảnh người biểu tình bị thương nặng trên đầu và video quay được cảnh binh sĩ kéo lê xác chết của các nạn nhân."
Nhưng chánh văn phòng của bộ ngoại giao Chan Aye quả quyết giới an ninh chỉ dùng vũ lực khi cần thiết mà thôi.
"Trong những ngày qua chính quyền quan tâm đến việc gìn giữ trật tự. Nhà chức trách đã kềm chế hết sức trong lúc đối phó với những cuộc biểu tình bạo động."
Giới cầm quyền quân nhân mới thêm tội danh nhận hối lộ cho nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi. Đây là cáo buộc nặng nề nhất mà phía quân đội đưa ra kể từ khi phe này lật đổ bà Suu Kyi và giới lãnh đạo dân chủ hôm 1/2.
Phát ngôn nhân của nhà cầm quyền quân nhân, Chuẩn tướng Zaw Min Tun nói bằng chứng là lời khai của một cựu quan chức ở Yangon.
"Theo điều tra của chúng tôi, cựu quan chức Yangon, Phyo Min Thein đã thú nhận những chuyện có liên quan đến Aung San Suu Kyi. Chúng tôi đã tìm hiểu cặn kẻ các cáo giác đó. Theo Phyo Min Thein, trong khoảng từ tháng 12 năm 2017 đến tháng 3 năm 2018, ông ta đã đưa cho Aung San Suu Kyi 600,000 Mỹ kim và 11 ký vàng".
Chuẩn tướng Zaw Min Tun cũng cáo buộc Tổng thống Win Myint và một số bộ trưởng trong Nội các là tham nhũng.
Đảng của bà Suu Kyi, Liên đoàn Dân tộc vì Dân chủ (NLD) đã giành chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử hồi năm ngoái, nhưng quân đội nay nói rằng đó là kỳ bầu cử gian lận.
Các nhà quan sát độc lập quốc tế đã thách thức tuyên bố của quân đội và nói rằng họ không thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong cuộc bầu cử đó.
Bà Suu Kyi 75 tuổi đã bị giam giữ tại một địa điểm không được tiết lộ trong 5 tuần qua.