Chuyện Queensland: Tấm gương Huỳnh Nguyễn Ngọc Nhơn

Huỳnh Nguyễn Ngọc Chơn và cha mẹ

Huỳnh Nguyễn Ngọc Nhơn và cha mẹ, ông Huỳnh Ngọc Quới và bà Nguyễn Thị Thu Huệ Source: Supplied

Sinh ra với căn bệnh loạn dưỡng cơ (MD) khiến cho cuộc đời Huỳnh Nguyễn Ngọc Nhơn sớm gắn liền với chiếc xe lăn ngay từ những năm cuối tiểu học, nhưng em đã không đầu hàng với số phận.


“Having a disability does not stop you from living your life to the fullest.”
“Khuyết tật không thể nào ngăn bạn sống thật trọn vẹn cuộc đời mình.”

Đó chính là lời nhắn gửi của tư vấn viên Huỳnh Nguyễn Ngọc Nhơn – một nhà hùng biện trẻ tuổi thật đặc biệt và đầy nghị lực mà chúng ta sẽ có dịp hân hạnh làm quen trong chương trình hôm nay.

Sinh ra với căn bệnh Loạn dưỡng cơ (Muscular Dystrophy) khiến cho cuộc đời Nhơn sớm gắn liền với chiếc xe lăn ngay từ những năm cuối tiểu học. Nhưng Nhơn đã không đầu hàng với số phận, bằng một ý chí và nghị lực phi thường, Nhơn đã tìm ra con đường sáng cho riêng mình, đã biến những nghịch cảnh trong đời mình thành cơ hội để thành nhân - em đã tốt nghiệp Đại học ngành tư vấn tâm lý và đoạt một số giải thưởng trong các cuộc tranh tài hùng biện.

Chúng ta hãy cùng lắng nghe những trải lòng thật xúc động của Nhơn.

Hưng Việt: Xin chào em Huỳnh Nguyễn Ngọc Nhơn ạ.

Nhơn Huỳnh: Em xin chào bác Việt, cô Mỹ Dung và thính giả đài SBS.

Mỹ Dung: Chào em Nhơn

Hưng Việt: Trước hết, xin em Nhơn vui lòng cho biết chút ít về ngành Tư vấn (Counselling). Đó có phải là một ngành về Tâm Lý học (Psychology) không?

Nhơn Huỳnh: Ở trong Tâm lý thì cũng có Tư vấn, mà Tư vấn này có thể tồn tại ngoài cái Tâm lý, bởi vì tư vấn là mình nói chuyện với người ta và lắng nghe những cái khổ của họ. Tuy nhiên cũng học rất nhiều môn Tâm lý. Nhưng mà có thể có Tư vấn mà không Tâm lý cũng được.

Hưng Việt: Tại sao em chọn theo ngành Tư vấn này?

Nhơn Huỳnh: Cái lý do mà con học môn này vì con muốn giúp người bớt khổ trong cuộc sống. Đối với con, con cảm thấy rằng cái tâm bệnh, tâm khổ, khổ hơn rất là nhiều khi mình so sánh với cái thân bệnh, bởi vì thân bệnh thì mình có thể nhìn thấy được nhưng tâm bệnh mình không thấy được. Ví dụ một người dùng một chiếc xe lăn, họ sẽ dấu những cái khổ trong tâm ở trong lòng của họ và mình không thấy được.

Hưng Việt: Em vừađề cập đến chuyện thân bệnh, thí dụ như một người ngồi xe lăn, đó là trường hợp của em. Em đã lâm vào hoàn cảnh đó thì khi đi học từ nhỏ tới lớn cũng như bây giờ em đi làm, em đã gặp phải những khó khăn như thế nào với cái thân bệnh của em như thế và làm sao mà em vượt qua được những cái khó khăn đó?

Nhơn Huỳnh: Khi con học tiểu học lúc đó con cũng còn đi được. Nhưng mà căn bệnh của con là ảnh hưởng cơ bắp, sau một thời gian thì nó sẽ càng yếu đi. Con nhớ lúc con học lớp 5, thì cũng còn đi được nhưng vấp té khá là nhiều. Con nhớ một lần con đang đi và vấp té, con không thể đứng dậy được, con nhớ lúc đó con chỉ buồn mà khóc thôi. Sau đó thì con phải dùng chiếc xe lăn khi đi học. Sau một thời gian thì con mới có thể chấp nhận. Sau đó con mới có thể bắt đầu lại và sống cuộc sống mà con có thể sống.

Hưng Việt: Rồi bây giờ mình nói chuyện tới những người bị tâm bệnh thì em nói là họ thường dấu hay là không muốn chia sẻ những cái tâm tư u buồn của họ đối với người khác. Là một tư vấn viên, một counsellor em làm sao để khuyến khích hay trigger họ để họ chia sẻ những tâm tư đó cho em biết để có thể giúp đỡ họ. 

Nhơn Huỳnh: Nhiều người nghĩ khi mình đi tới chỗ tư vấn thì họ sẽ khuyên mình hay là cho ý kiến gì, nhưng thật sự điều quan trọng nhất của tư vấn là lắng nghe. Khi mình lắng nghe họ thật sự đến mức độ họ có thể tin tưởng mình thì họ sẽ mở lòng ra và chia sẻ với mình. Và điều quan trọng nhất là phải có tin tưởng với nhau mới có thể bắt đầu được tư vấn.

Hưng Việt: Nhơn à,em đã từng làm thiện nguyện viên cho cơ quan Lifeline là một tổ chức tư vấn qua điện thoại. Thường những người mà gọi tới Lifeline, theo chỗ tôi biết thì họ đã sắp đến một tình cảnh tuyệt vọng rồi, em có thấy việc giúp đỡ qua điện thoại đó có khó khăn lắm không? Bởi vì mình không có gặp được họ, mình không có biết những cảm xúc trên gương mặt họ.

Nhơn Huỳnh: Khi một người điện đến thì trong giây phút đó mình chỉ muốn lắng nghe họ và giúp họ. Cái khó khăn nhứt là mình phải học cách buông xuống những câu chuyện buồn mà người gọi nói với mình và không nên đem công việc về nhà, bởi vì những câu chuyện mà họ chia sẻ vô cùng khổ và nghiệt ngã. Mình phải biết cách chăm sóc bản thân mình, không thôi thì những câu chuyện này sẽ ảnh hưởng mình.

Mỹ Dung: Đó cũng là cái điều mà chị mới định hỏi em, là khi mà mình lắng nghe những cái điều quá buồn khổ của khách hàng thì sau đó có ảnh hưởng gì tới mình không? Những lần đầu tiên em tiếp xúc chắc cũng chưa dễ dàng gì mà em về nhà em buông bỏ được hết liền, và làm sao để em vượt qua những điều đó?

Nhơn Huỳnh: Lúc đầu thì cũng sẽ hơi khó, nhưng mà mình phải nghĩ, khi mình lắng nghe một người thì mình cũng đang cố gắng bớt khổ cho họ trong giây phút đó và mình phải buông bỏ bởi vì nếu không buông bỏ thì mình sẽ bị ảnh hưởng. Mà khi bị ảnh hưởng thì mình không cách nào giúp người khác. Nhơn có một suy nghĩ, mình phải giúp người lâu dài thì phải biết coi chừng sức khỏe của mình. Điều đó giúp Nhơn buông bỏ.

Hưng Việt: Với một tổ chức tư vấn như Lifeline, thí dụ như lần này tôi gọi vào gặp một tư vấn viên này, tôi chia sẻ được tâm tư của tôi lúc đó nhưng mà lần tới, tôi gặp một tư vấn viên khác thì tôi lại phải bắt đầu từ đầu hay là sao? Làm sao người thứ nhì biết được câu chuyện buồn của tôi hay là những khổ sở mà tôi đã trình bày với tư vấn viên cách đây hai tuần chẳng hạn?

Nhơn Huỳnh: Cái này cũng hơi khó vì trên điện thoại có rất là nhiều tư vấn viên và đôi khi rất khó có thể gặp người mình đang nói chuyện với. Thường những người điện Lifeline có thể họ đã có một bác sĩ tâm lý rồi nếu trong trường hợp đó thì mình cố giúp cho họ. Nhiều người phải nói lại. Theo trải nghiệm của Nhơn thì đôi khi có lúc cái khổ của họ nó khác. Trong tuần rồi thì có thể một vấn đề nào đó, mà tuần này thì lại khác. Ví dụ vậy…

Hưng Việt: Rồi bây giờ mình nói tới chuyện hiện tại thì em Nhơn em đang làm việc với tổ chức từ thiện là Variety – The Children’s Charity qua chương trình gọi là Just Like You. Thì em có thể giải thích thêm về chương trình này hay không?

Nhơn Huỳnh: Just Like You là một chương trình miễn phí nhằm thúc đẩy sự đa dạng, hòa nhập và tôn vinh sự khác biệt. Mục đích của chương trình này là giáo dục trẻ em lớp 1 đến lớp 6 về khuyết tật cho họ hiểu rằng những người khuyết tật cũng giống như họ thôi và công việc của Nhơn là hướng dẫn những chương trình này. Nói chuyện với họ và đặt ra câu hỏi, cho họ đặt lại và mình cũng làm trò chơi với họ, vừa vui mà vừa có thể học về những khuyết tật và sự khác biệt của mỗi người.

Hưng Việt: Quan sát ở phòngkhách nhà em thì chúng tôi nhận thấy em đã được những giải thưởng của tổ chức Toastmaster International tức là tổ chức cho những người hùng biện, em đã thắng được giải Nhứt, và sau đó dự cuộc thi có thể nói là toàn quốc, em được hạng Ba, ở Gold Coast phải không ạ. Mà nếu thắng cái đó thì em sẽ được đi Hoa Kỳ để dự cuộc thi toàn thế giới. Em cho biết từ đâu mà em phát triển được cái kỹ năng đó?

Nhơn Huỳnh: Thi đấu này thì mình có thể viết một kịch bản trước, mình dùng một speech đó để thi đấu. Có rất là nhiều điều sẽ ảnh hưởng đến điểm của mình. Ví dụ khi mình nói chuyện mình có nhìn người ta không, hay là mình có đi vòng vòng không.

Hưng Việt: Rồi với khuyết tật của em, em có thấy em bị disadvantaged hơn các người dự thi khác không?

Nhơn Huỳnh: Có thì cũng có, nhưng mà con cũng có cái sức mạnh của riêng con và con có thể dùng cách của con cũng sẽ có rất là nhiều ảnh hưởng cho người ta khi họ nghe. Ví dụ cách Nhơn nói, hay là cái cách Nhơn nhìn người ta hay là những lời mà Nhơn chọn dùng.

Mỹ Dung: Cho cô tò mò chút xíu nha, lúc đó nói về đề tài gì vậy?

Nhơn Huỳnh: Lúc đó đề tài con chọn là cuộc sống và trải nghiệm của con và những trở ngại mà con đã phải vượt qua.
Ngày tốt nghiệp bằng Bachelor of Human Services tại USQ với cha mẹ và em trai
Ngày tốt nghiệp bằng Bachelor of Human Services tại USQ với cha mẹ và em trai Source: Supplied
Hưng Việt: Em Nhơn, em có cho biết là em có một sở thích là đọc sách. Mà những loại sách mà em đọc là thường về lịch sử, triết học và tôn giáo, thì đó là những đề tài rất là khô khan đối với người thường. Thì em có thể cho biết là tại sao mà em chọn đọc những loại sách như vậy và những đề tài đó có giúp gì cho việc tư vấn của em không?

Nhơn Huỳnh: Nói thật thì con cũng không biết tại sao nữa, nhưng đối với con những đề tài này nó rất là thu hút và con nghĩ một điều nữa là bởi vì khi nhỏ, con đã bị căn bệnh này và con đã hỏi bản thân con những câu hỏi ví dụ như “Hạnh phúc ở đâu?”, hay là “Ý nghĩa cuộc sống là gì?”, và những điều này đã đẩy con đến những sách đó.

Và cái liên hệ với tư vấn đa số là triết lý, bởi vì có rất là nhiều môn tư vấn sẽ có ảnh hưởng về một triết lý nào đó trong cuộc sống.

Mỹ Dung: Có lẽ là em muốn tìm một cái câu trả lời trong những cuốn sách, những đề tài giống như là về tôn giáo hay triết học. Đúng không?

Nhơn Huỳnh: Dạ đúng vậy.

Hưng Việt: Như vậy ai là triết gia mà em thích nhất?

Nhơn Huỳnh: Ví dụ thầy Thích Nhất Hạnh là một người đã ảnh hưởng Nhơn khá là nhiều bởi những sách thầy viết ra.

Hưng Việt: Nhơn, em cũng cho biết là em thích nghe nhạc Việt Nam. Đó là một cái điều mà riêng tôi hết sức ngạc nhiên bởi vì em sinh ra ở Úc này, em lớn lên, em đi học ở trường Úc này, em đi học ở Đại học Úc, rồi em đi làm với người Úc mà em lại thích nghe nhạc Việt Nam, thì tại sao như vậy? Và em thích loại nhạc nào?

Nhơn Huỳnh: Con cũng không biết lúc nào con đã thích nhạc Việt, nhưng mà con đã nghe những nhạc Việt khi con còn học lớp 8. Những thể loại mà con thích nghe, ví dụ nhạc trẻ hay là nhạc Bolero thậm chí con cũng nghe Cải lương nữa.

Hưng Việt: Mà có ca sĩ nào mà con thích nhất không?

Nhơn Huỳnh: Thí dụ như là Út Trà Ôn hay Văn Hường

Hưng Việt: Con thích nghe tới Úc Trà Ôn lận hả? (cười) …đó là go

back to… một khoảng thời gian lâu lắc lắm đó (Cười)

Văn Hường là chuyên hát nhạc tếu tếu à nha … mà con cũng thích luôn

Mỹ Dung: Còn nữ?

Nhơn Huỳnh: Ví dụ Thanh Kim Huệ hay là những người như vậy. Còn nhạc Bolero thì Đan Nguyên, Quang Lê v.v…

Hưng Việt: Em Nhơn, em có những ước nguyện, những cái aspirations gì cho cuộc đời, cuộc sống của em không?

Nhơn Huỳnh: Đối với con,con muốn sống một cuộc sống vui vẻ và ý nghĩa, cho mọi người thấy rằng mình sống cuộc sống có khuyết tật đi nữa thì cũng có thể có được hạnh phúc và Nhơn muốn mọi người biết đến câu chuyện đặng Nhơn có thể chia sẻ niềm vui cho mọi người có hy vọng trong cuộc sống.

Hưng Việt: Nghĩa là Nhơn muốn mang cái kinh nghiệm bản thân của Nhơn để mọi người thấy rằng cuộc đời luôn luôn có những hy vọng ở phía trước, chúng ta không nên bi quan mà buông bỏ. Phải không ạ?

Nhơn Huỳnh: Dạ đúng vậy.

Mỹ Dung: Tất cả mọi việc đó muốn đạt được cũng phải cần một nghị lực phi thường lắm mới có thể luôn có được niềm hy vọng trong cuộc sống như em. Thật là đáng khâm phục.

Hưng Việt: Tôi đồng ý với cô Mỹ Dung. Cái nghị lực đó rất là đáng kể và rất là đáng quý và Nhơn là một thanh niên mới có 28 tuổi đã chứng tỏ, để cho không những người Việt mình mà những người ở trong dòng chính mạch, cũng thấy được là chúng ta có những cá nhân luôn luôn khắc phục được những khó khăn, những trở ngại trong cuộc sống. Chúc mừng em.

Nhơn Huỳnh: Dạ cám ơn. Cám ơn bác Việt và cô Mỹ Dung.

Hưng Việt: Vậy cuối cùngem còn có điều chi em muốn chia sẻ muốn nói thêm với thính giả không em?

Nhơn Huỳnh: Cái điều mà Nhơn muốn nói là nếu bạn là một người có khuyết tật, hay là biết một người có khuyết tật, hay là phụ huynh của một người khuyết tật thì đừng mặc cảm về điều đó, và hãy chấp nhận, mà thậm chí tự hào về khác biệt đó và hiểu rằng tuy không có thể sống cuộc sống giống người ta nhưng mình có thể sống một cuộc sống giống người ta theo cách của mình và đừng bao giờ coi thường bản thân mình. Quan trọng nhất là đừng bao giờ bỏ cuộc. Dạ, cám ơn.

Hưng Việt: Chẳng những em có nghị lực mà em còn có những nhận định, những cái nhìn hết sức sâu sắc đó Nhơn, cô Mỹ Dung đồng ý không?

Mỹ Dung: Dạ, rất là sâu sắc. Có thể là do em Nhơn có nhiều thời gian tự một mình mình chiêm nghiệm bản thân nên em đã rút ra được rất là nhiều điều sâu sắc và quý giá mà em đã gởi gắm đến cho thính giả, đặc biệt là các bạn trẻ và những người có hoàn cảnh tương tự như em.

Nhơn Huỳnh: Em cũng không biết nữa.

Hưng Việt: Thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả, tôi xin thành thật cám ơn em Nhơn rất là nhiều đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của em, những tư tưởng, những quan điểm về cuộc sống rất là tích cực, cũng như những nhận định hết sức là sâu sắc của em. Thành thật cám ơn em rất nhiều và chúc em luôn luôn được nhiều sức khỏe, bình an và hạnh phúc trong công việc làm.

Nhơn Huỳnh: Dạ cám ơn bác Việt, cô Mỹ Dung và thính giả.

Đằng sau tấm gương sáng đầy cảm hứng của em Nhơn, là cả một sự hy sinh vô bờ bến của ba mẹ em, là ông Huỳnh Ngọc Quới và bà Nguyễn Thị Thu Huệ, mà chúng tôi nghĩ là không bút mực nào, không lời lẽ nào có thể diễn tả cho hết được. Xin chân thành cám ơn ông bà Quới và Thu.

Giá trị cuộc sống không đo lường bằng thời gian, mà được tính bằng những điều tốt đẹp, hữu ích và ý nghĩa mà ta nghĩ và làm hàng ngày.   

Thế nên thay vì đau lòng và ngã quỵ trước nghịch cảnh của cuộc đời, chúng ta hãy biến nó thành môi trường tôi luyện bản thân để vượt qua số phận.

Dưới đây là một trong số những Youtube của em Nhơn Huỳnh, kính mời quý thính giả theo dõi: 

Share