Với đà phát triển của khoa học kỹ thuật, thì máy móc phương tiện hiện nay cũng không phải ít, nhưng để phù hợp với hoàn cảnh từng trang trại, đặc biệt trong cộng đồng người Việt chúng ta thì có một kỹ sư người Việt như anh Linh để giúp cho công việc đồng áng bớt vất vả hơn, tiết kiệm hơn, quả là một điều rất đáng khích lệ.
Để hiểu thêm đôi chút về công việc đồng áng, chúng ta cùng lắng nghe chia sẻ của anh Tuyến và chị Hương.
Hưng Việt: Dạ xin kính chào anh Nguyễn Kim Tuyến và chị Nguyễn thị Hương ạ.
Tuyến Nguyễn: Dạ xin chào anh Hưng Việt, chị Mỹ Dung và quý thính giả của đài SBS.
Hương Nguyễn: Dạ em xin kính chào anh Hưng Việt, chị Mỹ Dung và xin chào thính giả đài SBS.
Mỹ Dung: Dạ em chào anh Tuyến chị Hương.
Hưng Việt: Trước hết xin anh chị vui lòng cho biết là anh chị đã thành lập cái trang trại này được bao lâu rồi?
Hương Nguyễn: Dạ tụi em vào cái farm này tính năm 2004 là 18 năm. Động lực thúc đẩy tụi em là vì thương bố mẹ. Ba má em cũng yêu nghề này lắm. Tụi em đi học về rồi chả biết, làm gì được thì cứ phụ giúp ba mẹ vậy thôi. Rồi ngày qua ngày, tháng qua tháng, từ từ tụi em cũng nghĩ là nó quá cực nên tụi em không có muốn vô cái nghề này. Nhưng mà thời gian qua thì tụi em từ từ cũng làm đủ thứ nghề khác, tụi em mới so sánh được là không có cái gì bằng mình làm chủ, mình tự làm cho mình, thứ nhất là nó thoải mái về thời gian, thứ hai làm mấy cái này thì nó có một số tiền lớn nên tụi em mới nghĩ tới là thành lập một cái business farm như vầy.
Nhưng để mà set up thành một farm trang trại cho nó hoàn chỉnh rất là cực khổ qua bao nhiêu giai đoạn, tiền bạc cho tới thời gian, nào là đốn cây cho tới dựng lên những cái nhà nóng như vầy nè. Rồi qua những giai đoạn phải xịt xùng đủ thứ hết, trồng trọt này nọ… Nó cũng cực nhưng mà em thấy tới ngày hôm nay tụi em được như vầy tụi em cũng thấy những cái công của tụi em bỏ ra rất là xứng đáng.
Hưng Việt: Dạ cám ơn chị đã chia sẻ tâm tình về động lực thúc đẩy anh chị thành lập nông trại như thế này. Chị có nói là vì thương hai bác cực khổ thì thưa chị hai bác làm nông trại là hình như từ Adelaide phải không ạ?
Hương Nguyễn: Dạ phải.
Hưng Việt: Rồi hai bác lên đây thành lập nông trại này hay anh chị thành lập và lý do tại sao lại chọn vùng này?
Hương Nguyễn: Nói chung hồi ở Adelaide làm farm thì phương tiện rất là dễ dàng nhưng mà tại vì khí hậu ở dưới đó quá lạnh nên năng suất ra không có đạt, nên bố mẹ em bắt đầu nghĩ là dọn lên trên này. Queensland khí hậu rất là tốt luôn. Mùa Đông tệ lắm cũng mười mấy, hai mươi độ tới 24 độ có lúc. Sáng ra là mặt trời có liền nên năng suất rất là đạt, nên bố mẹ em mới quyết định làm ở đây trước rồi hai năm sau tụi em lên.
Hưng Việt: Thưa anh, nông trại này theo như chỗ hồi nãy anh có cho biết là rộng khoảng 6 acres,thì công việc chăm sóc cái nông trại nó rất là nặng nề, anh chị làm một mình hay là anh chị có mướn người và cái công việc mỗi ngày đó kéo dài suốt ngày hay chỉ một khoảng thời gian nào đó thôi?
Tuyến Nguyễn: Cái này cũng cực lắm, thì tại mình cứ kêu là lấy công làm lời thì đa số là hai vợ chồng làm hết. Còn bao giờ bận quá thì tụi em mới mướn người vô.
Hưng Việt: Thưa anh nông trại này thì chỉ toàn trồng dưa leo thôi. Anh có thể cho biết lý do tại sao mà chỉ trồng dưa leo thôi mà không có những loại rau cải gì khác?
Tuyến Nguyễn: So với mấy cái khác, dưa leo năng suất nhiều, thời gian mình trồng tới lúc mình hái nó ngắn. Coi như mùa hè có năm đến sáu tuần là hái rồi, đại khái thì cái turnover, cái turn around thì nó rất mau hơn mấy cái khác. Tụi em có thử mấy cái khác, tuy là trồng nhàn chứ hái thì nó cực quá, còn dưa leo thì tuy là mình trồng nó khó, cuốn với thòng dây, lúc bao giờ tụi em hái đó thì nó nhàn hơn mấy thứ khác. Tụi em quyết định chọn dưa leo.
Hưng Việt: Thưa anh, chúng tôi không dám hỏi về cái năng suất của nông trại bởi vì cái đó là chuyện nghề nghiệp, nhưng mà anh có thể cho biết được là sản xuất ra xong rồi thì anh bỏ mối chỉ ở những chợ Việt Nam thôi hay là bỏ mối cho những siêu thị Woolworths, Coles này kia v.v…
Hương Nguyễn: Dạ, khi tụi em ra sản phẩm thì tụi em không có bán lẻ nhưng mà tụi em sẽ bán sỉ cho chợ đầu mối, nó gọi là Brisbane Market đó. Nó tiêu thụ rất là nhiều, không những của em mà các nhà vườn khác. Mà nếu mà mình làm ra rồi mình đi bán lẻ nữa mình không có sức. Dạ. Mình chạy vòng vòng mất thời gian của mình. Nên tụi em chỉ có bán cho chợ đầu mối thôi.
Hưng Việt: Tức là Brisbane Market ở Rocklea đó rồi họ muốn phân phối đi đâu đó thì là chuyện của họ.
Thưa hồi nãy anh có nói là làm rất là cực thì theo anh trước khi mà có hệ thống kiểm soát tưới nước phân bón này kia của anh Linh, thì anh có thể giải thích cho thính giả hiểu về cái sự khó khăn nặng nhọc của cái chuyện trộn nước với phân tốn của anh mất bao nhiêu thì giờ một ngày.
Tuyến Nguyễn: Ở trong một ngày, nếu không có cái máy của anh Linh thì em cứ phải chạy từng section mở khóa manually. Thì coi như có thể mất tới tiếng rưỡi đến hai tiếng ở trong một ngày của em. Bây giờ có máy của anh Linh thì nó tự động vô nước thì thời gian một tiếng rưỡi đến hai tiếng em có thể phụ giúp bà xã em cuốn dưa, hái dưa hay thòng dây, đại khái v.v…
Hưng Việt: Lo cái nông trại này chỉ có anh chị lo thôi hay mướn người nữa không ạ?
Hương Nguyễn: Dạ không. Hồi đó tụi em chưa có biết, thì cần phải mướn người nhưng mà bây giờ thì tụi em biết uyển chuyển sắp xếp công việc thời gian là một, hai là nhờ cái máy của anh Linh, thì nói chung là máy đỡ cho ông xã em phải đi tới đi lui nó mất thời gian. Đôi khi mình chạy tới chạy lui cho nước cho phân này nọ có thể là mất tới nửa ngày luôn. Nói ngắn gọn lại thì bây giờ nước nó tự bơm tự tưới, thì ảnh có thể là phụ giúp em làm những công việc kia nên bây giờ thì chỉ có hai vợ chồng em làm thôi.
Hưng Việt: Thế cũng thể tiết kiệmchẳngnhững thời gian mà còn sức lực nữa phải không ạ.
Mỹ Dung: Tiết kiệm tiền nữa.
Hưng Việt: Đúng rồi.
Mỹ Dung: Em chỉ tò mò muốn biết đó là khi anh chị làm cái nghề này thì điều gì làm cho anh chị thấy thích thú nhứt và cái gì mà anh chị thấy khó khăn nhứt?
Hương Nguyễn: Cái thích thú nhất của em là mình tự do, thứ hai là khi mình trồng trọt xuống mà mình nhìn những cái cây nảy mầm, nó lên từng cái lá nhỏ cho tới nó leo leo hàng ngày mình ra mình nhìn, mình thấy bông nó tươi tốt, nó sẽ ra một đùm trái cho mình. Rồi khi mình thu hoạch xong, nhất là những cái lúc mà giá nó cao, nó giống như đấu giá, vui lắm. Người này trả giá này, người kia trả tăng thêm mấy đồng, người nọ trả tăng thêm mấy đồng, rồi bắt đầu cứ giống như đấu giá vậy vui lắm. Nhưng mà nhất là mình nhìn những cái cây do tay mình trồng trọt ra mà nó tươi tốt, là không có cái gì bằng cái cảm giác mừng như lúc đó.
Hưng Việt: Ở Rocklea Market khi mình đem sản phẩm tới thì họ đấu giá phải không ạ? Hay là có giá sẵn mình chỉ bán theo giá đó thôi.
Hương Nguyễn: Dạ không, cái đó nó là theo giá thị trường anh. Mỗi một ngày giá nó lên xuống thất thường. Nhưng mà tụi em rất là may mắn bởi vì ngày xưa tụi em cũng có chuyển đi Melbourne Sydney khắp nơi, nhưng mà từ hồi tụi em kiếm được người Tây, người ta làm ăn ở tại Brisbane này, rất là đàng hoàng, tốt, mà người ta nói giá sao là người ta trả y giá vậy, nên bắt đầu là tụi em bây giờ là làm ăn chỉ có Brisbane tụi em để ở đây, tụi em không gửi đi đâu hết.
Nói về nghề dưa leo thì nó cực thôi. Nhưng mà em đã từng thử và đã từng nhìn thấy những nghề nông trại khác thấy quá cực hơn nhiều nên tụi em rất là hài lòng những cái gì tụi em đang làm bây giờ dạ. Dưa leo vẫn là một thứ mà tụi em sẽ chọn và nếu còn tiếp tục làm cái nghề nông trại này, tụi em chỉ có dưa leo mà thôi.Hưng Việt: Rồi đến khi dưa leo nó ra, mình thu hoạch bằng cách nào? Có cái xe nó đi ngang rồi…
Anh Nguyễn Kim Tuyến trong nông trại dưa leo Source: Supplied
Tuyến Nguyễn: Có xe đẩy mình hái bằng tay rồi bỏ vô cái bin 500kg, rồi xe truck tới cẩu lên. Xong có người cuốn gói cho mình luôn, mang ra ngoài chợ luôn.
Hưng Việt: Hái bao nhiêu đó nhiều lắm đó…
Tuyến Nguyễn: Nhiều, rất nhiều… một ngày bao nhiêu tấn mà…
Hương Nguyễn: Mình nghe thì có vẻ có khó khăn quá. Nhưng khi làm rồi nó rất là đơn giản và dễ. Dạ không có gì khó hết. Em đã đi coi so sánh nhiều những cái công việc khác cho tới nông trại khác, em chỉ thấy dưa leo của em và stick với nó thôi. Rất là đơn giản.
Hưng Việt: Và cuối cùng thì thưa anh hay chị còn có thể chia sẻ được thêm những gì với lại những đồng hương, những quý thính giả của chúng tôi chẳng những ở Brisbane này mà còn trên toàn quốc về vấn đề muốn làm nghề nông thì cần phải có những phương tiện gì, những khả năng gì cần phải lưu ý?
Hương Nguyễn: Nói về nông trại thì bây giờ ở Queensland này, em không biết ở nơi vùng khác như thế nào nhưng mà đối với vùng của em thì bây giờ nếu muốn thành lập một cái nông trại nó rất là khó, bởi vì bây giờ đất thì ở đâu cũng bán bao la nhưng mà chính quyền lại không cho ủi cây, đốn rừng thứ nhất, thứ nhì không cho dựng lên những nhà greenhouse này nữa. Ai muốn làm thì phải đi mua lại những ai bán thì mới làm được mà thôi. Bởi vì dân chúng Brisbane này, người ta nói rằng người ta chỉ muốn ở đất rộng lớn, không được đốn cây bởi vì đốn cây thì mấy cái con thú vật nó sẽ ở đâu, rồi sẽ bị mất oxygen của không khí thở của mình, mà bây giờ mình dựng lên những cái nhà nóng như vầy mình làm thì nó sẽ như kiểu ảnh hưởng đến thiên nhiên là một, hai là thuốc men. Dân chúng kiện biểu tình về chính quyền nhiều quá nên chính quyền ngưng.
Hưng Việt: Cám ơn chị.Hỏi chơi thôi, thí dụ bây giờ tui ham làm farm quá đi, tui mê quá đi, như chị nói là không có mua đất được, đốn cây rồi này kia, giờ tui muốn mua cái trại của ai đó có sẵn rồi thì tui cần có những điều kiện gì nữa, cái yếu tố gì?
Hương Nguyễn: Nông trại nào cũng vậy thì cái đầu tiên là mình phải yêu nghề trước. Khi mình yêu nghề bắt đầu mình mới bỏ hết cái tâm tư của mình ra rồi bắt đầu mình làm mới thành công được. Còn nếu bây giờ chỉ nghĩ là, “ À thôi đi kiếm cái business gì làm kiếm tiền sống qua ngày thì mình không có cái passion, không có cái đam mê thì không bao giờ đạt được những gì mình muốn hết. Dạ. Còn thứ hai thì nói tới mua một cái farm thì rất là khó bởi vì không có ai chịu buông hết.
Hưng Việt: Có cần phải biết nhiều về nông nghiệp, trái cây, cây, rau cỏ này kia mới làm được không?
Hương Nguyễn: Dạ thưa anh, trước tiên là mình muốn vô thì mình phải đi tìm hiểu một chút xíu, rồi mình học hỏi nói chuyện qua những người nông trại trước, là kiểu cách chăm như thế nào, xuống giống như thế nào, rồi bắt đầu từ xuống giống mình phải cho những thứ gì ..gì. Nó có nhiều giai đoạn. Làm nghề gì cũng vậy hết là nó cũng có một cái căn bản, thời điểm nào mình phải làm gì… Sau đó mình biết rồi thì ngày nào cũng như ngày đó thôi. Dạ mình cảm thấy nó thoải mái.
Mỹ Dung: Có căn bản xong rồi nghề dạy nghề thêm hả chị.
Tuyến Nguyễn: Đúng rồi, thì nó cũng không phải đơn giản. Có khi người bạn mình chỉ đúng. Tại thời tiết hay ngoài ý muốn gì đấy thì cây nó chết. Thì nó cũng khó khăn lắm không phải đơn giản.
Hưng Việt: Thay mặt cho cô Mỹ Dung cùng thính giả của đài SBS, chúng tôi thành thật cám ơn anh Tuyến và chị Hương rất là nhiều đang rất bề bộn với nông trại cũng dành nhiều thì giờ quý báu để hướng dẫn chúng tôi đi thăm và có cuộc nói chuyện này. Dạ xin kính chúc anh chị luôn luôn được nhiều sức khỏe để còn tiếp tục làm việc và nông trại sẽ thu hái được tất cả mọi may mắn, thành công và thắng lợi. Dạ cám ơn anh chị.
Hương Nguyễn: Dạ em cũng cám ơn anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung và thính giả đài SBS.
Tuyến Nguyễn: Dạ em cũng cám ơn anh chị tới đây với tụi em để cho tụi em mang chuyện của cái nông trại này cho khắp thính giả nghe. Cảm ơn nhiều.
Mỹ Dung: Dạ em cũng cám ơn anh Tuyến, chị Hương
Ca dao Việt Nam xưa có câu:
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Thời đại hiện nay, tuy máy móc đã thay thế nông súc nhưng thực tế thì nông gia vẫn phải cực nhọc, dãi nắng dầm mưa để lo cho luống đất mãnh vườn của họ hàng ngày, hàng giờ. Do đó, khi ngồi trước mâm cơm nóng với thức ăn, rau cải xanh tươi, chúng ta hãy dành đôi phút để nhớ đến những nguời đang lo công việc đồng áng cực nhọc ngoài kia như anh chị Tuyến Hương.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung