Chuyện Queensland: Lớp học Tai Chi Thái Cực Quyền ở Inala

Cô Hạnh Chi áo xanh và học viên đi bài quyền

Cô Hạnh Chi áo xanh và học viên đi bài quyền Source: Supplied

Tuần này Hưng Việt và Mỹ Dung mời quý thính giả làm quen với cô Hạnh Chi người hướng dẫn lớp Tai Chi-Thái Cực Quyền hàng tuần của cô tại Inala Community Centre, Brisbane.


An khang, khỏe mạnh luôn là mong ước của mọi người, nên mở đầu cho năm mới này chúng ta cùng bàn tới một bộ môn giúp cho chúng ta rèn luyện được thể chất lẫn tinh thần – đó chính là Tai Chi, hay tiếng Việt thường hay gọi là Thái Cực quyền qua cuộc chuyện trò với cô Hạnh Chi, người hướng dẫn các lớp Tai Chi thiện nguyện ở Brisbane.

Mỹ Dung cũng vừa mới gia nhập lớp Tai Chi của cô Hạnh Chi. Trong lớp có người Việt, người Hoa, người Úc đủ cả.

Trong tiểu thuyết và phim kiếm hiệp của Kim Dung có nói tới nhân vật Trương Tam Phong, người được cho là sáng lập ra môn Thái Cực quyền tức Tai Chi trong chuyện và film “Ỷ thiên Đồ Long ký”. Mặc dù vậy, cũng vẫn có giả thuyết cho rằng đây chỉ là huyền sử.

Theo thông tin trên trang web của Giáo sư Trần Văn Khê – Trần Quang Hải, từ bài viết của tác giả Trần Ngọc, có kể rằng nhân một hôm đang tu luyện trên núi, chân nhân Trương Tam Phong thấy một cuộc chiến giữa con rắn và chim ưng. Tuy chim ưng tấn công mãnh liệt, nhưng với sự uyển chuyển của mình, con rắn hóa giải được tất cả thế công của chim ưng. Từ đó ông đã nghiên cứu và nghĩ ra một môn võ công phối hợp với triết lý của Đạo Gia, có âm có dương, có hư có thực và dùng nhu khắc cương, đặt tên là Tai Chi Chuan (Thái Cực Quyền). Trong chữ Tai Chi thì, Tai có nghĩa là rộng lớn, Chi là tuyệt đỉnh. Do đó Tai Chi có nghĩa là Thái Cực.

Để có cái nhìn thực tế hơn, chúng ta cùng lắng nghe cuộc mạn đàm của cô Hạnh Chi và anh Hưng Việt trước buổi hướng dẫn hàng tuần của cô tại “Inala Community Centre” số 79 Poinsettia Street Inala mỗi sáng thứ Ba từ 9 giờ sáng.

Hưng Việt: Trước hết xin chị có thể cho biết là chị đã qua Úc hồi năm nào?

Hạnh Chi: Dạ đi qua Úc hồi năm 1991.

Hưng Việt: Trước khi chị chọn học Tai Chi, chị có thử môn thể dục nào khác không ạ?

Hạnh Chi: Dạ cái gì tui cũng thích hết trơn, tui học nhảy đầm, tui học nhịp điệu, rồi tui học bơi lội, hay là chơi thể thao, ca nhạc, tui học đờn đủ thứ. Nhảy đầm hay cái gì tui cũng vẫn thích, cũng là good hết trơn. Nhưng quan trọng nhất là bửa nào cũng phải tập Tai Chi trước, để cho sức khỏe mình dài lâu, sống thọ.

Mình đi qua Úc là phải lựa bao nhiêu ki lô, thay vì tui đem cây đàn guitar, thì tui không đem, mà tui đem mấy dụng cụ Tai Chi.

Hưng Việt: Thưa chị nói về môn Tai Chi, thì chị bắt đầu học môn Tài Chí này hồi năm nào, với ai, ở đâu và tại sao chị bắt đầu học môn này?

Hạnh Chi: Dạ tôi học môn Tai Chi với thầy Tô Thiếu Kiệt ở Việt Nam khoảng năm 1984. Dạ thầy hiện giờ vẫn ở Việt Nam.

Hưng Việt: Lý do tại sao chị theo học?

Hạnh Chi: Tại  vì đi vượt biên, nằm trong trại giam, ăn tầm bậy tầm bạ, về bệnh tùm lum, với lại buồn, giống như đau tim vậy đó, rồi nhức mình nhức mẩy. Sau về đi tập Tai Chi mỗi ngày cái khỏe.

Hưng Việt: Khoảng bao lâu thì chị bắt đầu cảm thấy khỏe lại?

Hạnh Chi: Cái đó tự nhiên nó khỏe tui không để ý.

Hưng Việt: Như vậy tốt quá.Thưa chị, muốn học Tai Chi nguyên tắc căn bản là gì? Một người phải nhanh lẹ, hay một người phải khỏe mạnh hay là một người tháo vác này kia?

Hạnh Chi: Học Tai Chi thì người nào học cũng được. Học có nhiều cái cũng vui. Cũng không phải riêng về trị bệnh, có mấy bài kiếm, mấy bài quạt, có thể tay chân cử động, đưa chân lên, đưa chân xuống cũng hứng thú lắm. 

Hưng Việt: chút nữa chúng ta sẽ nói đến những lợi ích khi học Tài Chí hả chị.  Học Tài Chí có phải thi lên lớp cao hơn hay lên một cấp bậc cao hơn hông chị?

Hạnh Chi: Hiện ở Việt Nam, và ở đây thì không thấy, có thể ở Trung quốc thì mình cũng hông biết, nhưng mà học ở đây thì đa số là cho sức khỏe vậy thôi, chứ tui cũng không có đi thi gì.

Hưng Việt: Rồi làm sao mình biết để mình học lên nữa hay mình học lớp vỡ lòng, lớp cho beginner

Hạnh Chi: Thì lúc đầu những tập động tác thường thôi. Mới vô tập bài ít, từ từ lên bài nhiều. Động tác có khi mình phải ngồi xuống, có khi phải đứng lên, đứng một chân, đá chân nữa. Nếu mình tập Tai Chi, đa số là hồi mới đứng lên nó run, có nhiều người đưa chân lên không được mà từ từ đưa lên được. Chân đứng vững hơn. Vui là mình thấy mình đưa lên được mình mừng.

Hưng Việt: Thưa chị, tôi nghe nói một bài học của Tai Chi có thể mất một thời gian rất là lâu có khi cả vài tháng, phải đúng không ạ?

Hạnh Chi: Cũng tùy, tại vì nếu mình tập thường xuyên mỗi ngày thì lẹ biết, còn  nếu như ở đây đa số một tuần tập có một ngày nó chậm thì đi khoảng hai ba tháng gì đó. Còn nếu mấy người học lẹ, học một tháng, bửa nào cũng tiếp tục tiếp tục thì cũng mau biết.
Cô Hạnh Chi (áo xanh ở giữa) cùng các học viên
Cô Hạnh Chi (áo xanh ở giữa) cùng các học viên Source: Supplied
Hưng Việt: Nói về việc học chậm hay lẹ, thí dụ một người học mà về nhà tập luyện thêm đó chị thì có sách vở hay video hay phim ảnh gì để mình coi theo và mình bắt chước hông chị?

Hạnh Chi: Hiện thời trên Youtube có đủ thứ. Mình cứ mở lên là có.

Hưng Việt: Riêng chị có tạo ra video trên Youtube nào hông?

Hạnh Chi: Dạ cũng chưa có thời gian làm việc đó.

Hưng Việt: Vậy mình phải nghĩ tới chuyện đó chị ha. Thưa chị Chi, các môn phái võ thuật khác như là Thiếu Lâm, Kungfu,… thì họ có nhiều môn phái khác nhau dù cũng chỉ là một môn võ thuật thôi. Tai Chi có nhiều môn phái không hả chị?

Hạnh Chi: Dạ cũng có nhiều, có Trần Gia, Triệu Gia, Dương Gia, rồi Ngô Gia, đủ thứ hết. Nhưng sau này người ta đặt ra một cái bài để đi thi với nhau coi người nào giỏi. Có bài 24, bài 42, với lại kiếm thì có bài 32 với 42. Đi thi thì theo mấy bài đó bất cứ trường phái nào khác nhau nhưng thi thì phải thi đúng bài đó thì mới biết ai đánh đẹp hay không.

Hưng Việt: Bài 24, 42 tức là có tới mấy chục bài lận đó hả?

Hạnh Chi: không có, đặt tên là 24, 42 là chỉ mấy cái chiêu. Chiêu nó tên là vậy. Thí dụ, thứ nhất là khởi động, nói tiếng Việt thì khó nói nhưng mà cái đó là cái chiêu khởi động là “dã mã phân tông”, “Độc lập Kim kê”,…nghĩa là nó từng chiêu, từng chiêu vậy đó.

Hưng Việt: Nghĩa là tên của các chiêu…

Hạnh Chi: Rồi cộng lại là bao nhiêu chiêu, thường 24, 18 hay là 13, có một trăm lẽ mấy cũng có, ba trăm lẽ mấy cũng có.

Hưng Việt: Bây giờ cái quan trọng nhất của chuyện học Tai Chi là mang lại lợi ích cho sức khỏe mình, thưa chị có thể kể ra nó giúp những phần nào cho sức khỏe cơ thể mình hay không ạ?

Hạnh Chi: Thường thường hồi xưa người mình hay bị nhức mình. Hồi xưa tui có chứng bệnh là nhức mình, mà tui nhức nguyên một bên Tay nhức dữ lắm. Mà từ khi tập Tai Chi tui không nhức nữa. Với lại tui nghe mấy ông thầy Tai Chi của tui nói xưa mấy ông cũng có bệnh. Ông sư phụ ở đây là ông người Đài Loan, hồi xưa ông bị Stress, sau khi tập Tai Chi là ổng hết. Có nhiều người đau khớp xương, đi phải chống gậy nữa, tập riết cũng hết. Tốt nhứt là mấy cái khớp xương, máu chảy điều hòa. Tai Chi có âm dương. Ví dụ mình tập Tai Chi, mình cho cái trọng lực bên chân này rồi một hồi trọng lực qua chân kia. Chuyển qua chuyển lại từ từ, từ từ tự nhiên máu chảy điều hòa từ từ bệnh mình nó hết.

Hưng Việt: Tui cũng định hỏi tới vấn đề huyết áp lưu thông điều hòa nhưng mà chị có đề cập rồi. Ngoài ra thì vấn đề dinh dưỡng nó giúp cho mình ăn uống được bình thường phải không chị?

Hạnh Chi: Nhiều bài thầy dạy nóitừ hồi thầy tập Tai Chi thì không bao giờ thấy đau bụng hay là bịnh gì cái bụng hết.

Hưng Việt: Thưa chị, lý do nào thúc đẩy chị mở những lớp dạy Tài Chí như thế này và hiện giờ chị dạy bao nhiêu lớp một tuần, mỗi lớp có khoảng bao nhiêu học trò?

Hạnh Chi: Năm 2007 có lớp ở chùa Linh Sơn, thì cũng nhiều người lại học. Nhưng mà học cái này cũng phải kiên trì. Học Tai Chi thì mình thấy đem sức khỏe, lợi ích cho người ta thì mình thấy tốt, mình mở lớp tập thôi. Môi trường tập thì phải có đất bằng vì phải đứng cho nó vững. Đây thì trời mưa trời nắng cho nên tốt nhất trong phòng thì luyện tập khỏe hơn. Đa số người ta tập ngoài trời. Ông thầy của tụi tui cũng chuyên môn đi dạy làm từ thiện cho người ta để giúp cho người ta có sức khỏe vậy thôi.

Hưng Việt: Thành ra chị có lòng tốt giúp cho bà con tập Tài Chí để được sức khỏe tốt.

Hạnh Chi: Dạ, vậy đó. Rồi nếu mà ở đâu ai có điều kiện để mình hướng dẫn người ta tui thích lắm, tui hổng cần biết là ngày giờ gì, miễn là có cái chỗ đàng hoàng thì mình thích mình dạy thôi.

Hưng Việt: Đó cũng là điều chúng tôi được biết là chị có lòng tốt chị mở rất nhiều lớp ở nhiều nơi khác nhau. Thưa chị bây giờ một người mà khoảng từ mấy tuổi trở lên thì mới nên bắt đầu học Tai Chi.  

Hạnh Chi: Tui thấy từ nhỏ đến lớn ai muốn tập cũng được. Nhưng mà thường thường mấy đứa nít nhỏ dạy thì hơi khó vì mấy động tác phải từ từ từ từ, mà con nít nó ít có thích mà mấy người lớn thì thường người ta thấy có bệnh mới đi theo. Còn mình thì mình thích tại vì vừa Tai Chi mà vừa có thể múa biểu diễn. Thấy mấy động tác nó đẹp thì mính thích vậy thôi. Tai Chi lứa tuổi nào học cũng được. Tùy theo sở thích thôi.

Hưng Việt: Nhưng với những em trẻ thì thường tụi nó có tính năng động mà Tài Chí có tính cách hơi chậm chạp hơn để hít thở điều hòa này kia thì đám trẻ nó không có thích lắm.

Hạnh Chi: Có thời gian, tui cũng có vô trường theo chương trình đạo Phật, rồi lâu lâu mấy thầy nghỉ, thì mình vô thế đem Tai Chi vô mình chỉ mấy đứa nít nhỏ, nó cũng thích lắm. Đi cái bước Tai Chi từ từ đi sao sao, nó cũng thích lắm. Có một cái là trường học không có điều kiện để dạy thôi.

Hưng Việt: Khi tập Tài Chí thì mìnhbận quần áo sao hả chị?

Hạnh Chi: thứ nhất là phải đôi giày cho thoải mái, chứ không có mang giày cao gót được. Bận quần phải thoải mái, không có gò bó, ôm. Quần dài quần cụt không thành vấn đề miễn thoải mái, đừng gò bó. Cái áo thì đa số cũng được.

Hưng Việt: Khi mà lên tới bài học về côn kiếm thì mình đặt mua ở đâu?

Hạnh Chi: Xưa ở Việt Nam thì có người đặt mua có người làm, ở đây đa số chắc từ Trung Quốc qua.

Hưng Việt: Thì cái đó mình mua trên eBay?

Hạnh Chi: Dạ

Hưng Việt: thưa chịCâu hỏi cuối cùng là chị còn điều chi nhắn gửiđến thính giả về việc học Tai Chi chị muốn khuyến khích bà con đi học hay chị có những điều gì nhắn gửi thêm không?

Hạnh Chi: Dạ, tập Chi thì phù hợp cho nhiều lứa tuổi, thí dụ người cao huyết áp hay bệnh tim này kia, có khi mình tập thể dục cũng không nên tập, nhưng Tai Chi thì đa số cũng không bị ảnh hưởng gì chuyện đó. Nó cũng có lợi cho sức khỏe. Mình tập Tai Chi thấy chân mình mạnh hơn người thường. Nên mấy người tập Tai Chi họ ít có bệnh.

Nguyên lý của môn Tai Chi dựa vào 6 yếu quyết căn bản:

  1. An thư diện mục: giữ nét mặt điềm tĩnh thư thái. Về mặt lý tính, thì yếu quyết này giúp tiết kích thích tố tăng cường hệ thống miễn nhiễm. Về mặt xã hội, giúp xã hội hiền hòa, yêu thương.
  2. Dũ mạn dũ hảo: Càng chậm càng tốt. Giúp hô hấp sâu lắng, ảnh hưởng đến làn sóng não, giúp giảm stress, ổn định nhịp tim.
  3. Tương liên bất đoạn: liên miên không ngừng. Giúp cho sinh khí triền miên, tăng sức dẻo dai.
  4. Hư linh đỉnh kình: Đầu, cổ và sống lưng ngay thẳng. Giúp năng lượng trong cơ thể thông suốt.
  5. Chân biệt hư thực: trọng lực dồn về chân khi thì nặng (chân) khi thì nhẹ, tức là hư. Giúp cơ thể linh hoạt vững vàng. Máu huyết lưu thông.
  6. Thượng hạ tương tùy: Tâm ý, động tác, hơi thở phối hợp chặt chẽ.
Ngoài ra, theo các cuộc nghiên cứu tại các trường Đại học uy tín, thí dụ như UCLA, Princeton, Shizuoka, v.v… cho thấy luyện tập Tai Chi thường xuyên và lâu dài làm tăng sự hấp thụ oxygen, tăng làn sóng não Alpha, kéo dài sự sống của tế bào não, điều hòa nhịp tim, tăng khả năng hệ thống miễn nhiễm, giảm Cholesterol và các hormones gây stress, trầm cảm, giúp cho cơ thể dẻo dai, vững chãi, xương khớp uyển chuyển, cứng cáp, v.v…

Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà chúng ta không thử tập luyện Tai chi phải không quý vị?

Muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc cô Hạnh Chi qua số: 0422 283 521.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Tại Inala Lantern Festival ở The Hub 05/06/2021 (cô Hạnh Chi bận áo đỏ)
Tại Inala Lantern Festival ở The Hub 05/06/2021 (cô Hạnh Chi bận áo đỏ) Source: Supplied



Share