Tổn thất kinh tế của COVID-19 đã thể hiện rõ ràng, với hàng trăm cửa tiệm và doanh vụ nhỏ đóng cửa, khiến hàng ngàn người Úc mất việc.
Theo Tổng trưởng Y tế Greg Hunt, mối quan ngại đang gia tăng hiện nay là những hệ quả tiềm tàng của sự suy thoái kinh tế.
"Chúng tôi biết rằng bất cứ nơi nào xảy ra suy thoái kinh tế, có bằng chứng lịch sử mạnh mẽ cho thấy những thách thức về sức khỏe tâm thần sẽ tăng lên."
Dịch vụ tư vấn đã báo cáo số lượng các cuộc gọi đến gia tăng chưa từng thấy.
Chủ tịch tổ chức Lifeline John Brogden phát biểu rằng dịch vụ này nhận nhiều cuộc gọi hơn từ những người Úc đang phải chịu sự cô đơn do việc cách ly xã hội.
"Một điều khác mà chúng ta đang thấy là mức độ lo lắng rất lớn, xảy ra với những người đã từng trải qua chứng lo lắng trong quá khứ, nhưng trong nhiều trường hợp, là từ những người chưa bao giờ có triệu chứng này. Chỉ một vài tháng trước đây, mọi người lúc đó vẫn còn thoải mái đi du lịch, rồi con virus này đột nhiên xuất hiện dẫn đến các hạn chế về cách ly xã hội. Chúng đã tác động lớn đến tình hình tài chính của mọi người, và họ lo lắng rất nhiều về việc liệu cuộc sống của họ sẽ trở lại như trước hay không.”
Ngoài COVID-19, nhiều người Úc, đặc biệt là những người sống ở nông thôn, vẫn còn lo sợ sau cuộc khủng hoảng cháy rừng hồi mùa hè này và nạn hạn hán đang diễn ra.
Tôi tin rằng khi mối đe dọa thể chất của COVID-19 kết thúc, mối đe dọa tinh thần sẽ vẫn tiếp tục trong nhiều năm tới.
Điều đó đã thúc đẩy Chính phủ Liên bang tăng cường phản ứng đối với sức khỏe tâm thần.
Cựu quan chức y tế Victoria, Ruth Vine sẽ đảm nhận vai trò mới đó là Phó Giám đốc Y tế về mảng Sức khỏe Tâm thần.
Phó trưởng ban Y khoa Paul Kelly giải thích.
"Một trong những yếu tố chính của sức khỏe tâm thần là mọi người kết nối với nhau và không may rằng tác dụng phụ của rất nhiều biện pháp giãn cách xã hội đã khiến mọi người mất kết nối với nhau. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi sức khỏe tâm thần đang nổi lên như một hậu quả không lường trước được do sự kiểm soát của chúng ta."
Việc bổ nhiệm bà Vine cho vị trí này đã được đón nhận nồng nhiệt bởi những người làm việc trong lãnh vực y tế.
Chủ tịch tổ chức Lifeline John Brogden cho biết điều quan trọng đó là các nhu cầu sức khỏe tâm thần được ưu tiên tương tự các nhu cầu sức khỏe thể chất, cả hiện tại và hậu đại dịch.
"Hãy để tôi đưa ra ví dụ về một trong những lý do tại sao tôi nghĩ điều này rất quan trọng. Tôi tin rằng khi mối đe dọa thể chất của COVID-19 kết thúc, mối đe dọa tinh thần sẽ vẫn tiếp tục trong nhiều năm tới. Chúng tôi thấy điều đó qua các cuộc gọi đến xin tư vấn. Mọi người không nói về việc lo lắng bị nhiễm COVID hoặc sẽ chết vì COVID. Mối quan tâm của họ đã chuyển sang tương lai và làm thế nào để hồi phục như trước."
Giáo sư Ian Hickie đã tham vấn cho một số quan chức lãnh vực sức khỏe tâm thần và phòng chống tự tử. Ông đồng ý rằng bà Vine là người phù hợp với vai trò này.
Ông cũng kêu gọi các dịch vụ hỗ trợ tại các bệnh viện và phòng khám tư được tích hợp vào hệ thống công, đồng thời phát biểu rằng hành động ngay lập tức có thể cứu sống hàng ngàn người sau đại dịch.
"Phần lớn nguồn lực chuyên môn mà chúng ta có tại thời điểm này đều nằm ở khu vực bệnh viện tư, phòng khám tư và không dành cho tất cả mọi người. Tổng trưởng cần phải hành động hợp tác với các tiểu bang, nhằm cung cấp những tài nguyên đó sẵn có ngay bây giờ để cứu người."
Theo ông, điều quan trọng nữa là chính phủ không nên bỏ qua sức khỏe của người Úc trong các cộng đồng đa sắc tộc, những người có thể không thể truy cập được các dịch vụ hỗ trợ bằng tiếng Anh.
"Ngoài các cộng đồng khác mà chúng tôi nhận thấy có nguy cơ - thanh niên, cộng đồng vùng nông thôn - nhiều người không nói tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, hoặc thuộc các nhóm văn hóa không quen sử dụng hệ thống sức khỏe tâm thần, nằm trong nhóm có nguy cơ đặc biệt. Và chúng ta phải có chiến lược kết nối với những cộng đồng đó, cung cấp thông tin chính xác để họ nhận được lợi ích giống như mọi người Úc khác."
Nội các Quốc gia sẽ thảo luận về việc mở rộng phản ứng đối với sức khỏe tâm thần của người Úc vào thứ Sáu này.
Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.
--
Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.
Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.
Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.
SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại: https://www.sbs.com.au/language/vietnamese/coronavirus-updates