Đại dịch tồi tệ nhất trong hơn 100 năm qua làm cho tin tức truyền thông ngày nào cũng tràn ngập sự lo âu và đau buồn.
Chuyên gia sức khỏe tâm thần nói nếu một người đọc và nghe quá nhiều tin tức sẽ nhanh chóng bị tin tức chôn vùi và dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực.
Giáo sư Nicholas Procter, thuộc trường đại học Nam Úc nói trong tình hình như hiện nay, thì những cảm giác như lo âu, sợ hãi và cảm thấy ‘quá tải’ là hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên ông nói bước tiếp theo cần phải chuẩn bị để tình trạng không tồi tệ hơn – bao gồm phải lên kế hoạch bạn sẽ tìm nghe và xem những tin tức nào, thay vì thụ động tiếp nhận liên tục mọi tin tức tràn tới trước mắt.
Giáo sư Nicholas Procter, thuộc trường đại học Nam Úc nói phụ huynh chịu thêm nhiều áp lực hơn vì vừa phải kiểm soát cảm xúc của mình, vừa phải giúp đỡ con cái vượt qua.
Ông nói nghiên cứu đã chỉ ra trẻ em sẽ kiểm soát cảm xúc của chúng tốt hơn, khi người lớn ở bên cạnh chúng biết kiểm soát cảm xúc của mình.
Vì vậy ông đề nghị cần có những cuộc thảo luận thẳng thắn phù hợp với lứa tuổi.
'Hãy nói với trẻ em rằng đừng chỉ trích ai trong tình huống này, hãy giúp chúng nhìn thấy điều tốt đẹp ở người khác, giải thích cho chúng những khái niệm về virus và sự cách ly, thậm chí giải thích ý nghĩa hai chữ ‘đại dịch’ phù hợp với lứa tuổi các em. Tôi nghĩ đó là điều vô cùng quan trọng và nó sẽ giúp chúng ta giúp được con cái mình. Điều mà chúng tôi muốn nói là phải thật sự gắn kết với cộng đồng và giúp đỡ lẫn nhau để mọi người đều được nghe những thông điệp chính xác và phù hợp với lứa tuổi.'